Hen là một bệnh mạn tính của đường hô hấp, không chừa một lứa tuổi nào, nhiều người lần đầu bị hen khi tuổi còn rất nhỏ, bệnh giảm dần khi trẻ lớn lên, nhưng có thể tái phát khi về già. Đôi khi người ta cũng có thể bị hen lần đầu tiên khi tuổi đã cao. Vì vậy, không có gì bảo đảm rằng khi bạn bị hen lúc còn trẻ thì bệnh sẽ không trở lại khi tuổi già.
1. Một số điểm đặc biệt cần lưu ý
- Nhiễm khuẩn hô hấp do siêu vi, ví dụ cảm cúm, các kháng nguyên, bụi, khói là những yếu tố kích phát thường gặp. Vì thế, người cao tuổi cần được tiêm ngừa bệnh cúm hằng năm và tiêm ngừa bệnh viêm phổi 5 năm/lần. Trầm cảm, lo âu là yếu tố kích phát thường gặp ở người cao tuổi.
- Một số loại thuốc thường dùng có thể gây kích phát cơn hen hoặc làm triệu chứng hen nặng thêm: aspirin và các thuốc kháng viêm điều trị viêm khớp, giảm đau. Vì thế, khi đi khám bệnh, bạn cần báo cho bác sĩ những thuốc mình đang dùng.
Chẩn đoán sai hoặc bỏ sót:
- Bệnh hen là bệnh hay gặp ở bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh hay bị bỏ sót vì ở người cao tuổi đôi khi bác sĩ khó nhận biết thực sự đây là bệnh hen hay là bệnh tim hoặc bệnh phổi khác.
- Người hút thuốc lá thường bị viêm phế quản và khí phế thũng cũng có triệu chứng như hen.
- Bệnh tim cũng gây ra triệu chứng ở đường hô hấp.
Các triệu chứng thông thường của hen như:
- Ho, khò khè, khó thở, nặng ngực có thể bị nhận định sai và cho là do những bệnh khác thường gặp ở tuổi già.
- Người cao tuổi cũng không nhạy bén trong việc nhận định ra các triệu chứng hen, họ cho đó chỉ là triệu chứng thông thường của tuổi già và phớt lờ đi.
- Do tuổi già, trí óc không còn minh mẫn, diễn tả các triệu chứng không chính xác cũng làm cho các bác sĩ chẩn đoán sai.
Những bệnh có thể lầm với bệnh hen là:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Viêm phế quản mạn
- Khí phế thũng
- Viêm mũi, xoang
- Lao phổi
- Trào ngược dạ dày
- Bệnh tim (suy tim sung huyết).
2. Điều trị hen cho người cao tuổi
- Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim... nên hằng ngày vẫn dùng đều đặn nhiều thứ thuốc, đôi khi sự tương tác giữa các thuốc làm giảm hiệu quả và gây ra tác dụng phụ.
- Người bệnh có thể quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc làm tái phát cơn hen mặc dù đã được kiểm soát.
- Người bệnh không nhận biết sớm các triệu chứng bệnh trở nặng, nên không thể xử trí kịp thời.
- Người cao tuổi khó bỏ được các thói quen như hút thuốc, hoặc ăn những món ăn ưa thích là yếu tố kích phát cơn hen.
- Do đặc điểm của cơ thể người cao tuổi, việc sử dụng thuốc thường dưới mức cần thiết nên hiệu quả điều trị thấp và chậm. Người cao tuổi dễ bị tác dụng phụ khi dùng thuốc hơn người trẻ. Cấu trúc và chức năng của đường hô hấp bị biến đổi và suy giảm do quá trình lão hóa nên sự đáp ứng với thuốc cũng kém đi.
- Người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc sử dụng các thuốc dạng hít và thiết bị máy móc.
- Sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân hoặc người chăm sóc rất cần thiết và trong một số trường hợp còn có tính quyết định.
- Nhờ có người chăm sóc, các bệnh nhân già yếu không còn minh mẫn có thể dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi và phát hiện khi bệnh trở nặng cũng như những biến chứng do bệnh hoặc do thuốc gây ra.
- Người bệnh cần phải biết rõ bệnh của mình, đừng ngần ngại hỏi bác sĩ cho kỹ: đang dùng thuốc gì, khi nào cần phải dùng?
Tóm lại, chăm sóc và điều trị hen ở người cao tuổi là một việc khó khăn, đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì nhẫn nại và nhất là nhân viên y tế phải có những hiểu biết nhất định về lão khoa.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn