Viêm cổ tử cung điều trị bằng cách nào?

3 năm trước 26

Giống như các bộ phận khác trong cơ thể, cổ tử cung cũng có thể bị viêm vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Viêm cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là bộ phận thấp nhất của tử cung, nối tử cung với âm đạo. Hàng tháng, máu kinh từ tử cung đi qua cổ tử cung xuống âm đạo và ra ngoài cơ thể. Trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung giãn rộng ra để thai nhi có thể đi qua.

Giống như các bộ phận khác trong cơ thể, cổ tử cung cũng có thể bị viêm vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Dấu hiệu, triệu chứng viêm cổ tử cung

Một số phụ nữ bị viêm cổ tử cung mà không hề có triệu chứng. Nếu có thì các dấu hiệu, triệu chứng thường là:

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Khí hư màu xám trắng và có mùi khó chịu
  • Đau âm đạo
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Cảm giác tức ở vùng chậu
  • Đau thắt lưng
  • Đi tiểu nhiều và đau buốt khi đi tiểu

Theo thời gian, tình trạng viêm có thể trở nên nghiêm trọng hơn và trong một số trường hợp, nó cổ tử cung hình thành nên những vết loét hở. Khí hư giống như mủ là một biểu hiện của viêm cổ tử cung nặng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cổ tử cung là nhiễm trùng. Các bệnh nhiễm trùng dẫn đến viêm cổ tử cung có thể lây khi quan hệ tình dục hoặc cũng có thể không lây. Viêm cổ tử cung gồm có hai loại là viêm cổ tử cung cấp tính và viêm cổ tử cung mãn tính. Viêm cổ tử cung cấp tính là tình trạng mà các triệu chứng khởi phát đột ngột rồi biến mất nhanh chóng. Khi bị viêm cổ tử cung mãn tính, các triệu chứng kéo dài dai dẳng trong suốt nhiều tháng.

Viêm cổ tử cung cấp tính thường là do các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) gây ra, chẳng hạn như:

  • Mụn rộp (herpes) sinh dục
  • Chlamydia
  • Nhiễm trichomonas
  • Bệnh lậu

Nhiễm HPV cũng có thể gây viêm cổ tử cung. Đây thường là dấu hiệu vào giai đoạn sau của tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung.

Viêm cổ tử cung cũng có thể là do các nguyên nhân khác gây ra như:

  • Dị ứng với thuốc diệt tinh trùng hoặc bao cao su
  • Mũ chụp cổ tử cung hoặc màng ngăn âm đạo
  • Nhạy cảm với các hóa chất có trong băng vệ sinh
  • Nhiễm khuẩn âm đạo

Biện pháp chẩn đoán

Nếu có các dấu hiệu của viêm cổ tử cung thì cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Nhiều bệnh lý khác ở âm đạo hoặc tử cung cũng có những biểu hiện tương tự như viêm cổ tử cung.

Bác sĩ có thể phát hiện ra viêm cổ tử cung khi khám phụ khoa định kỳ ngay cả khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào.

Có nhiều cách để chẩn đoán viêm cổ tử cung.

Thăm khám vùng chậu bằng tay

Bác sĩ sẽ đưa ngón tay có đeo găng vô trùng vào âm đạo đồng thời dùng tay kia ấn lên vùng bụng và vùng chậu để kiểm tra những bất thường ở các cơ quan trong vùng chậu, bao gồm cả cổ tử cung và tử cung.

Xét nghiệm Pap

Hay còn được gọi là phết tế bào cổ tử cung. Bác sĩ dùng tăm bông hoặc bàn chải mềm để lấy mẫu tế bào từ âm đạo và cổ tử cung. Sau đó, mấu tế bào này được đem đi phân tích để tìm những dấu hiệu bất thường.

Sinh thiết cổ tử cung

Phương pháp này chỉ được thực hiện nếu xét nghiệm Pap cho kết quả bất thường. Để thực hiện sinh thiết cổ tử cung, bác sĩ đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo. Sau đó dùng tăm bông nhẹ nhàng làm sạch dịch nhầy ở âm đạo và cổ tử cung.

Bác sĩ sẽ quan sát cổ tử cung bằng máy soi cổ tử cung - một loại thiết bị phòng đại hình ảnh và sau đó lấy mẫu mô từ những vùng nghi ngờ.

