Gai cột sống cổ là thuật ngữ để chỉ sự thoái hóa các đốt sống ở cổ thường xuất hiện ở người cao tuổi. Các thống kê cho thấy hơn 85% những người trên 60 tuổi sẽ bị ảnh hưởng bởi bệnh gai cột sống cổ.
Gai cột sống cổ là gì?
Gai cột sống cổ hay còn gọi là thoái hóa đốt sống cổ, viêm xương khớp cổ hoặc viêm xương thoái hóa đốt sống cổ.
Đây là một căn bệnh liên quan đến những thay đổi về xương, đĩa đệm và khớp cổ. Những thay đổi này thường liên quan đến sự lão hóa. Khi tuổi tác đã cao, các đĩa đệm ở cổ dần dần bị phá hủy, mất đi chất lỏng cần thiết và trở nên cứng hơn. Sự thoái hóa này khiến xương phát triển bất thường dẫn đến loãng xương hoặc gây hẹp bên trong các khe hở của đốt sống.
Nguyên nhân gây gai cột sống cổ
Nguyên nhân gây ra gai cột sống cổ bao gồm:
- Mất nước ở đĩa đệm: Ở tuổi 40, hầu hết tất cả các đĩa đệm ở cột sống của mọi người đều bị khô và co lại. Điều này làm cho hoạt động của đốt sống kém linh hoạt hơn, khó khăn và thỉnh thoảng sẽ gây đau.
- Thoát vị đĩa đệm: Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến bên ngoài của đĩa đệm. Các vết nứt sẽ xuất hiện thường xuyên hơn dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
- Dây chằng cứng: Dây chằng cột sống có thể bị cứng theo tuổi tác làm cho đốt sống cổ thiếu linh hoạt.
Các yếu tố rủi ro dẫn đến gai cột sống cổ
Ngoài các nguyên nhân nói trên, có một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ gai đốt sống cổ. Các yếu tố này bao gồm:
- Nghề nghiệp: Các công việc liên quan đến chuyển động cổ liên tục, lặp đi lặp lại hoặc các công việc trên cao có thể gây áp lực cho đốt sống cổ.
- Chấn thương vùng đầu cổ: Chấn thương cổ có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.
- Yếu tố di truyền: Cá nhân sinh trưởng trong gia đình có tiền sử bệnh thoái hóa đốt sống có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.
- Hút thuốc: Làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống bao gồm cột sống cổ.
Ngoài ra có một số yếu tố như mang vác nặng, luyện võ, tập vũ đạo hoặc thể dục thể thao cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gai cột sống cổ.
Dấu hiệu gai cột sống cổ
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh gai cột sống cổ thường không có dấu hiệu cụ thể nào. Thỉnh thoảng người bệnh có thể nhận thấy một số cơn đau nhói ở cổ, cứng khớp hoặc đau đầu.
Tuy nhiên, người bệnh có thể nhận biết bệnh gai đốt sống cổ thông qua một số dấu hiệu sau:
- Đau cổ có thể lan đến vai, cánh tay, bàn tay và nền sọ. Di chuyển đầu có thể làm cơn đau thêm tồi tệ
- Cứng cổ sau một thời gian không hoạt động, ví dụ như sau khi ngủ dậy
- Nhức đầu nhất là ở phía sau đầu sau đó di chuyển lên phía trước
- Cảm thấy chóng mặt thậm chí là ngất xỉu do các mạch máu bị chèn ép
Các dấu hiệu gai đốt sống cổ có thể trở nên nghiêm trọng, bao gồm:
- Khó khăn khi đi lại
- Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột
- Tay, chân trở nên yếu ớt và vụng về
- Một số người có thể bị khó nuốt nếu xương ép vào thực quản
Các dấu hiệu của bệnh gai đốt sống cổ có xu hướng thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Triệu chứng sẽ nghiêm trọng nhất vào buổi sáng và cuối ngày.
Phương pháp chẩn đoán gai cột sống cổ
Nếu một người trên 40 tuổi bị đau hoặc cứng ở cổ, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng.
Kiểm tra thể chất:
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số chuyển động bao gồm:
- Di chuyển đầu sang một bên
- Di chuyển đầu xuống phía dưới và đưa cằm hướng xuống ngực
- Kiểm tra phản xạ tay, chân, dáng đi, tư thế
- Kiểm tra sức mạnh và cảm giác ở hai chi trên và dưới.
Quét hình ảnh:
Quét hình ảnh có thể cho các bác sĩ nhận thấy các vấn đề nghiêm trọng bên trong cấu trúc của xương.
- Quét MRI nhằm xác định chính xác các vấn đề về thoái hóa đốt sống cổ để quyết định liệu bệnh nhân có cần phẫu thuật hay không
- Chụp tủy: Các bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào cột sống và hiển thị hình ảnh bên trong của xương
- Chụp CT để đánh giá cấu trúc xương
- Điện cơ (EMG) để đánh giá các cơ và dây thần kinh một cách cụ thể nhất
Cách điều trị gai cột sống cổ
Gai cột sống cổ có xu hướng thuyên giảm theo thời gian. Do đó chúng thường không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng thì người bệnh nên đến cơ quan y tế uy tín và tiếp nhận điều trị.
1/ Điều trị tại nhà
Người bệnh có thể lựa chọn một số biện pháp khắc phục tại nhà nếu các cơn đau không gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Các lựa chọn điều trị gai cột sống cổ tại nhà bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên: góp phần làm tăng thời gian hồi phục sau các cơn đau
- Chườm nóng hoặc lạnh: giúp hạn chế các cơn đau do gai cột sống cổ gây ra
- Sử dụng nẹp cố định cổ: điều này có thể giúp giảm đau tạm thời trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sử dụng nẹp cổ lâu dài có thể làm suy yếu cơ cổ.
Những cách khắc phục này chỉ thích hợp cho những trường hợp ít nghiêm trọng. Do đó, nếu bạn đau cổ kéo dài hoặc nhận thấy các dấu hiệu bất thường thì hãy liên lạc với bác sĩ.
2/ Sử dụng thuốc
Thuốc giãn cơ có thể hữu ích đối với người bệnh bị co thắt cơ đốt sống cổ một cách đột ngột ví dụ như cyclobenzaprine.
Thuốc chống trầm cảm(chẳng hạn như amitriptyline) đôi khi có thể giúp giảm các cơn đau dai dẳng.
Một mũi tiêm steroid vào cổ cũng có thể giảm các cơn đau nghiêm trọng. Các mũi tiêm steroid bao gồm:
- Tiêm vào khớp mặt
- Tiêm vào khớp cổ
- Tiêm vào màng cứng cổ dưới đèn soi huỳnh quang cùng sự trợ giúp của máy x-quang
3/ Phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ được chỉ đỉnh khi người bệnh có các dấu hiệu đau và cứng khớp liên tục và ngày càng trở nên trầm trọng. Phẫu thuật có thể được lựa chọn khi người bệnh có các dấu hiệu sau:
- Đau cổ lan xuống cánh tay
- Mất cảm giác
- Cơ yếu
- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang
Nếu kết quả MRI cho thấy rễ thần kinh hoặc tủy sống bị chèn ép thì phẫu thuật có thể cần thiết. Bác sĩ có thể loại bỏ một số xương hoặc các mảng xương bị nhô ra ngoài để lấy áp lực ra khỏi rễ thần kinh.
Biện pháp phòng ngừa
Không có cách nào để phòng ngừa bệnh gai đốt sống cổ. Nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng. Ví dụ như:
- Thực hiện theo đúng kế hoạch điều trị của bác sĩ và lịch trình tập vật lý trị liệu
- Ngồi, đứng, làm việc đúng tư thế
- Học cách nâng đồ vật nặng đúng cách
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học ít chất béo, giàu trái cây và rau củ
- Nghỉ ngơi nhiều
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế hoặc bỏ rượu
Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán hay điều trị của bác sĩ chuyên môn. Nếu người bệnh có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào, hãy liên hệ với bác sĩ.