Câu hỏi:
Chào bác sĩ, em nghe nói Ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có đúng hay không? Làm thế nào để phòng tránh bệnh Ung thư Cổ tử cung?
Trả lời:
Chào bạn,
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh phổ biến ở nữa giới về tỷ lệ mắc bệnh lẫn tử vong, đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư ở nữ giới và thường gặp ở phụ nữ trên 35 tuổi. Ở Việt Nam khoảng 100.000 phụ nữ Việt sẽ có 20 trường hợp mắc UTCTC với 11 trường hợp tử vong.
Nhiễm virus Human papillomavirus (HPV) được xác định là nguyên nhân cần thiết gây UTCTC. Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển UTCTC như phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người; dùng thuốc tránh thai kéo dài; sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá; tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)…
Đặc điểm đáng lo của bệnh là UTCTC không có triệu chứng cụ thể, các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã chuyển nặng. Giai đoạn từ lúc nhiễm virus HPV đến lúc biểu hiện bệnh kéo dài 10- 15 năm. Do đó để phòng bệnh hữu hiệu, phụ nữ sau 3 năm bắt đầu quan hệ tình dục đến khi 65 tuổi, đều phải tiến hành sàng lọc ung thư cổ tử cung mỗi năm một lần.
Phát hiện và điều trị sớm UTCTC thông qua việc tầm soát và phát hiện bệnh thường xuyên. Bắt đầu từ thập niên 50, phương pháp xét nghiệm PAP Thường Quy ra đời giúp giảm thiểu tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung đến 70%. Nhược điểm của PAP Thường Quy là độ nhạy của nó chỉ đạt từ 50-75%.
Hiện nay, công nghệ xét nghiệm Liqui-Prep đã làm tăng độ nhạy phát hiện bệnh UTCTC đến 70-95% (cao hơn PAP thường quy khoảng 20%) đã được chứng minh qua các nghiên cứu lâm sàng. Xét nghiệm Liqui-Prep Pap Test đã được Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp chứng nhận năm 2004. Phương pháp này hiện đang ứng dụng hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn