Tôi đi xét nghiệm máu và khi lấy kết quả thì được biết tôi bị nhiễm khuẩn HP trong dạ dày và giun lươn. Xin quý bác sĩ bệnh viện cho hỏi tôi phải điều trị như thế nào? Xin chân thành cám ơn
Trả lời:
Chào bạn, Ở nước ta tỷ lệ nhiễm giun lươn khá cao trong dân số. Khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể, đến một lúc nào đó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não, áp-xe não... có thể dẫn đến tử vong.
Một số triệu chứng có thể gặp khi bi nhiễm giun lươn:
- Các triệu chứng dạ dày ruột bao gồm đau bụng vùng thượng vị trên rốn và tiêu chảy.
- Các triệu chứng ở phổi (bao gồm hội chứng Loeffler) có thể xảy ra khi ấu trùng filariform di chuyển trong phổi.
- Các biểu hiện ngoài da bao gồm nổi mề đay ở vùng mông và thắt lưng.
- Nhiễm giun lươn lan tỏa xảy ra ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, biểu hiện bằng đau trướng bụng, shock, biến chứng phổi và thần kinh, nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến tử vong.
- Tăng bạch cầu ái toan (eosinophils) thường hiện diện trong giai đoạn cấp và mạn tính, nhưng có thể không xảy ra ở thể bệnh lan tỏa…
Giun lươn nếu có biểu hiện bệnh lý thì triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý như viêm loét dạ dày, tá tràng, suy nhược cơ thể…
Bệnh diễn tiến âm thầm, không rõ rệt, khiến người bệnh và thầy thuốc ít quan tâm. Thế nhưng, nếu vì lý do gì mà sức đề kháng giảm, giun lươn sẽ có cơ hội bộc phát gây bệnh nặng. Tất cả các bệnh nhân có nguy cơ nhiễm giun lươn đều cần phải được điều trị.
Thuốc được lựa chọn để điều trị cho các trường hợp nhiễm strongyloides không biến chứng là ivermectin, với albendazole là thuốc thay thế. Việc điều trị giun lươn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái nhiễm cao.
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên lưu ý hạn chế sự nhiễm bệnh, tái nhiễm, và lây lan trong cộng đồng. Khi có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn