Vụ khủng bố nhà hát đe dọa nỗ lực bảo vệ nước Nga của ông Putin

8 tháng trước 48

Tổng thống Putin nhiều lần cam kết đảm bảo an ninh cho nước Nga, song vụ khủng bố đẫm máu ở nhà hát Crocus đang đe dọa nỗ lực đó.

Tuần trước, ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 5, Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ cảnh báo của tình báo Mỹ về nguy cơ tấn công khủng bố sắp xảy ra và kêu gọi lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tập trung vào nỗ lực truy lùng gián điệp Ukraine hoạt động trên lãnh thổ.

Ba ngày sau, 4 tay súng nã đạn vào gần 6.000 khán giả tới xem buổi biểu diễn tại nhà hát Crocus, ngoại ô Moskva. Cuộc tấn công khiến ít nhất 137 người thiệt mạng, 182 người bị thương, trở thành vụ khủng bố chết chóc nhất ở Nga trong 20 năm qua.

Vụ khủng bố khiến cả nước Nga bàng hoàng, xảy ra giữa lúc quân đội nước này đang tiếp tục chiến dịch ở Ukraine và ngăn lực lượng của Kiev tập kích mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga. Kiev gần đây thực hiện loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát vào các nhà máy lọc dầu ở Nga, làm gián đoạn sản xuất, đe dọa chuỗi cung ứng.

Điều đó làm tăng thách thức đối với chính quyền Tổng thống Putin trong nỗ lực thực hiện cam kết đảm bảo an ninh cho đất nước và người dân Nga mà ông đưa ra khi đắc cử, theo giới quan sát.

Trước khi ông Putin lên nắm quyền vào tháng 12/1999, Nga từng rung chuyển bởi các vụ tấn công khủng bố, được cho do những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Chechnya gây ra. Ông Putin khi đó nổi tiếng với cam kết sử dụng những biện pháp cứng rắn nhất để săn lùng những kẻ khủng bố và khôi phục an ninh.

"Chúng tôi sẽ đuổi theo những tên khủng bố ở khắp mọi nơi. Nếu chúng ở sân bay, chúng tôi sẽ đuổi đến sân bay. Nếu chúng tôi bắt được chúng trong nhà vệ sinh, chúng tôi sẽ xả chúng đi trong bồn cầu", ông nói.

Những phát biểu cứng rắn đó, cùng nỗ lực chống khủng bố của Nga vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 đã củng cố quyền lực của ông Putin, khi người Nga kêu gọi hành động để khôi phục luật pháp và trật tự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố nhà hát Crocus, ngoại ô Moskva ngày 24/3. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố nhà hát Crocus, ngoại ô Moskva ngày 24/3. Ảnh: TASS

Kể từ năm 2004, nước Nga gần như không chứng kiến vụ khủng bố quy mô lớn nào. Phần lớn người dân Nga đều bày tỏ tin tưởng vào khả năng lực lượng an ninh nước này đảm bảo an toàn cho họ.

Đây có thể là lý do vấn đề chống khủng bố không còn được ông Putin đề cập trong phát biểu chiến thắng khi tái đắc cử nhiệm kỳ 5. Thay vào đó, ông tập trung vào chiến dịch ở Ukraine, khẳng định đây là "ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ mới". Ông đề xuất thiết lập một vùng đệm an ninh để bảo vệ nước Nga, nhưng không phải khỏi những kẻ khủng bố, mà nhằm ngăn chặn các vụ tấn công quấy nhiễu qua biên giới của Ukraine.

"Có lẽ FSB đã quá bận tâm với cuộc chiến ở Ukraine và những nguy hiểm từ đó đến nỗi họ không nhìn thấy điều này. Họ bị phân tán khi chiến đấu trên quá nhiều mặt trận", Grigorij Serscikov, chuyên gia về chống khủng bố và tình báo ở Hà Lan, nói.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho hay Washington hồi đầu tháng này đã có thông tin tình báo về một kế hoạch tấn công khủng bố ở Moskva, nhiều khả năng nhắm vào các địa điểm tụ tập đông người, trong đó có những sự kiện hòa nhạc.

"Chính phủ Mỹ đã chia sẻ thông tin này với giới chức Nga theo chính sách 'nghĩa vụ cảnh báo' đã được thực hiện từ lâu", Watson cho hay.

Nhiều nhà quan sát cho rằng an ninh đã không được đảm bảo tại thành phố Krasnogorsk, nơi được xem là địa điểm giải trí và mua sắm khổng lồ ở ngoại ô Nga, bất chấp những cảnh báo từ chính phủ Mỹ.

"Thành phố Krasnogorsk là nơi rộng lớn với nhiều nhà hát. Đáng lẽ an ninh phải nghiêm ngặt hơn và có nhiều cảnh sát hơn", một doanh nhân ở Moskva nói. "Rõ ràng trách nhiệm về an ninh tại các sự kiện cộng đồng lớn đã bị lơ là".

Doanh nhân giấu tên này nhớ lại cuộc khủng hoảng con tin năm 2002, khi nhà hát Nord Ost ở trung tâm Moskva bị những tay súng Chechnya tấn công, khiến hơn 115 người chết. "Không có gì thay đổi kể từ đó", người này nói.

