Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóa – Giám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Polyp dạ dày là sự phát triển bất thường của các mô nằm tại lớp lót bên trong của dạ dày. Hầu hết các polyp dạ dày đều lành tính ,nhưng một số loại có nguy cơ gây ung thư cao nên cần được điều trị từ sớm.
Bệnh polyp dạ dày là gì ?
Polyp dạ dày là các khối u nằm nhô lên hẳn bề mặt lớp lót bên trong dạy dày. Chúng được hình thành khi các tế bào ở lớp lót dạ dày có sự tăng sinh bất thường.
Polyp có thể xuất hiện thành từng chùm trong các khu vực cụ thể của niêm mạc dạ dày. Khi mới khởi phát, bệnh không hề gây đau hay có triệu chứng khó chịu nào khác nên khó phát hiện. Một số người tình cờ biết được mình mắc bệnh polyp dạ dày khi nội soi đường tiêu hóa trên để kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc để chẩn đoán căn bệnh khác.
Nguyên nhân bị polyp dạ dày
Nguyên nhân gây bệnh polyp dạ dày khá đa dạng. Bất cứ điều gì làm cho các tế bào dạ dày của bạn phát triển bất thường đều có thể dẫn đến căn bệnh này. Cụ thể, chúng ta có thể phải đối mặt với căn bệnh này vì những lý do sau:
- Do ảnh hưởng của bệnh viêm dạ dày mãn tính: Nguyên nhân này thường được tìm thấy ở những người mắc bệnh polyp u tuyến dạ dày và polyp tăng sản.
- Nhiễm vi khuẩn Hp: Vi khuẩn H. pylori trú ẩn trong dạ dày qua nhiều năm có thể gây loét dạ dày mãn tính và dẫn đến bệnh polyp dạ dày.
- Mắc hội chứng đa polyp tuyến gia đình: Đây là một căn bệnh di truyền hiếm gặp có thể dẫn đến sự xuất hiện của polyp dạ dày.
- Sử dụng thuốc ức chế bơm proton kéo dài: Một số bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế bơm proton ( chẳng hạn như Esomeprazole, Prevacid hay Omeprazole…) trong thời gian dài cũng có thể mắc căn bệnh này.
- Di truyền: Nguy cơ bị polyp dạ dày sẽ cao hơn nếu trong gia đình bạn có người mắc căn bệnh này.
Những ai nguy cơ bị polyp dạ dày?
Polyp dạ dày xảy ra ở nam giới trưởng thành và phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Chúng trở nên phổ biến hơn ở người trung niên và người già, đặc biệt là những đối tượng trên 65 tuổi.
Bạn cũng sẽ có nguy cơ phải chịu ảnh hưởng từ căn bệnh này nếu rơi vào các trường hợp sau:
- Bị thiếu máu ác tính
- Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn Hp
- Thường xuyên phải dùng thuốc ức chế bơm proton để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Các loại polyp dạ dày thường gặp
Tùy thuộc vào vị trí xuất hiện của bệnh mà người ta chia bệnh polyp dạ dày thành các loại sau:
Polyp tuyến:
Đây là một trong các loại polyp dạ dày phổ biến nhất. Chúng xuất phát từ các tế bào tuyến nằm ở đáy hay phần trên của dạ dày.
Những polyp này hiếm khi phát triển thành ung thư. Sự phát triển của chúng có liên quan đến việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton. Bệnh cũng có thể xảy ra ở những đối tượng mắc bệnh polyp tuyến gia đình.
Polyp tăng sản:
Polyp tăng sản xuất hiện thành chùm, và được tìm thấy rải rác trong dạ dày, đặc biệt là những khu vực gần vết loét. Sự xuất hiện của chúng có liên quan mật thiết với các rối loạn gây viêm hoặc kích thích dạ dày, chẳng hạn như viêm dạ dày mãn tính , viêm dạ dày do vi khuẩn Hp hoặc thiếu máu ác tính.
Những bệnh nhân có polyp tăng sản kích thước trên 2cm thường được bác sĩ chỉ định làm sinh thiết polyp dạ dày bởi chúng có thể phát triển thành ung thư.
