Bệnh gút ở tay: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

5 tháng trước 22

Đau nhức, sưng viêm ở khớp ngón tay có thể là dấu hiệu bệnh gút ở tay, gây bất tiện trong sinh hoạt vì cơn đau gút cấp tính. Bệnh do tình trạng tăng acid uric trong máu gây nên. Cơn đau gút cấp có thể kiểm soát bằng các loại thuốc kháng viêm, nhưng nếu không điều trị đúng cách vẫn có thể tái phát hoặc gây biến chứng nguy hiểm.

bệnh gút ở tay

Bệnh gút ở tay là gì?

Bệnh gút ở tay là một trong những bệnh gây viêm khớp thường gặp hiện nay. Bệnh gút thường gặp ở nam giới với tỷ lệ tới 80-90% và đa số khởi phát trong độ tuổi trung niên (40-60 tuổi). Nữ giới hiếm gặp hơn và thường xuất hiện ở lứa tuổi sau 60. Tuy nhiên thống kê cho thấy, bệnh gút có xu hướng trẻ hóa khi chưa đến 10 năm, số lượng người bệnh đã tăng hơn 940.000 người.

Bệnh xảy ra do tăng nồng độ acid uric trong máu. Lượng acid uric dư thừa này sẽ đọng lại và tích tụ dần trong các khớp bất kỳ, phổ biến nhất là khớp ngón chân và các khớp bàn tay. Khi lắng đọng vào các khớp, acid uric sẽ biến đổi thành muối urat (một tinh thể hình kim nhọn), cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau gút điển hình. (1)

Phân loại bệnh gút

  • Gút nguyên phát: chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 90% trường hợp), chưa rõ nguyên nhân. Bệnh có liên quan với yếu tố gia đình, lối sống (lạm dụng rượu bia, chế độ ăn giàu đạm, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có hàm lượng purine cao…) và một số bệnh rối loạn chuyển hóa khác.
  • Gút bẩm sinh: do thiếu hụt một số enzyme chuyển hóa acid uric đưa đến sản xuất quá nhiều acid uric trong máu.
  • Gút thứ phát: tăng acid uric máu và gút xuất hiện thứ phát sau một số bệnh lý hoặc sử dụng thuốc như suy thận, hội chứng ly giải khối u, sử dụng thuốc lợi tiểu thiazide, thuốc kháng lao, thuốc độc tế bào.
đặc trưng bởi cơn đau khớp vào ban đêmDấu hiệu bệnh gút ở tay đặc trưng bởi cơn đau khớp vào buổi tối

Dấu hiệu bệnh gút ở tay

1. Sưng đỏ và nóng ở các khớp

Dấu hiệu bệnh gút ở tay đặc hiệu là cơn đau khớp cấp tính ở tay, thường xuất hiện vào buổi đêm với mức độ dữ dội, có thể khiến người bệnh tỉnh giấc. Cơn đau khớp tay này thường đi kèm với những triệu chứng khác như sưng đỏ và nóng tại khớp bị gút.

Đồng thời, cơn đau khiến khớp tay bị cứng lại, khó khăn khi vận động. Giai đoạn đầu, gút có thể gây sưng đau ở 1 khớp và kéo dài trong vài ngày. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể tái phát nhiều lần với tần suất ngày càng nhiều hơn, kèm sưng đau nhiều khớp hơn, bệnh tiến triển giai đoạn muộn hơn có thể kèm lắng đọng tophi nhiều nơi gây biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp và tàn phế. (2)

đau sưng tại vị trí gútĐau sưng tại vị trí bị gút khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày

Những cơn đau khớp bất kỳ tại bàn tay vào buổi tối là những cơn đau cấp tính, khiến người bệnh khó chịu thậm chí gây thức giấc. Người bệnh đồng thời sẽ bị hạn chế các vận động liên quan đến gập duỗi khớp như cầm nắm, nhấc đồ vật… Do đó, bệnh gút ở tay không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn tăng nguy cơ gây suy nhược cơ thể do mất ngủ vì đau.

