6 yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính

4 năm trước 26

Suy tĩnh mạch mạn tính là bệnh mà trước đây chưa được chú ý đến. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây thì nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và cho thấy một phần lớn dân số bị chứng bệnh này và chủ yếu là phụ nữ.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về suy tĩnh mạch mạn tính, nguyên nhân, ảnh hưởng của bệnh đến cơ thể và một số biện pháp điều trị.

Suy tĩnh mạch mạn tính là gì?

Theo định nghĩa của trang Johns Hopkins Medicine, suy tĩnh mạch mạn tính là một căn bệnh xảy ra khi các tĩnh mạch ở chân không thể đưa máu về tim một cách bình thường.

Các tĩnh mạch ở chân có các van một chiều giúp máu chỉ chảy theo một hướng. Nhưng khi các van này bị hỏng hoặc suy yếu thì máu sẽ chảy ngược. Điều này khiến máu ứ đọng lại ở chân thay vì lưu thông đến tim.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Giống như hầu hết các vấn đề về tĩnh mạch khác, có nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ suy tĩnh mạch mạn tính. 6 yếu tố nguy cơ hàng đầu gồm có:

Béo phì

Béo phì khiến con người có nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe, ví dụ như bệnh tiểu đường hay bệnh tim mạch và ngoài ra, béo phì cũng gây tổn hại đến các tĩnh mạch.

Trọng lượng cơ thể lớn khi béo phì khiến cho các tĩnh mạch phải chịu áp lực và khó có thể hoạt động được bình thường. Các tĩnh mạch không thể đưa máu đi qua cơ thể trở về tim một cách dễ dàng và điều này khiến máu đọng lại ở chân cùng nhiều khu vực khác của cơ thể.

Thay đổi nội tiết tiết tố

Những thay đổi nồng độ nội tiết tố là một yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ suy tĩnh mạch. Và một trong những giai đoạn mà nồng độ nội tiết tố có sự thay đổi lớn nhất là vào thời kỳ mang thai.

Mỗi lần mang thai thì nguy cơ gặp các vấn đề về tĩnh mạch sẽ càng tăng cao. Hơn nữa, tử cung cùng thai nhi ngày càng phát triển cũng chèn ép lên tĩnh mạch khi mang thai và gây suy yếu, tổn thương tĩnh mạch.

Một giai đoạn khác mà các tĩnh mạch cũng bị ảnh hưởng bởi sự dao động nội tiết tố là trong thời kỳ mãn kinh.

Tuổi tác cao

Mà cụ thể là ở độ tuổi trên 50. Giống như nhiều bộ phận khác, tĩnh mạch cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa tự nhiên và trở nên yếu đi theo thời gian. Sau một thời gian dài nỗ lực làm việc thì tĩnh mạch của một người 50 tuổi sẽ không thể nào còn khỏe mạnh như tĩnh mạch của một người 20, 30 tuổi.

Vì vậy, càng lớn tuổi thì sẽ càng có nguy cơ cao bị suy tĩnh mạch do các tĩnh mạch bị suy yếu và phải làm việc vất vả để đưa máu trở lại tim.

Gen di truyền

Một số người có thể có khuynh hướng di truyền dễ mắc các vấn đề về tĩnh mạch hơn và không có cách nào thay đổi được điều này.

Tuy nhiên, nếu biết trước rằng mình có nguy cơ cao mắc các vấn đề này thì có thể giảm bớt mức độ nghiêm trọng bằng cách đi khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu bất thường, đồng thời nâng cao sức khỏe bằng lối sống lành mạnh.

Ít vận động

Một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính là lối sống ít vận động. Ngồi hoặc đứng quá nhiều đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn thân, đặc biệt là tĩnh mạch. Ở một chỗ càng lâu (dù là đứng hay ngồi) thì máu càng khó lưu thông.

Bởi vì tĩnh mạch phải chống lại trọng lực để đưa máu ngược lên trên và trở về tim nên khi phải ngồi hay đứng nhiều thì thi thoảng hãy nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng để tĩnh mạch không cần phải làm việc quá nặng nhọc.

Một lý do khác mà lối sống ít vận động gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tĩnh mạch là càng ít vận động thì càng dễ bị tăng cân. Và, như đã nói ở trên, việc tăng cân sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch.

