Bệnh paget xương xảy ra khi quá trình duy trì và phục hồi xương bị rối loạn, làm hình thành nên một tổ chức xương mới bất thường. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm xương khớp, suy tim, làm tổn thương dây thần kinh, ung thư xương… Do đó, nắm rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc thăm khám và điều trị.
I/ Tổng quan về bệnh paget xương
Paget xương là gì?
Còn được gọi bằng cái tên viêm xương biến dạng, paget xương là một bệnh xương khớp thường gặp ở những người từ tuổi trung niên trở lên. Bệnh xảy ra khi có sự rối loạn giữa việc duy trì và phục hồi xương, làm hình thành nên các tổ chức xương có cấu trúc bất thường. Để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể lý giải tình trạng này theo cách sau:
Thông thường, ở một người khỏe mạnh và có các điều kiện sinh lý bình thường, xương trong cơ thể sẽ bị phân hủy liên tục và thay vào đó là sự tái tạo xương mới nhằm duy trì cấu trúc của xương. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó làm cho quá trình phân hủy xương cũ và tái tạo xương mới bị rối loạn, tốc độ phân hủy xương nhanh hơn so với tốc độ tái tạo xương mới. Hệ quả là làm cho cấu trúc khung xương bị bất thường. Chúng sẽ bị mỏng và dễ gãy hơn. Tình trạng này được gọi là bệnh paget xương.
Nguyên nhân gây bệnh
Cho đến nay, nền y học hiện đại vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh paget xương. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền, xương bị nhiễm virus, tuổi tác là có thể là những nguyên nhân gây bệnh.
Thông qua các thực nghiệm, họ thấy rằng nam giới ở độ tuổi 40 trở lên sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ, mặc dù cùng độ tuổi. Những người bị nhiễm virus trong xương một thời gian trước khi có các biểu hiện lâm sàng có liên quan đến bệnh paget xương. Ngoài ra, vì bệnh viêm xương biến dạng có liên quan đến gen nên yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân có thể gây bệnh paget xương mà chúng ta cần nhắc đến.
Triệu chứng bệnh paget xương
Bệnh paget xương không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Tùy theo vị trí xương bị ảnh hưởng mà bệnh nhân sẽ có các biểu hiện đau trong xương và biến dạng xương khác nhau. Cụ thể như sau:
- Cột sống: Tình trạng thường gặp nhất là rối loạn chuyển hóa xương chậu. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ cảm thấy tê rần cánh tay hoặc cẳng chân do sự chèn ép của các rễ thần kinh. Lưng có thể bị gù do cột sống bị biến dạng.
- Xương sọ: Nếu vùng xương bị bệnh là xương sọ, bệnh nhân sẽ thấy nhức đầu, bị mất thính giác, cả sọ và hàm dưới đều có xu hướng to ra và nhô ra về phía trước.
- Xương chày, xương đùi: Đối với xương chày, xương đùi ở chân, bệnh có thể gây yếu xương khiến chúng bị cong vẹo, gây đau khớp, viêm khớp ở đầu gối hoặc hông.
- Xương chậu: Bệnh xảy ra ở xương chậu sẽ làm cho khung chậu bị giãn rộng, đau hông.
Những cơn đau này có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, nó sẽ đau nhiều hơn vào ban đêm. Đồng thời, bệnh nhân cũng sẽ cảm thấy đau khớp gần với khu vực bị viêm xương biến dạng. Xương có thể bị gãy dù chỉ gặp phải một chấn thương nhẹ.
Biến chứng bệnh paget xương
Cũng giống như hầu hết các bệnh lý khác, bệnh paget xương nếu không được điều trị sớm, nó cũng sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề sau đây:
- Viêm xương khớp: Paget xương làm cho cấu trúc xương bị biến dạng và thay đổi cấu trúc, do đó nó làm tăng nguy cơ bị viêm khớp.
- Tổn thương dây thần kinh: Bệnh sẽ khiến cho các dây thần kinh xung quanh vùng xương biến dạng bị chèn ép gây nên tình trạng tê nhức khớp. Nếu xảy ra ở vùng xương sọ, bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn thính giác.
- Suy tim: Những người đã và đang bị các bệnh lý về tim, nếu bị thêm bệnh Paget xương sẽ có nguy cơ cao bị suy tim.
- Gãy xương: Vì quá trình tái tạo xương diễn ra chậm hơn quá trình xương bị phân hủy, nên xương rất yếu, mỏng, dễ gãy.
- Ung thư xương: Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm, gây tỉ lệ tử vong cao. Tuy nhiên rất hiếm gặp phải tình trạng này.
II/ Chẩn đoán và điều trị bệnh paget xương
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh paget xương, trước tiên bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và thông tin bệnh nhân cung cấp để có các nhận định ban đầu về bệnh. Tiếp theo, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như:
- Chụp X – quang: Phát hiện ra các bất thường trong xương.
- Scan xương: Đây là một trong những phương pháp tiên tiến, nó cho kết quả chính xác về mật độ của xương, dự báo được sớm tình trạng loãng xương. Từ đó, giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc theo dõi và điều trị.
- Thí nghiệm thử nghiệm: Bệnh nhân sẽ được đo mức phosphatase kiềm và hydroxyproline niệu trong máu. Trong đó, phosphatase kiềm là một chất đóng vai trò tạo cốt bào, hydroxyproline niệu có chức năng hủy cốt tế bào. Từ những số liệu thu được mà có thể chẩn đoán bệnh nhân có bị viêm xương biến dạng hay không.
Điều trị bệnh paget xương
Không phải bệnh nhân nào bị paget xương cũng cần phải điều trị. Với những người chỉ phát hiện các triệu chứng thông qua chụp X – quang mà không có triệu chứng lâm sàng hoặc biến chứng, họ không cần phải điều trị. Tuy nhiên, cần phải theo dõi định kỳ để nắm được sự tiến triển của bệnh. Ngược lại, những bệnh nhân bị đau nhiều, thông qua xét nghiệm máu thấy có mức phosphatase kiềm trong máu tăng cao, bệnh diễn tiến nhanh thì được chỉ định điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh lý của từng người mà các bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc loãng xương, các loại thuốc tiêm hoặc phẫu thuật.
III/ Cách phòng ngừa bệnh paget xương
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho bản thân, chúng ta nên thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt cho lành mạnh. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa có thể áp dụng:
- Nằm ngủ trên những chiếc giường và nệm phù hợp. Điều này sẽ giúp xương khớp được cố định, có chỗ tựa vững chắc khi ngủ.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân.
- Cẩn thận khi làm việc hoặc vận động để không gây chấn thương cho cơ thể.
- Nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị khi cơ thể có những biểu hiện không bình thường.
Bệnh paget xương gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, chúng ta nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho bản thân.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.