Bệnh suy giãn tĩnh mạch cần lưu ý gì vào mùa hè?

4 năm trước 29

Suy giãn tĩnh mạch không chỉ đơn thuần là một vấn đề gây mất thẩm mỹ. Một khi đã nhìn thấy những mạch máu này nổi ở bên ngoài thì điều đó có nghĩa là đang còn có nhiều vấn đề bất ổn xảy ra bên trong cơ thể.

Suy giãn tình mạch là tình trạng nổi những mạch máu phình lớn lên bề mặt da, thường là ở vùng cẳng chân. Điều này khiến nhiều người, nhất là chị em phụ nữ cảm thấy không được tự tin khi diện những trang phục ngắn vào mùa hè.

Mặc dù vậy nhưng chứng suy giãn tĩnh mạch không chỉ đơn thuần là một vấn đề gây mất thẩm mỹ. Một khi đã nhìn thấy những mạch máu này nổi ở bên ngoài thì điều đó có nghĩa là đang còn có nhiều vấn đề bất ổn xảy ra bên trong cơ thể.

Do đó, cần thực hiện các biện pháp ngăn ngừa để vấn đề về tĩnh mạch không tiến triển nặng hơn.

Bài viết này sẽ đưa ra một số lưu ý dành cho người bị suy giãn tĩnh mạch vào mùa hè.

Lưu ý khi đi du lịch

Mùa hè là mùa của những chuyến du lịch. Khi bị suy giãn tĩnh mạch thì sẽ cần chuẩn bị trước kĩ hơn một chút và lưu ý một số điều khi tận hưởng những chuyến đi.

Việc ngồi yên một chỗ trong một thời gian quá dài trên máy bay, tàu hỏa hoặc ôtô sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, các tĩnh mạch và khiến cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu đi máy bay hoặc tàu hỏa thì cần:

  • Nếu có thể thì hãy chọn chỗ ngồi có không gian rộng phía trước để có thể duỗi chân ra
  • Thi thoảng đứng dậy và đi lại dọc theo lối đi để máu lưu thông bình thường
  • Nâng chân lên và hạ xuống nhiều lần để cơ bắp chân hoạt động và đẩy máu từ tĩnh mạch về tim
  • Mặc quần áo rộng rãi
  • Mang tất nén
  • Uống nhiều nước

Nếu đi ô tô thì cần:

  • Thi thoảng dừng lại, xuống xe và đi bộ xung quanh
  • Nâng chân lên và hạ xuống nhiều lần để cơ bắp chân hoạt động và đẩy máu từ tĩnh mạch về tim
  • Mặc quần áo rộng rãi
  • Mang tất nén
  • Uống nhiều nước

Điều chỉnh quần áo

Những người bị suy giãn tĩnh mạch nên tránh mặc những loại quần áo bó sát, đặc biệt là vào mùa hè. Quần áo càng bó thì sự lưu thông máu càng bị hạn chế.

Thay vào đó, hãy chọn quần áo rộng rãi, bằng chất liệu nhẹ nhàng và thoáng mát để các tĩnh mạch, đặc biệt là những tĩnh mạch đang bị suy yếu có thể lưu thông máu một cách dễ dàng.

Ra ngoài vận động

Vận động là một cách tuyệt vời để tăng cường sự tuần hoàn máu và giữ cho các tĩnh mạch luôn trong trạng thái khỏe mạnh.

Có thể đi bộ, đạp xe hoặc tập các bài tập cường độ thấp khác ở bên ngoài nhưng hãy chọn thời điểm mà trời râm mát mới tập thể dục, ví dụ như buổi sáng sớm hoặc chiều muộn.

Uống đủ nước

Thời tiết nắng nóng vào mùa hè sẽ khiến cho cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn mà ra nhiều mồ hôi hơn thì sẽ nhanh mất nước. Do đó, sẽ cần uống nhiều nước để bù lại.

Cố gắng nhớ uống nước thường xuyên trong ngày để đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể 1.5 – 2l nước và uống nhiều hơn nếu vận động thể chất.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng

Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài không chỉ có hại cho da mà còn ảnh hưởng đến cả các tĩnh mạch bên dưới. Mặc dù ánh nắng mặt trời không tác động trực tiếp đến tĩnh mạch nhưng ánh nắng sẽ làm cho nhiệt độ của da tăng lên, khiến cho các mạch máu giãn nở ra. Và điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

Vì vậy, hãy tránh ra ngoài khi trời nắng và nếu bắt buộc phải ra ngoài thì hãy che chắn kỹ toàn thân và chọn những chỗ có bóng râm.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cân nặng khỏe mạnh là đã loại bỏ được một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng giãn tĩnh mạch, đó là béo phì.

Dưới đây là những loại thực phẩm nên ăn để bảo vệ tĩnh mạch:

  • Thực phẩm giàu chất xơ, như bắp rang bơ, yến mạch, ngũ cốc nguyên cám như gạo lức, các loại rau củ quả, các loại đậu, các loại hạt như hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt điều,…
  • Thực phẩm giàu vitamin C như bông cải xanh, các loại quả mọng (như dâu tây, nho,…), dứa, quả họ cam quýt, ớt chuông, ổi
  • Thực phẩm giàu vitamin E như các loại hạt, quả bơ, dầu ô liu, bí ngô, xoài, các loại cá,…
  • Các món ít muối

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào của chứng suy giãn tĩnh mạch thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được kiểm tra và điều trị.

Đọc toàn bộ bài viết