Câu hỏi:
Vợ tôi mang thai tháng thứ 5 và được chẩn đoán là mắc đái tháo đường. Tôi rất lo lắng liệu nó có ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ và con tôi hay không? Vợ tôi nên có chế độ điều trị như thế nào để giảm thiểu những rủi ro? Tôi cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Việc đầu tiên vợ bạn cần làm là đến khám bác sĩ chuyên khoa về Nội tiết – Đái tháo đường để xác định lại chẩn đoán.
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐ thai kỳ) được định nghĩa là ĐTĐ khởi phát hoặc lần đầu tiên phát hiện trong thai kỳ, có thể xảy ra ở sản phụ có hay không có nguy cơ bị đái tháo đường. 15% phụ nữ có thai có thể bị đái tháo đường thai kỳ trên toàn thế giới.
Chẩn đoán Đái tháo đường thai kỳ
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose với uống 75 g glucose, đo đường huyết lúc đói, sau 1 giờ và 2 giờ, ở tuần 24-28 của thai kỳ ở người chưa được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Trị số đường huyết:
- Lúc đói ≥ 92 mg/dl (5.2 mmol/l)
- Sau 1 giờ ≥180 mg/dl (10 mmol/l)
- Sau 2 giờ ≥153 mg/dl (8.5 mmol/l)
Chẩn đoán khi có 1 kết quả bất thường: Sản phụ thỏa tiêu chí chẩn đoán ở lần khám tiền sản đầu tiên phải được chẩn đoán đái tháo đường thật sự, không phải đái tháo đường do thai. Đối với vợ của bạn có thể mắc ĐTĐ trước đó nhưng chưa được phát hiện.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ như thế nào?
Các ảnh hưởng thông thường như:
- Tiền sản giật.
- Mổ lấy thai chủ động.
- Khởi phát chuyển dạ.
- Chấn thương tầng sinh môn nặng.
- Xuất huyết sau sinh.
Về tâm lý:
- Sản phụ thường bối rối, lo lắng, cảm giác tội lỗi khi bị ĐTĐ thai kỳ, và sợ làm tăng nguy cơ tử vong cho thai.
- Mơ hồ về chế độ dinh dưỡng của mình: Cảm giác bị đói thường xuyên, không hiểu biết được các thức ăn thay thế khi giảm chất bột đường.
- Nhiều phụ nữ dự định không cho con bú sữa mẹ.
Ảnh hưởng của đái tháo đường đến con
Phát triển trong môi trường đái tháo đường có thể dẫn đến những hậu quả nặng như dị tật bẩm sinh và tử vong sau đó cho đến hậu quả nhẹ như thai hơi to. Đa số các biến chứng nặng nề gặp ở mức đường huyết tăng trong khoảng có đái tháo đường trước đó. Hậu quả thường gặp nhất là:
- Thai to, có thể làm tăng nguy cơ sang chấn lúc sinh và phẫu thuật bắt con.
- Tăng nguy cơ sinh non (<37 tuần).
- Hạ đường huyết sơ sinh lâm sàng.
- Vàng da cần điều trị chiếu đèn.
- Hồi sức tích cực sơ sinh, tử vong chu sinh.
Xử trí Đái tháo đường thai kỳ
80-90% bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ nhẹ có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống đơn thuần. Phần còn lại được khuyến cáo sử dụng thuốc làm hạ đường huyết trong đó Insulin là chỉ định an toàn và hiệu quả nhất. Thuốc viên được khuyến cáo sử dụng gồm 2 loại là Metformin và Glibenclamid nhưng ít được áp dụng hơn.
Đối với trường hợp vợ bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để xem xét tình trạng tăng đường huyết ở mức nào, chế độ ăn uống và cân nặng thế nào khi đó bác sĩ mới đưa ra những lời khuyên về chế độ ăn uống, vận động phù hợp, kiểm soát cân nặng, theo dõi đường huyết và cách dùng thuốc hợp lý.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn