Viêm nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn phải điều trị càng sớm càng tốt.
Viêm nội mạc tử cung là gì?
Viêm nội mạc tử cung là tình trạng viêm xảy ra ở lớp tế bào bao phủ bề mặt bên trong tử cung và thường là do nhiễm trùng. Lớp tế bào này còn được gọi là niêm mạc tử cung. Đây là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn phải điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh này có thể điều trị được một cách dễ dàng bằng thuốc kháng sinh.
Tình trạng viêm nếu không được điều trị thì sẽ dẫn đến các biến chứng ở cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và còn gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe.
Nguyên nhân gây viêm nội mạc tử cung
Viêm nội mạc tử cung đa phần xảy ra do nhiễm trùng. Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây ra vấn đề này gồm có:
- Các bệnh lây qua đường tình dục (STI/STD), chẳng hạn như chlamydia và bệnh lậu
- Bệnh lao
- Nhiễm trùng do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong âm đạo
Trong âm đạo luôn có một hệ vi sinh vật cùng tồn tại ở thế cân bằng, trong đó có các loại vi khuẩn. Do một số nguyên nhân, ví dụ như thay đổi nội tiết tố hay thói quen thụt rửa mà sự cân bằng giữa các lợi khuẩn và hại khuẩn bị phá vỡ. Điều này có thể dẫn đến viêm nội mạc tử cung.
Các yếu tố nguy cơ
Nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng gây viêm nội mạc tử cung thường tăng cao sau sảy thai hoặc sau khi sinh con, đặc biệt là khi thời gian chuyển dạ kéo dài hoặc phải sinh mổ. Phụ nữ cũng sẽ có nguy cơ bị viêm nội mạc tử cung sau các thủ thuật xâm nhập vào tử cung qua cổ tử cung. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập. Các thủ thuật có thể làm tăng nguy cơ viêm nội mạc tử cung gồm có:
- Nội soi buồng tử cung
- Đặt vòng tránh thai
- Nong cổ tử cung và nạo buồng tử cung (D&C)
Viêm nội mạc tử cung có thể xảy ra cùng lúc với các bệnh lý khác ở vùng chậu, chẳng hạn như viêm cổ tử cung. Những bệnh này có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng.
Các triệu chứng của viêm nội mạc tử cung
Viêm nội mạc tử cung thường gây ra các triệu chứng như:
- Chướng bụng
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Dịch tiết âm đạo (khí hư) bất thường
- Táo bón
- Đau khi đi ngoài
- Sốt
- Cảm giác mệt mỏi
- Đau ở vùng chậu, bụng dưới hoặc vùng trực tràng
Chẩn đoán viêm nội mạc tử cung
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và khám phụ khoa, trong đó kiểm tra vùng bụng, tử cung và cổ tử cung để tìm dấu hiệu sưng đỏ và tiết dịch bất thường. Sau đó sẽ cần thực hiện các biện pháp sau để chẩn đoán vấn đề:
- Lấy mẫu tế bào cổ tử cung để xét nghiệm tìm vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng, chẳng hạn như chlamydia và gonococcus (vi khuẩn gây bệnh lậu)
- Lấy một mẫu mô nhỏ từ niêm mạc tử cung để kiểm tra. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết nội mạc tử cung
- Nội soi ổ bụng để quan sát kỹ hơn bên trong khoang bụng hoặc vùng chậu
- Lấy mẫu dịch tiết âm đạo và quan sát dưới kính hiển vi
Có thể sẽ cần làm cả xét nghiệm máu để đo số lượng bạch cầu (white blood cell - WBC) và tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR). Viêm nội mạc tử cung sẽ làm tăng số lượng bạch cầu và tốc độ lắng hồng cầu.
Các biến chứng
Nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị bằng thuốc kháng sinh thì sẽ ngày càng trở nên nặng hơn và thậm chí còn có thể dẫn đến các biến chứng. Các biến chứng có thể xảy ra khi bị viêm nội mạc tử cung gồm có:
- Vô sinh
- Viêm phúc mạc vùng chậu - một dạng viêm vùng chậu
- Tụ mủ hoặc áp-xe trong vùng chậu hoặc tử cung
- Nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm trùng máu – tình trạng bị nhiễm vi khuẩn trong máu
- Sốc nhiễm khuẩn - tình trạng nhiễm trùng máu nghiêm trọng đến mức khiến cho huyết áp tụt xuống rất thấp
Nhiễm khuẩn huyết là một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng có thể tiến triển nặng rất nhanh và có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn – một vấn đề có thể đe dọa đến tính mạng và cần can thiệp khẩn cấp. Khi có những dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết hay sốc nhiễm khuẩn thì phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Viêm nội mạc tử cung mãn tính là tình trạng nội mạc tử cung bị viêm trong thời gian dài. Trong những trường hợp này, nguyên nhân gây bệnh vẫn hiện diện nhưng chỉ gây ra phản ứng viêm cấp độ thấp và đa phần không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng chỉ rất nhẹ và bị nhầm lẫn với những vấn đề khác. Tuy nhiên, viêm nội mạc tử cung mãn tính có thể dẫn đến vô sinh nếu như không điều trị.
Điều trị viêm nội mạc tử cung
Vì nguyên nhân là do nhiễm trùng nên viêm nội mạc tử cung cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu là do một bệnh lây truyền qua đường tình dục thì cả hai người đều phải điều trị. Một điều rất quan trọng khi dùng thuốc kháng sinh là phải uống đủ liều và đủ thời gian mà bác sĩ chỉ định. Việc uống không đủ liều hay dừng thuốc sớm sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh tái phát và vi khuẩn có khả năng kháng thuốc.
Các trường hợp nghiêm trọng sẽ cần nhập viện điều trị và truyền thuốc kháng sinh qua tĩnh mạch. Đây chủ yếu là những trường hợp bị viêm nội mạc tử cung sau khi sinh con.
Có thể điều trị khỏi không?
Nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh thì viêm nội mạc tử cung sẽ khỏi mà không để lại vấn đề nào về lâu dài.
Mặt khác, nếu tình trạng này không được điều trị thì sẽ gây ra vấn đề về khả năng sinh sản và nhiễm trùng nghiêm trọng. Người bệnh thậm chí còn có thể bị vô sinh hoặc sốc nhiễm khuẩn.
Biện pháp phòng ngừa
Có thể giảm nguy cơ viêm nội mạc tử cung khi sinh nở hoặc sau một thủ thuật phụ khoa bằng cách sử dụng dụng cụ và kỹ thuật vô trùng trong quá trình thực hiện. Thông thường, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng khi sinh mổ hoặc ngay trước khi bắt đầu phẫu thuật.
Có thể ngăn ngừa viêm nội mạc tử cung do các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng các biện pháp:
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su
- Xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Khi mắc các bệnh này thì cần hoàn thành liệu trình điều trị theo đúng chỉ định
Cần đi khám bác sĩ ngay nếu đang gặp các dấu hiệu của viêm nội mạc tử cung. Điều quan trọng là phải điều trị sớm để ngăn ngừa phát sinh các biến chứng nghiêm trọng.