5 giai đoạn của bệnh Parkinson

2 năm trước 24

Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn thần kinh do thoái hóa, có các triệu chứng điển hình là run chân tay, mất khả năng kiểm soát vận động của cơ, dẫn đến khó khăn khi cử động, đi lại, nói chuyện… Bệnh còn gây ra nhiều triệu chứng khác và khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau thì các triệu chứng càng nặng.

Các triệu chứng chính của Parkinson gồm có:

  • Run không thể kiểm soát
  • Chuyển động chậm chạp
  • Khó giữ thăng bằng và phối hợp các cơ
  • Cứng các chi

Một phương pháp được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán chứng bệnh này là dựa trên thang điểm Hoehn và Yahr. Thang điểm này giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Thang điểm Hoehn và Yahr chia quá trình tiến triển của bệnh Parkinson thành 5 giai đoạn.

Giai đoạn 1

Giai đoạn 1 là giai đoạn nhẹ nhất của bệnh Parkinson. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể đã bắt đầu gặp phải các triệu chứng nhưng các triệu chứng chưa đủ nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, các triệu chứng ở giai đoạn đầu chỉ thoáng qua nên thường không được chú ý đến. Tuy nhiên, gia đình và bạn bè có thể nhận thấy những thay đổi trong tư thế, đi lại hoặc nét mặt của người bệnh.

Một triệu chứng thường gặp của bệnh Parkinson ở giai đoạn 1 là run và cử động khó khăn, thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể. Nếu sử dụng thuốc kê đơn ngay ở giai đoạn này thì có thể giảm thiểu các triệu chứng một cách hiệu quả.

Giai đoạn 2

Khi sang đến giai đoạn 2, các triệu chứng của bệnh Parkinson trở nên rõ rệt hơn nhiều so với các triệu chứng ở giai đoạn 1. Tình trạng cứng cơ và run chân tay lúc này đã dễ nhận thấy hơn và người bệnh có những thay đổi về khả năng biểu cảm.

Mặc dù sự cứng cơ khiến cho việc thực hiện các cử động bình thường trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc hàng ngày nhưng khả năng giữ thăng bằng vẫn chưa bị ảnh hưởng ở giai đoạn 2. Tình trạng đi lại khó khăn bắt đầu xảy ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn và tư thế của người bệnh có thể bắt đầu thay đổi.

Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng ở cả hai bên của cơ thể (mặc dù một bên có thể chỉ bị triệu chứng nhẹ) và đôi khi cảm thấy khó khăn khi nói chuyện.

Phần lớn những người mắc bệnh Parkinson ở giai đoạn 2 vẫn có thể tự chăm sóc bản thân hàng ngày nhưng việc thực hiện các công việc sẽ khó khăn và lâu hơn bình thường. Quá trình tiến triển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 có thể mất vài tháng, thậm chí nhiều năm. Tốc độ tiến triển của bệnh ở mỗi người là khác nhau và không có cách nào dự đoán được.

Giai đoạn 3

Giai đoạn 3 là giai đoạn giữa của bệnh Parkinson, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quá trình tiến triển của bệnh. Nhiều triệu chứng ở giai đoạn này cũng giống như giai đoạn 2. Tuy nhiên, lúc này nhiều người bệnh đã bị mất khả năng giữ thăng bằng và giảm phản xạ. Nhìn chung, chuyển động trở nên chậm chạp hơn. Đó là lý do tại sao té ngã là một vấn đề phổ biến ở giai đoạn 3.

Ở giai đoạn này, bệnh Parkinson bắt đầu ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống nhưng đa số người bệnh vẫn có thể tự thực hiện các công việc thường ngày. Sử dụng thuốc kết hợp với vận động trị liệu có thể giúp làm giảm các triệu chứng.

Giai đoạn 4

Một điểm khác biệt giữa giai đoạn 3 và giai đoạn 4 của bệnh Parkinson là khả năng sống độc lập của người bệnh. Ở giai đoạn 4, người bệnh vẫn có thể đứng mà không cần sự trợ giúp nhưng có thể phải sử dụng khung tập đi hoặc các thiết bị hỗ trợ khác để có thể di chuyển.

Nhiều người không thể sống một mình ở giai đoạn này vì khả năng vận động và phản ứng đã giảm đáng kể. Do nhiều công việc hàng ngày đã trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được nên người bệnh có thể gặp nguy hiểm nếu sống một mình.

Giai đoạn 5

Giai đoạn 5 là giai đoạn mà bệnh Parkinson đã trở nên rất nghiêm trọng. Tình trạng cứng cơ chân khiến cho người bệnh không thể đứng và đi lại. Ở giai đoạn này, người bệnh cần phải ngồi xe lăn và rất dễ bị ngã nếu tự đứng dậy. Do đó, cần có người ở cạnh để hỗ trợ và trông chừng người bệnh.

Có tới 50 phần trăm số người mắc bệnh Parkinson ở giai đoạn 4 và 5 bị lú lẫn, ảo giác và hoang tưởng. Ảo giác là hiện tượng nhìn thấy những thứ không có ở đó còn hoang tưởng là tình trạng mà người bệnh luôn tin vào những điều không có thật, không ngừng suy nghĩ và nói về điều đó, ngay cả khi đã có bằng chứng bác bỏ.

Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer (Alzheimer’s Association), chứng sa sút trí tuệ cũng là vấn đề rất phổ biến, xảy ra ở 50 đến 80% những người mắc bệnh Parkinson. Ở những giai đoạn sau của bệnh Parkinson, các tác dụng phụ của việc dùng thuốc thường lớn hơn lợi ích. (1)

Phương pháp đánh giá khác ngoài thang điểm Hoehn và Yahr

Một nhược điểm của thang điểm Hoehn và Yahr là thang điểm này chỉ tập trung vào các triệu chứng vận động trong khi bệnh Parkinson còn có các triệu chứng không vận động, chẳng hạn như suy giảm trí tuệ.

Do đó, nhiều bác sĩ sử dụng Thang điểm thống nhất đánh giá bệnh Parkinson (MDS-Unified Parkinson’s Disease Rating Scale). (2) Thang điểm này được đưa ra bởi Hiệp hội bệnh Parkinson và Rối loại vận động Quốc tế (International Parkinson and Movement Disorder Society - MDS), gồm có 50 câu hỏi toàn diện về các triệu chứng vận động lẫn không vận động của bệnh Parkinson, cho phép bác sĩ đánh giá những khó khăn về nhận thức có thể ảnh hưởng đến công việc hàng ngày và hiệu quả của việc điều trị.

Thang điểm này phức tạp hơn nhiều so với thang điểm Hoehn và Yahr nhưng giúp đánh giá kỹ lưỡng hơn, cho phép các bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh một cách toàn diện thay vì chỉ xem xét các triệu chứng vận động.

Các triệu chứng không vận động của bệnh Parkinson

Bác sĩ thường đánh giá sự tiến triển của bệnh Parkinson dựa trên các triệu chứng vận động như cứng cơ và run chân tay nhưng trên thực tế, các triệu chứng không vận động cũng rất phổ biến.

Một số người gặp phải các triệu chứng này từ vài năm trước khi mắc bệnh Parkinson trong khi ở một số người khác thì các triệu chứng không vận động lại xảy ra sau khi mắc bệnh. Hầu hết những người bị bệnh Parkinson đều có cả các triệu chứng vận động và không vận động.

Các triệu chứng không vận động gồm có:

  • Thay đổi về nhận thức, chẳng hạn như suy giảm trí nhớ, gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch hay tư duy chậm chạp
  • Rối loạn cảm xúc như lo âu và trầm cảm
  • Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ
  • Mệt mỏi
  • Táo bón
  • Vấn đề về thị lực
  • Khó khăn khi nói và nuốt
  • Gỉam khứu giác

Các triệu chứng không vận động thường cần phải điều trị bằng các phương pháp khác. Các triệu chứng này cũng sẽ tăng nặng khi bệnh tiến triển.

Bệnh Parkinson có gây tử vong không?

Bản thân bệnh Parkinson không trực tiếp gây tử vong. Tuy nhiên, các triệu chứng của căn bệnh này lại có thể dẫn đến các vấn đề gây tử vong. Ví dụ, chấn thương do ngã hoặc các vấn đề liên quan đến chứng sa sút trí tuệ có thể đe dọa đến tính mạng.

Nhiều bệnh nhân Parkinson bị khó nuốt. Điều này có thể dẫn đến viêm phổi hít - tình trạng xảy ra khi thức ăn hoặc các vật lạ khác đi vào phổi.

Điều trị bệnh Parkinson

Cho đến nay (năm 2021), vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa trị dứt điểm bệnh Parkinson và khoa học cũng chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến căn bệnh này. Nguyên nhân có thể là do sự kết hợp giữa các yếu tố trong cơ thể và các yếu tố môi trường. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh Parkinson đều không có yếu tố di truyền.

Theo nghiên cứu được công bố vào năm 2012, chỉ 10% những người mắc bệnh Parkinson được hỏi cho biết có người thân trong gia đình mắc bệnh. (3) Nhiều chất độc hại bị nghi ngờ là có liên quan đến bệnh Parkinson nhưng nghiên cứu chưa xác định được chất cụ thể nào gây ra bệnh lý thoái hóa thần kinh này.

Các nghiên cứu hiện vẫn đang tiếp tục được tiến hành. Theo ước tính, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh Parkinson cao gấp đôi so với phụ nữ. (4)

Cuối cùng, hiểu rõ cả các triệu chứng vận động và triệu chứng không vận động của bệnh Parkinson sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm, nhờ đó có thể điều trị ngay khi bệnh mới ở giai đoạn đầu và ngăn bệnh tiến triển nặng. Điều này giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Biết được các yếu tố nguy cơ cũng giúp phát hiện các triệu chứng ở giai đoạn đầu và điều trị kịp thời. Không phải ai mắc bệnh Parkinson cũng trải qua cả 5 giai đoạn. Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh ở mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau.

Đọc toàn bộ bài viết