Một học giả Nga có quan hệ chặt chẽ với các nhà ngoại giao cấp cao cũng đưa ra đánh giá tương tự về thất bại của lực lượng an ninh, tình báo Nga trong ngăn chặn âm mưu khủng bố. "Bất kỳ cuộc điều tra nào cũng sẽ tìm thấy những thất bại của các cơ quan an ninh chúng tôi", chuyên gia Nga nói.

Lực lượng an ninh Nga nhiều tháng qua đã dồn nguồn lực để bảo vệ cuộc bầu cử, nơi ông Putin giành chiến thắng vang dội.

Song đảm bảo an ninh đầy đủ cho người dân trước mối đe dọa khủng bố từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dường như không nằm trong danh sách ưu tiên của FSB, dù nguy cơ Nga bị tấn công đã lớn dần trong những năm qua, khi IS trỗi dậy ở Trung Đông, đặc biệt là tại Afghanistan, và vươn vòi bạch tuộc ra nước ngoài, theo các nhà phân tích.

Đầu tháng này, FSB cho biết phá vỡ âm mưu tấn công của IS vào một giáo đường Do Thái và "vô hiệu hóa" một số tay súng trong cuộc đột kích ở khu vực Kaluga, phía tây nam thủ đô. Kazakhstan sau đó xác nhận hai công dân của họ đã thiệt mạng trong cuộc đột kích. Năm ngoái, hãng thông tấn TASS đưa tin FSB tiêu diệt hai phiến quân IS đang âm mưu tấn công cơ sở hóa chất ở Kaluga.

"Trừ khi đó là sự kiện lớn như Thế vận hội hoặc có ông Putin tham gia, sự cảnh giác an ninh của Nga luôn ở mức thấp. Họ thực sự phải có hệ thống tập trung vào các mối đe dọa này", một cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ nói.

Ngọn lửa ở nhà hát Crocus City Hall được kiểm soát tối ngày 22/3. Ảnh: AFP

Ngọn lửa ở nhà hát Crocus City Hall được kiểm soát tối ngày 22/3. Ảnh: AFP

4 nghi phạm bị Nga bắt sau vụ khủng bố đều là công dân Tajikistan, gồm Dalerdjon Mirzoyev, 32 tuổi, Saidakrami Rachabalizod, 30 tuổi, Muhammadsobir Fayzov, 19 tuổi và Shamsidin Fariduni, 25 tuổi. Tajikistan từng thuộc Liên Xô, có phần lớn dân số là người theo đạo Hồi, một số từng đến Syria gia nhập IS.

Theo lời khai của một nghi phạm thực hiện vụ khủng bố tại nhà hát Crocus, anh ta nhận chỉ thị từ một giáo sĩ Hồi giáo trên mạng, được hứa trả gần 11.000 USD để tiến hành vụ khủng bố và "giết sạch những người trong nhà hát".

Người lao động ở các quốc gia Trung Á như Tajikistan có thể đến Nga mà không cần thị thực. Vài triệu người đã định cư tại các thành phố lớn ở Nga trong những năm gần đây.

Người Hồi giáo, gồm cả người di cư và sinh ra tại Nga, ước tính chiếm tới 20% dân số của đất nước, nhưng thường sống tách biệt với xã hội Nga. Điều này khiến họ có thể dễ dàng trở thành mục tiêu nhắm tới của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Vụ tấn công khủng bố cuối tuần qua cho thấy "rủi ro của chính sách khuyến khích nhập cư mà chính quyền Nga thực hiện trong hai thập kỷ qua", theo Ruslan Pukhov, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moskva.

"Khi những khu vực Hồi giáo lớn và cộng đồng người di cư hình thành, sự bùng nổ của những phần tử Hồi giáo cực đoan chỉ là vấn đề thời gian", Pukhov nói.

Ngày càng nhiều người Nga không hài lòng với chính sách nhập cư, dù họ hiểu đất nước quá phụ thuộc vào lao động Trung Á đến mức khó có thể đột ngột thay đổi chính sách hiện tại.

"Tôi ước gì chúng tôi đã ngăn họ tới đây từ 15 năm trước, nhưng hiện tại chúng tôi không còn có thể làm gì được nữa", Alexei Zakharov, người quản lý trang web tìm việc trực tuyến Superjob.ru, cho hay.

Các cựu quan chức Mỹ cho biết mối đe dọa khủng bố tiềm tàng từ Trung Á đã không được FSB và các quan chức an ninh dưới quyền ông Putin chú ý tới, khi họ tập trung vào các mối đe dọa từ cuộc xung đột Ukraine.

"Họ đã không ưu tiên cho mối đe dọa từ nhóm IS với nhiều thành viên là người Trung Á", Douglas London, cựu sĩ quan CIA chuyên về chống khủng bố và Trung Á, nói. "Tôi nghĩ tình báo Nga không phải không nhận ra có vấn đề, nhưng chỉ đơn giản là nó không phải là ưu tiên trong chương trình hành động của họ".

Thanh Tâm (Theo WSJ, AFP, Washington Post)

Đọc toàn bộ bài viết