6 chất bổ sung và thảo dược tốt cho người xơ vữa động mạch

5 năm trước 28

Khi bị xơ vữa động mạch, không phải khi nào cũng cần dùng đến thuốc mà có thể lựa chọn các loại thảo dược tự nhiên và viên uống bổ sung để kiểm soát tình trạng bệnh.

Hiểu về xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là tình trạng cholesterol, canxi và các chất khác tích tụ lại thành mảng bám, làm tắc nghẽn động mạch và gián đoạn sự lưu thông máu đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là tim.

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh thận và sa sút trí tuệ.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh này vì thường có sự tham gia của nhiều yếu tố khác nhau nhưng nhìn chung thì những người hút thuốc lá, uống nhiều rượu và không hay vận động là nhóm đối tượng dễ có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch. Ngoài ra, một người mắc xơ vữa động mạch cũng có thể là do di truyền từ gia đình.

Xơ vữa động mạch và cholesterol

Có nhiều loại chất bổ sung, một số trong đó có nguồn gốc từ thực vật, có thể hỗ trợ điều trị chứng xơ vữa động mạch. Và đa số những chất này đều phát huy tác dụng bằng cách làm giảm nồng độ cholesterol.

Nồng độ cholesterol cao không phải là yếu tố duy nhất nhưng cũng là một yếu tố góp một phần đáng kể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

Có hai loại cholesterol. Một là lipoprotein tỉ trọng thấp (low-density lipoprotein - LDL), hay còn được gọi là cholesterol xấu, và hai là lipoprotein tỉ trọng cao (high-density lipoprotein - HDL) hay còn được gọi là cholesterol tốt. Mục đích của các phương pháp điều trị và ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến cholesterol là giảm nồng độ LDL cholesterol và tăng nồng độ HDL cholesterol.

Chỉ số cholesterol toàn phần nên ở mức dưới 200mg/dL, trong đó LDL cholesterol nên dưới 100mg/dL, còn HDL cholesterol nên trên 60mg/dL.

Dưới đây là một số chất bổ sung và thảo dược có tác dụng giảm lượng LDL cholesterol và tăng lượng HDL cholesterol.

1. Chiết xuất atisô (ALE)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất atisô hay chính xác là chiết xuất lá atisô có tác dụng giúp tăng lượng cholesterol tốt và giảm lượng cholesterol xấu.

Hiện nay, các sản phẩm chiết xuất atisô có ở dạng viên nang, viên nén và cồn thuốc. Liều lượng dùng sẽ tùy thuộc vào dạng mà bạn sử dụng và chỉ định của bác sĩ.

2. Tỏi

Tỏi từ lâu đã được sử dụng trong y học để chữa nhiều vấn đề và bệnh lý khác nhau, từ hói đầu cho đến ung thư vú.

Một nghiên cứu năm 2012 đã cho thấy việc dùng chiết xuất tỏi trong thời gian dài và kết hợp với coenzyme Q10 có thể làm chậm tiến trình xơ vữa động mạch. Thành phần chính giúp tỏi có công dụng như vậy là allicin, đây cũng là chất tạo nên mùi đặc trưng của tỏi.

Dù có tác dụng thật hay không thì tỏi cũng chẳng hề gây hại gì cho cơ thể. Bạn có thể ăn sống, nấu chín, hoặc uống chiết xuất tỏi dưới dạng viên nang hoặc viên nén.

3. Niacin

Niacin hay còn được gọi là vitamin B3, là chất có trong các loại thực phẩm như gan, gà, cá ngừ hay cá hồi... Ngoài ra còn có các sản phẩm viên uống bổ sung niacin.

Đối với những người đang mắc phải hoặc có nguy cơ bị các vấn đề tim mạch thì nên bổ sung niacin vì nó có tác dụng làm tăng nồng độ cholesterol tốt lên 30% và làm giảm triglyceride - một loại chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Tuy nhiên, cần lưu ý, các loại viên uống bổ sung niacin có thể làm cho da bị đỏ, châm chích và thậm chí còn có thể gây buồn nôn.

Khuyến nghị về liều dùng Niacin hàng ngày là 16mg đối với nam giới, 14mg đối với phụ nữ không mang thai, 18mg đối với phụ nữ mang thai và 17mg đối với phụ nữ cho con bú.

Không được tự ý dùng quá liều mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

4. Policosanol

Policosanol là một chất được chiết xuất từ một số loại thực vật như mía và khoai lang.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Cuba về policosanol có nguồn gốc từ cây mía đã cho thấy rằng chất này có khả năng làm giảm cholesterol.

Policosanol hiện cũng có dạng viên nang và viên nén.

5. Sơn tra hay táo gai

Sơn tra hay táo gai (hawthorn) là một loại cây bụi được trồng ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Chiết xuất từ lá và quả của loài cây này được dùng để điều chế thuốc chữa bệnh tim.

Một nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy chiết xuất từ cây táo gai là giải pháp điều trị an toàn và hiệu quả dành cho những người bị bệnh tim mạch. Chiết xuất có chứa quercetin hóa học – một chất đã được chứng minh là có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol.

Chiết xuất sơn tra hay táo gai được điều chế chủ yếu ở dạng viên nang.

6. Men gạo đỏ

Men gạo đỏ (red yeast rice) là một sản phẩm được tạo ra bằng cách lên men gạo trắng. Sản phẩm này được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Một nghiên cứu năm 1999 cho thấy men gạo đỏ có thể làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol. Tác dụng của men gạo đỏ chủ yếu đến từ chất monacolin K. Nó có cùng thành phần giống như lovastatin, một loại thuốc statin kê đơn được dùng để giảm cholesterol.

Nhưng người dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về liều dùng thích hợp vì men gạo đỏ đã được một số nghiên cứu chỉ ra là có khả năng gây tổn thương thận, gan và cơ.

Những điều cần cân nhắc

Hiện vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các loại viên uống bổ sung sẽ chữa khỏi được bệnh xơ vữa động mạch nên bệnh nhân vẫn cần phải dùng thuốc, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thường xuyên.

Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại viên uống bổ sung hay thực phẩm chức năng nào vì một số sản phẩm có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc bạn đang dùng. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú thì càng phải nói chuyện cụ thể với bác sĩ.

Đọc toàn bộ bài viết