Như đã đề cập trong bài trước, một xe tải thông thường có 6 thông số khối lượng và được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm có 3 thông số. Nhóm 1 gồm 3 thông số cố định được ghi trong Giấy Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật do Đăng kiểm cấp: Trọng tải, Khối lượng bản thân và Tổng khối lượng cho phép. Bài viết này tôi xin nói về Nhóm 2 gồm 3 thông số thay đổi theo chuyến: Khối lượng chở, Khối lượng toàn bộ và Khối lượng trên trục.
Cảnh sát giao thông Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) |
Bảo Anh |
Khối lượng chở (KL4) là khối lượng các thứ đang chở trên xe. Nó thay đổi nặng nhẹ thế nào là do ý định chất hàng lên mỗi chuyến của người sử dụng xe. Khi kiểm tra Giấy vận tải, rồi đối chiếu với trọng tải đã ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định, cảnh sát giao thông sẽ biết khối lượng chở có quá tải hay không.
Khối lượng toàn bộ (KL5) là bằng khối lượng bản thân (KL2) cộng khối lượng chở (KL4). Vì khối lượng chở KL4 thay đổi theo chuyến nên khối lượng toàn bộ KL5 cũng thay đổi theo. Có thể nhận biết KL5 bằng cách cân xe. Khi cân xe, bánh xe đè lên bàn cân, nên khối lượng bản thân xe đã nằm trong kết quả. Đối chiếu kết quả cân với tổng khối lượng cho phép (KL3) đã đề cập ở bài trước thì xe đã chở quá tải. Với cách cân này thì không cần kiểm tra Giấy vận tải nữa.
Khi thiết kế tính toán sức chịu tải của cầu, các kỹ sư đã coi khối lượng toàn bộ xe sinh ra một lực tập trung tác dụng lên kết cấu cầu. Vì vậy, nếu xe đi lên cầu có cắm biển P.115 mà kết quả cân khối lượng toàn bộ KL5 lớn hơn con số ghi trên biển, chẳng hạn 10 tấn trên Hình 3, thì xe đó nặng quá sức chịu tải của cầu.
Hình 3: Biển báo P. 115 |
Thông số cuối cùng là Khối lượng trên trục (KL6), đó là phần của khối lượng toàn bộ KL5 phân bố trên mỗi trục. Tổng các khối lượng trên trục luôn bằng khối lượng toàn bộ, ∑KL6 = KL5. Khi thiết kế tính toán sức chịu tải của đường, các kỹ sư quan tâm đến áp suất của lốp xe nén lên mặt đường, do khối lượng trên trục KL6 truyền tới lốp gây ra. Có thể nhận biết khối lượng KL6 khi cân xe. Nếu xếp hàng hóa không đều, kết quả cân khối lượng trên các trục sẽ không bằng nhau.
Hình 4: Biển báo P.116 |
Vì vậy, nếu xe đi vào đoạn đường có cắm biển P.116, mà kết quả cân khối lượng KL6 trên một trục nào đó lớn hơn con số ghi trên biển, chẳng hạn 7 tấn trên Hình 4, thì xe đó nặng quá sức chịu tải của đường.
Như vậy, quá tải và quá sức chịu tải của cầu/đường là hai vi phạm hoàn toàn khác nhau. Sẽ là không chính xác, khi nói: “Xe quá tải phá hỏng cầu/đường”. Trong một số trường hợp, một xe quá tải còn có thể đồng thời vi phạm lỗi khác như: vừa quá tải vừa vi phạm các biển cấm P.106a hoặc P.106b - gây ùn tắc, tiếng ồn; hoặc vừa quá tải vừa vi phạm các biển cấm P.115 - quá sức chịu tải của cầu, hoặc P.116 - quá sức chịu tải của đường.
2 xe chở lúa quá tải bị bắt giữ trên QL1 tại Tiền Giang vào tháng 4.2020 |
lê lang |
Ngoài ra, còn có quy định về các giới hạn khối lượng cho từng loại xe, số trục/cụm trục, khoảng cách trục, để xe không quá sức chịu tải của cầu và đường trên tuyến.
Các luật sư và giáo viên trường dạy lái xe khi trả lời thắc mắc thì không thể khác được, chỉ có thể trích dẫn theo các văn bản pháp luật đã ban hành. Còn trên các trang mạng xã hội, tình trạng giải đáp thắc mắc không thống nhất đã khiến các bên hiểu từ ngữ khác nhau, khi xử lý những vi phạm liên quan đến khối lượng xe.
Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.
Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn
Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.
Thanh Niên