Cấy dịch cổ tử cung

Có thể sẽ cần lấy cả mẫu dịch nhầy từ cổ tử cung và kiểm tra dưới kính hiển vi để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, ví dụ như nhiễm nấm Candidanhiễm khuẩn âm đạo hay các bệnh nhiễm trùng khác.

Ngoài ra, tùy vào từng trường hơp mà sẽ còn phải làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như nhiễm trichomonas. Nếu bị một trong các bệnh này thì sẽ cần điều trị để chữa lành viêm cổ tử cung.

Biện pháp điều trị

Không có phương pháp tiêu chuẩn nào để điều trị viêm cổ tử cung. Bác sĩ sẽ xác định liệu trình điều trị phù hợp dựa trên các yếu tố như:

  • Nguyên nhân
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Bệnh sử
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
  • Mức độ viêm

Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có dùng thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng và theo dõi, đặc biệt là những trường hợp bị viêm cổ tử cung sau khi sinh nở. Nếu viêm cổ tử cung là do phản ứng dị ứng hay kích ứng với các vật được đưa vào từ bên ngoài (ví dụ như tampon, vòng tránh thai, mũ chụp cổ tử cung hay miếng xốp tránh thai) thì sẽ cần ngừng sử dụng các sản phẩm này trong một thời gian để cổ tử cung lành lại hoàn toàn.

Nếu bị viêm cổ tử cung do ung thư hoặc tiền ung thư cổ tử cung thì một trong các giải pháp điều trị là phẫu thuật lạnh (áp lạnh). Đây là phương pháp làm đông lạnh và tiêu diệt các tế bào bất thường trong cổ tử cung. Ngoài ra cũng có thể phá hủy các tế bào bất thường bằng cách bôi bạc nitrat.

Nói chung, hầu hết các nguyên nhân gây viêm cổ tử cung đều có thể điều trị được nhưng nếu như không điều trị thì tình trạng viêm có thể kéo dài trong suốt nhiều năm, gây đau đớn khi quan hệ tình dục, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn, thậm chí còn dẫn đến biến chứng.

Các biến chứng

Viêm cổ tử cung do bệnh lậu hoặc chlamydia có thể lan đến niêm mạc tử cung và ống dẫn trứng, gây ra bệnh viêm vùng chậu. Viêm vùng chậu sẽ khiến cho triệu chứng đau, tiết dịch âm đạo càng thêm nặng hơn và người bệnh còn bị sốt. Viêm vùng chậu nếu không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Biện pháp phòng ngừa viêm cổ tử cung

Có nhiều cách để giảm nguy cơ bị viêm cổ tử cung. Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh STI. Nếu viêm cổ tử cung là do một trong những bệnh này gây ra thì cần tạm thời ngừng quan hệ tình dục để tránh lây bệnh cho bạn tình.

Không dùng các sản phẩm có chứa hương liệu, nước hoa chẳng hạn như dung dịch thụt rửa và xịt thơm vùng kín để làm tránh bị kích ứng, dị ứng. Nếu cần đưa bất cứ thứ gì vào âm đạo, chẳng hạn như tampon hoặc màng ngăn âm đạo thì cần làm theo đúng hướng dẫn sử dụng về thời điểm lấy ra và cách vệ sinh sau đó.

Phương pháp xét nghiệm STI gây viêm cổ tử cung

Sẽ cần thực hiện phương pháp xét nghiệm nào để biết liệu viêm cổ tử cung có phải do bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra hay không?

Trước hết, cần biết rằng một số bệnh lây truyền qua đường tình dục là do vi khuẩn gây ra, ví dụ như chlamydia, nhiễm trichomonas, lậu, giang mai trong khi một số bệnh khác lại là do virus, ví dụ như mụn rộp sinh dục, mụn cóc sinh dục, HIV…

Để sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn thì sẽ cần lấy mẫu dịch từ khu vực bị nhiễm bệnh và sau đó tiến hành nuôi cấy để phát hiện loại vi khuẩn cụ thể và đưa ra chẩn đoán.

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus, ví dụ như HIV cần sàng lọc bằng cách xét nghiệm máu. Các bệnh do virus khác, chẳng hạn như mụn rộp và mụn cóc sinh dục, có thể được chẩn đoán bằng cách quan sát vùng tổn thương bằng mắt.

Đọc toàn bộ bài viết