Polyp u tuyến dạ dày (Adenoma):
Polyp u tuyến được xem là khởi đầu của căn bệnh ung thư dạ dày. Thế nhưng thật không may bởi chúng lại là loại polyp dạ dày có mức độ phổ biến nhất.
Khi được phát hiện, chúng sẽ được cắt bỏ ngay thông qua nội soi để ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư cho bệnh nhân.
Dấu hiệu nhận biết bệnh polyp dạ dày
Khi còn nhỏ, polyp dạ dày thường không gây ra triệu chứng nào bất thường. Theo thời gian, chúng có thể phát triển to hơn và gây ra các triệu chứng sau:
- Đau bụng, đôi khi dùng tay ấn vào bụng cũng thấy đau
- Buồn nôn và nôn ói
- Đi cầu ra máu: Khi polyp dạ dày xuất hiện các vết loét trên bề mặt, chúng có thể gây chảy máu trong dạ dày. Chính vì vậy mà khi đi ngoài, bệnh nhân sẽ thấy có máu lẫn trong phân. Bệnh nhân dễ bị thiếu máu nếu để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài mà không có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Giảm cân hoặc nôn ói dữ dội: Triệu chứng này thường xuất hiện ở những người bị đa polyp dạ dày và chúng có kích thước lớn gây tắc nghẽn trong lòng dạ dày. Lúc này người bệnh thường có biểu hiện nôn mửa dữ dội hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh polyp dạ dày?
Các xét nghiệm và kỹ thuật y tế được sử dụng làm cơ sở chẩn đoán bệnh polyp dạ dày gồm có:
- Nội soi dạ dày: Hầu hết các polyp dạ dày được phát hiện khi nội soi. Qua hình ảnh ghi nhận được, bác sĩ sẽ quan sát được số lượng, kích thước của polyp cũng như thực trạng bên trong lòng dạ dày.
- Sinh thiết polyp dạ dày: Để chẩn đoán loại polyp, trong quá trình nội soi bác sĩ sẽ lấy mẫu polyp dạ dày và mô gần đó để làm sinh thiết. Xét nghiệm này cũng sẽ giúp xác định được polyp trong dạ dày lành tính hay ác tính để loại trừ khả năng bị ung thư.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định cách chữa polyp dạ dày thích hợp với từng bệnh nhân.
Cách điều trị polyp dạ dày
Phương pháp điều trị polyp dạ dày ở mỗi người là khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Loại polyp, kích thước, hình dạng, vị trí, số lượng polyp và các triệu chứng đang gặp phải.
– Trường hợp khối polyp có kích thước nhỏ, không gây ra triệu chứng và không phải là u tuyến:
Bệnh nhân thường không cần phải tiến hành điều trị bằng y khoa. Bệnh nhân được hẹn lịch tái khám định kỳ để nội soi nhằm theo dõi được sự phát triển của chúng trong dạ dày.
– Trường hợp các khối polyp dạ dày lành tính có kích thước > 0,5 cm hoặc u tuyến:
Chúng sẽ được cắt bỏ trong quá trình nội soi dạ dày hoặc bằng phẫu thuật. Mục đích là để ngăn chặn không cho chúng gây tắc nghẽn hoặc phát triển thành ung thư.
– Cách chữa bệnh polyp dạ dày kèm nhiễm vi khuẩn Hp:
Trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn Hp. Bệnh nhân cần dùng thuốc đúng liều lượng, đủ thời gian để tránh hiện tượng lờn thuốc.
Nếu đang sử dụng thuốc ức chế bơm proton, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ngưng uống loại thuốc này. Để ngăn ngừa bệnh polyp dạ dày tái phát sau điều trị, bệnh nhân được khuyên nên thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây, tránh hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích. Đồng thời, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe và duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Trên đây là những thông tin về bệnh polyp dạ dày bạn có thể tham khảo. Cần lưu ý những thông tin này không thể thay thế cho lời khuyên hay các phương pháp điều trị do chuyên gia y tế chỉ định. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên tìm đến các bệnh viện chữa polyp dạ dày uy tín như bệnh viện Nhân Dân 115, bệnh viện Chợ Rẫy hay bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức… để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.