Tuyên truyền văn hóa giao thông trên những chuyến phà

2 năm trước 25

Có dịp qua lại trên những phương tiện kết nối đôi bờ vùng sông nước, tôi cho rằng có thể tuyên truyền pháp luật trên những chuyến phà thông qua phương tiện nghe nhìn. Những văn bản pháp luật như luật Giao thông, luật Dân sự …nên được giới thiệu đến với người dân thông qua những hình thức tuyên truyền đơn giản, súc tích để tất cả mọi người dễ dàng tiếp thu. Kiến thức pháp luật có thể được lồng ghép vào các tình huống, tiểu phẩm, bản tin, hỏi đáp với sự tham gia của các luật sư, chuyên gia tư vấn hay những người nổi tiếng sẽ thu hút được khán thính giả và giúp họ ghi nhớ lâu hơn.

Ở một góc độ khác, âm nhạc cũng là một phương tiện tuyên truyền rất hay và dễ nhớ. “Luôn giữ gìn vệ sinh là giữ sức khỏe chính mình …‘’ hay ‘’Hãy rửa tay cho kỹ trước khi ăn cơm..." Những ca từ đơn giản nhưng lại có tính giáo dục cao trong bài hát "Khúc hát đôi bàn tay" của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát mang tính thời sự, tuyên truyền nhưng với giai điệu và ca từ dễ hát và dễ hiểu thì có tác dụng rất lớn trong việc lan tỏa ý thức cộng đồng đến với công chúng, không những với người lớn mà ngay cả trẻ em.

Tôi nhớ đến những bài hát thiếu nhi có giai điệu trong sáng, giản dị, dễ hát, dễ thuộc nhưng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. “Tay ai xinh xinh trắng tinh thì hát mừng còn tay ai nhem mực thì cả lớp nói chê ngay". Khi nghe những ca từ rất hay trong ca khúc "Khám tay" của nhạc sĩ Đào Việt Hưng, đứa trẻ nào cũng biết đến việc vệ sinh cá nhân trước khi vào lớp học. Hình ảnh chú mèo lười biếng không chịu rửa mặt sạch sẽ đến nỗi đau cả mắt trong bài hát "Rửa mặt như mèo" của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích làm cho trẻ ý thức hơn về việc rửa mặt hàng ngày - "Meo meo meo, rửa mặt như mèo. Xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu …"

Thông qua hình ảnh con cào cào trong bài hát cùng tên, tác giả Khánh Vinh đưa ra một thông điệp thật ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: "Muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao. Ai muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao". Với hai nhạc sĩ Lương Bằng Vinh và Lê Quốc Chính thì giáo dục luật giao thông cho trẻ thật đơn giản : “Đường bên trái thì em không đi. Đường bên phải là đường em đi ’.

Với những người làm cha mẹ như chúng tôi bây giờ, những ca khúc thiếu nhi ngày xưa vẫn còn nguyên giá trị trong việc dạy dỗ con mình. Mỗi bài hát tuy ngắn nhưng là một bức tranh với những gam màu tươi sáng, mô tả sinh hoạt của trẻ em khi ở nhà, ở trường được lồng ghép khéo léo, nhẹ nhàng những bài học dạy kỹ năng sống, dạy phép ứng xử cho các cháu.

Với sự trợ giúp của các đài truyền thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí cùng với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin, việc tuyên truyền qua hình thức này chắc không gặp nhiều khó khăn . Những bản tin, tiểu phẩm … được lưu trữ và phát lại nhiều lần trên những chuyến phà qua lại sẽ là những bài học về pháp luật thực tế và lắng đọng trong lòng hành khách khi tham gia giao thông trên phà. Thiết nghĩ, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay đang dần được hoàn thiện và đi vào thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng thông hiểu và việc tuyên truyền theo cách này sẽ là một phương thức ít tốn kém nhưng có khả năng lan tỏa nhanh trong cộng đồng. Hy vọng một ngày không xa, trên hành trình xuôi ngược cùng với những chuyến phà, hành khách sẽ có được những kiến thức pháp luật bổ ích để góp phần vào việc sống đẹp và xây dựng xã hội văn minh.

Đọc toàn bộ bài viết