2. Nổi các nốt tophi

Quan sát các dấu hiệu bệnh gút ở tay, một số người bệnh nhận thấy có sự xuất hiện của những hạt màu trắng nằm dưới da. Chúng được gọi là nốt tophi, một trong những triệu chứng điển hình của bệnh. Nốt tophi hình thành từ sự lắng đọng của muối urat, có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào trên bàn tay, phổ biến nhất là ngón tay.

Bình thường nốt tophi không gây đau khi chạm vào, tuy nhiên nốt tophi có thể lớn dần theo thời gian, có thể bị viêm, sưng nóng và chúng có thể vỡ ra da. Điều này khá nguy hiểm vì khi nốt tophi vỡ ra có thể gây nhiễm trùng các khu vực xung quanh khớp. Đáng lưu ý hơn, sự xuất hiện của nốt tophi sẽ làm tăng cao nguy cơ gây biến dạng khớp và thoái hóa khớp thứ phát cho người bệnh.

banner subs ctch content

Nguyên nhân gây tình trạng gút ở bàn tay

Căn nguyên trực tiếp gây nên bệnh gút ở tay là sự dư thừa acid uric trong máu, dẫn đến phần dư thừa này biến đổi thành tinh thể muối urat và lắng đọng tại các khớp bất kỳ ở bàn tay hoặc trên cơ thể. Dù vậy, không phải ai bị tăng acid uric máu cũng sẽ bị mắc bệnh gout. Bệnh là hệ quả của tình trạng acid uric tăng bất thường diễn ra trong thời gian dài.

Cụ thể, nồng độ acid uric bình thường ở phụ nữ là 1,5 – 6,0 mg/dL và nam giới là 2,5 – 7,0 mg/dL. Nồng độ acid uric được xem xét là mức cao và cần đề phòng bệnh gout khi ở ngưỡng 6,0 mg/dL. Tuy nhiên, khi nồng độ acid uric vượt ngưỡng 6,0mg/dL ở nữ giới và 7,0mg/dL ở nam giới thì sẽ được kết luận là tăng bất thường.

Nguyên nhân thông thường gây bệnh gout là do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu purine. Cơ thể vốn tự sản sinh ra một lượng acid uric tự nhiên đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nhưng acid uric cũng được tạo thành từ những thực phẩm có chứa purine. Vì thế, việc tiêu thụ quá mức các thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, hải sản, các loại đậu… sẽ khiến thận không lọc và đào thải hết lượng acid uric nạp thêm. Cuối cùng, chúng sẽ lắng đọng và tích tụ tại khớp tay người bệnh.

Ngoài ra, những nguyên nhân khác cũng có thể gây tăng cao lượng acid uric trong máu bao gồm:

  • Rối loạn chuyển hóa acid uric
  • Các bệnh lý về gan hoặc thận như bệnh thận mạn tính, u nang thận…
  • Người lạm dụng rượu bia
  • Tiêu thụ quá mức thực phẩm có chứa đường fructose cao
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như thừa cân béo phì, huyết áp cao,…
kiểm soát thực phẩm giàu purineTiêu thụ không kiểm soát thực phẩm giàu purine là yếu tố nguy cơ gây bệnh gút ở bàn tay

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ngay khi dấu hiệu bệnh gút ở tay xuất hiện, người bệnh cần ngay lập tức đến khám và điều trị với bác sĩ. Việc chữa trị ở giai đoạn sớm giúp người bệnh có thể kiểm soát tốt các triệu chứng lâm sàng. Quan trọng là không để cơn đau gút và những triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. (3)

Hơn hết, việc bị gút cùng với nồng độ acid uric tăng cao bất thường diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến người bệnh đối mặt với những biến chứng nguy hiểm khác. Lúc này, người bệnh cũng cần đến phác đồ điều trị phức tạp hơn so với giai đoạn sớm. Những biến chứng người bệnh có thể gặp gồm:

  • Tàn phế do phá hủy khớp
  • Bệnh thận mạn tính
  • Sỏi thận
  • Các bệnh tim mạch

Bị gút ở tay có nguy hiểm không?