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá gây hại cho sức khỏe theo nhiều cách khác nhau và một trong số đó là làm hỏng tĩnh mạch. Hút thuốc lá khiến cho thành tĩnh mạch bị suy yếu và do đó, những người hút thuốc có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao hơn.

Để bảo vệ lá phổi và hệ thống mạch máu thì hãy bỏ thuốc ngay hôm nay.

Triệu chứng

Cách duy nhất để biết có bị mắc bệnh suy tĩnh mạch mạn tính hay không là đi khám bác sĩ chuyên khoa Tim mạch.

Tuy nhiên, dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết cơ bản của bệnh này.

Sự thay đổi phổ biến nhất mà người bệnh gặp phải là các tĩnh mạch bị giãn ra, gây ra tĩnh mạch mạng nhện (các mạch máu rất mảnh, màu xanh lam hoặc tím, xuất hiện thành cụm chẳng chịt, chìm dưới da) hoặc suy giãn tĩnh mạch (các tĩnh mạch phình lớn, màu xanh lá, nổi trên bề mặt da).

Sưng cũng là một hiện tượng xảy ra khi bị suy tĩnh mạch mạn tính. Tình trạng sưng phù có thể kéo dài trong suốt cả ngày hoặc chỉ xảy ra vào cuối ngày sau khi phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. Tuy nhiên, mức độ sưng phù thường nhẹ nhất vào buổi sáng vì việc duỗi thẳng chân hay kê cao chân khi ngủ giúp giảm sưng.

Suy tĩnh mạch mạn tính còn gây thay đổi màu sắc ở da chân. Điều này xảy ra do các tĩnh mạch bị suy yếu khiến máu ở chân bị ứ lại, sau đó làm cho da bị viêm. Tình trạng viêm này gây ra những biểu hiện như:

  • Ngứa
  • Khô
  • Lở loét
  • Đỏ
  • Rỉ dịch
  • Da trở nên căng và bóng

Những vết loét thường xuất hiện ở mắt cá chân nhưng đôi khi còn có ở cả ống chân.

Những vết loét này về cơ bản là những vết thương hở và thường sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí có thể là nhiều năm mới lành hẳn. Chúng gây đau đớn, khó chịu và thường xuyên chảy dịch.

Phương pháp điều trị

Dưới đây là một số biện pháp điều trị và giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng suy tĩnh mạch mạn tính.

Nâng cao chân

Chỉ với vài lần nâng cao chân, mỗi lần 30 phút mỗi ngày, tình trạng giảm sưng phù ở chân và sự lưu thông máu sẽ được cải thiện đáng kể.

Bằng cách nâng cao chân, tình trạng loét tĩnh mạch cũng sẽ nhanh khỏi hơn. Với những người bị suy tĩnh mạch mạn tính nhẹ thì có thể chỉ cần nâng cao chân mỗi ngày là đủ để giảm các triệu chứng nhưng nếu bị nặng hơn thì sẽ cần đến các phương pháp điều trị khác.

Mang tất nén

Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính có thể được khắc phục bằng cách mang tất nén y tế.

Loại tất này có tác dụng bó chặt lấy chân để hỗ trợ lưu thông máu và tránh bị ứ đọng ở chân.

Tiêm xơ tĩnh mạch

Với những trường hợp suy tĩnh mạch mạn tính nghiêm trọng thì sẽ cần tiêm (chích) xơ tĩnh mạch. Đây là một thủ thuật vô cùng đơn giản, nhanh chóng và hầu như không đau đớn. Chất gây xơ được tiêm vào tĩnh mạch để gây kích ứng thành mạch máu và khiến nó xẹp xuống. Mặc dù đoạn tĩnh mạch có vấn đề vẫn còn ở trong chân nhưng sẽ không vận chuyển máu nữa nên sẽ không còn gây ra vấn đề.

Ngăn ngừa

Để giảm nguy cơ bị suy tĩnh mạch mạn tính thì cần:

  • Có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh
  • Không hút thuốc
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tránh mặc quần áo chật
  • Phụ nữ nên hạn chế đi giày cao gót
  • Giảm cân nếu bị thừa cân
  • Tránh ngồi hoặc đứng lâu
Đọc toàn bộ bài viết