Bệnh gút không nguy hiểm trong trường hợp người bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Ngược lại, gút kéo dài hoặc điều trị không đúng cách sẽ dần tăng nguy cơ gặp các rủi ro sức khỏe nặng nề hơn.

Bệnh gút vốn cũng là một dạng viêm khớp, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt. Các dấu hiệu bệnh gút ở tay gồm đau, cứng khớp ở bàn tay, khớp ngón tay,… ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động cầm nắm, gấp duỗi.

Cùng với những cơn đau tay xuất hiện mỗi tối, ảnh hưởng giấc ngủ, nếu không được điều trị sớm thì tình trạng viêm khớp diễn tiến nặng nề hơn, sức khỏe tâm thần của người bệnh cũng bị suy giảm nặng nề vì tâm lý tự ti và mất ngủ kéo dài.

Đáng lo ngại hơn, những triệu chứng viêm khớp, xuất hiện hạt tophi, nồng acid uric cao bất thường diễn ra lâu ngày,… đều làm tăng khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm khác.

Biện pháp chẩn đoán

Dựa trên các dấu hiệu của bệnh gút ở tay, bác sĩ sẽ tiến hành quy trình khám tổng quát và đánh giá mức độ tổn thương khớp của người bệnh, xem xét các triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, bước thăm khám tổng quát này cũng để loại trừ một số bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp, bệnh sốt thấp khớp, viêm khớp do nhiễm khuẩn, bệnh lắng đọng canxi cấp tính…

Những phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định cho bệnh gút là: acid uric máu, các chỉ số viêm, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm dịch khớp.

  • Xét nghiệm máu để đo các chỉ số như: Acid uric, độ máu lắng, CRP
  • Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán bệnh gút (xác định chính xác vị trí khớp viêm, cũng như tình trạng tổn thương của khớp, lắng đọng muối urat quanh khớp,…). Ngoài ra, chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng cho thấy hữu ích trong những trường hợp khó chẩn đoán.
  • Xét nghiệm dịch khớp là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh gút, tuy nhiên không áp dụng thường quy. Bác sĩ sử dụng kim chuyên dụng để rút dịch khớp ngay tại vị trí khớp viêm của người bệnh để kiểm tra. Nếu kết quả cho thấy có sự hiện diện của tinh thể hình kim, từ đó giúp chẩn đoán người bệnh bị gút ở tay.
xét nghiệm dịch khớp để chẩn đoán bệnhXét nghiệm dịch khớp là phương pháp ưu tiên dùng để chẩn đoán bệnh gút

Điều trị bệnh gút ở tay như thế nào?

1. Nội khoa

Điều trị bệnh gút ở tay bằng phương pháp nội khoa luôn được ưu tiên áp dụng. Mục tiêu điều trị là:

  • Thuyên giảm các triệu chứng sưng đau của cơn gút cấp
  • Hạ nồng độ acid uric máu xuống mức bình thường
  • Điều trị dự phòng cơn đau cấp tính tái phát

Trường hợp người bệnh có những bệnh nền khác như tăng lipid máu, cao huyết áp hoặc thừa cân béo phì… cũng cần điều trị đồng thời để làm tăng hiệu quả điều trị.

Những phương pháp điều trị bệnh gút ở tay thường được sử dụng để làm giảm đau và từ từ hạ nồng độ acid uric trong máu xuống bao gồm:

  • Thuốc chống viêm NSAIDs, corticoides
  • Thuốc colchicin đường uống

Bên cạnh đó, người bệnh cần kết hợp một số biện pháp khác như:

  • Chườm lạnh tại khớp đau
  • Thay đổi chế độ ăn uống, kiểm soát các thực phẩm có chứa purine để ngăn ngừa tình trạng tăng acid uric.
  • Can thiệp ngoại khoa

Phương pháp can thiệp ngoại khoa thường chỉ được áp dụng khi người bệnh bị các biến chứng của bệnh gút kéo dài và không điều trị đúng cách. Đối tượng được cân nhắc can thiệp ngoại khoa là:

  • Người bệnh có kích thước hạt tophi lớn, đang có tình trạng viêm sưng tấy, vỡ ra da, nhiễm trùng nốt tophi và các vùng xung quanh, lúc đó người bệnh cần mổ cắt lọc làm sạch khối tophi vỡ và dùng thuốc kháng sinh, chăm sóc vết thương.
  • Người bệnh có kích thước hạt tophi lớn, gây kẹt khớp, hạn chế vận động và vấn đề thẩm mỹ.
  • Người bệnh bị sỏi urat mạn tính gây biến chứng tắc nghẽn, cơn đau quặn thận, thận ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Biện pháp phòng ngừa bệnh gút ở tay

Thực trạng bệnh gút ngày càng trẻ hóa là do ảnh hưởng nhiều từ lối sống không lành mạnh, chế độ ăn thiếu cân bằng. Những ảnh hưởng này tích tụ dần và bùng phát thành các dấu hiệu bệnh gút ở tay. (4)

Hiện nay, không có bất cứ phương pháp nào ngăn chặn hoàn toàn bệnh gút xảy ra. Chỉ có thể giữ sức khỏe toàn diện, bao gồm duy trì nồng độ acid uric trong máu ở mức ổn định để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị gút.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng và lối sống lành mạnh là chìa khóa để phòng ngừa bệnh. Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp hạn chế khả năng bị gút nhưng cũng nên loại bỏ hoàn toàn thực phẩm chứa purine.

Bạn cần cân nhắc liều lượng vừa đủ cho 1 bữa ăn, tránh tình trạng dư thừa những thực phẩm có hàm lượng purine cao như: thịt đỏ (thịt bò, dê…), hải sản có vỏ, nội tạng động vật, rượu bia… Ngoài ra, cần cân bằng các nhóm chất chính gồm: đạm, tinh bột và chất béo tốt. Bổ sung vitamin và khoáng chất từ đa dạng nguồn thực phẩm.

Tham khảo: Bệnh gút kiêng gì, ăn gì?

Lối sống lành mạnh cũng cần được duy trì nếu bạn muốn phòng tránh tình trạng tăng nồng độ acid uric trong máu, ngăn ngừa khả năng mắc bệnh gút ở tay. Những thói quen tốt bao gồm:

  • Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia và không lạm dụng rượu bia
  • Tập thể dục đều đặn mỗi tuần
  • Uống đủ nước
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh bị thừa cân béo phì

Câu hỏi thường gặp

1. Bệnh gút ở tay có tự khỏi không?

Bệnh gút ở tay không thể tự khỏi, người bệnh cần phải được điều trị theo phác đồ để kiểm soát các cơn gút cấp tính. Đồng thời, hạ thấp nồng độ acid uric trong máu xuống mức bình thường nhằm ngăn chặn bệnh tái phát. Việc để cho bệnh gút kéo dài theo thời gian sẽ khiến cho tổn thương khớp nghiêm trọng hơn, giảm hiệu quả điều trị bệnh sau này.

2. Bệnh kéo dài bao lâu?

Cơn viêm khớp gút cấp ở tay thường kéo dài từ 5 – 7 ngày hoặc hơn tùy theo mức độ bệnh. Khi bệnh gút ở tay diễn tiến qua nhiều năm, xuất hiện nhiều nốt tophi, cơn đau gút cấp có thể dai dẳng, đau nhức kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và khoa Cơ xương khớp – Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ Cơ xương khớp giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy, TS.BS Chế Đình Nghĩa, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương; ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng, TS.BS Văn Đức Minh Lý, ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, ThS.BS ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, BS.CKI Kim Thành Tri, BS.CKI Lê Thanh Vương, ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thúy Vân, ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm, hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet, máy đo bàn chân bẹt và in 3D lót đế giày chuyên dụng, Robot lượng giá sức mạnh Dây chằng khớp gối… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Dấu hiệu bệnh gút ở tay đặc trưng bởi cơn đau buổi tối, khiến người bệnh tỉnh giấc và chịu đau đớn. Ngoài ra, cơn đau gút cũng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Do đó, bệnh nên được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ dễ dàng kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn cơn đau cấp tính tái phát hiệu quả hơn.

Đọc toàn bộ bài viết