Bệnh suy tim có chữa được không? Có thể trị dứt điểm không?

5 tháng trước 22

Thống kê có khoảng 26-40% người mắc bệnh suy tim, độ tuổi trung bình là 45 tuổi. Vấn đề liên quan về suy tim được nhiều người thắc mắc khi đang trong giai đoạn điều trị chẳng hạn như: Bệnh suy tim có chữa được không? Và tình trạng bệnh có thể trị dứt điểm không? Cùng chuyên gia Tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phân tích chi tiết qua bài viết nhé!

Bệnh suy tim có chữa được không?

Bệnh suy tim ảnh hưởng sức khỏe thế nào nếu không điều trị?

Suy tim là tình trạng cơ tim không đảm bảo việc hút và bơm máu được như bình thường do tổn thương hoặc rối loạn chức năng tim. Máu có thể bị ứ đọng lại, làm tắc nghẽn trong các cơ quan, gây ra triệu chứng khó thở, đau ngực, mệt mỏi. Bệnh nhân bị suy tim, tim vẫn đập nhưng hoạt động của tim không được như bình thường.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, có hơn 6 triệu người trưởng thành bị ảnh hưởng bởi bệnh suy tim. Trẻ em cũng có thể bị suy tim nhưng thường gặp nhiều hơn ở người lớn và người cao tuổi. (1)

Bệnh có thể phát triển đột ngột (suy tim cấp tính) hoặc tiến triển theo thời gian (suy tim mạn tính), ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên trái tim. Thông thường, suy tim là do một tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tim bao gồm: Huyết áp cao, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, viêm cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim.

Không chỉ gây ra các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, người bệnh còn bị tích tụ dịch ở phần dưới cơ thể, quanh dạ dày hoặc bụng. Bệnh có thể làm tổn thương gan hoặc thận, nguy cơ dẫn đến tăng áp động mạch phổi hoặc loạn nhịp tim, hở van tim, hay ngưng tim đột ngột.

Suy tim nếu không được điều trị sớm và thích hợp, bệnh sẽ dần tiến triển nặng, chuyển sang giai đoạn cuối hoặc suy tim kháng trị. Lúc này, sức khỏe và tinh thần người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người bệnh cần phải nhập viện để điều trị tích cực hoặc phải chuẩn bị chờ để ghép tim.

Bệnh suy tim có chữa được không?

Suy tim là bệnh lý mạn tính cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại suy tim và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đôi khi việc điều trị đúng cách có thể giúp người bệnh trở nên khỏe hơn, chức năng tim hồi phục, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ đột tử.

Nếu suy tim giai đoạn A và B, bệnh có thể được ngăn ngừa và chữa khỏi. Ví dụ người bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch khi được mổ sửa chữa hoàn toàn sẽ không diễn tiến đến suy tim nặng sau này; người bệnh thấp tim nếu được điều trị phòng thấp sớm và hiệu quả sẽ ngăn ngừa thấp tim tái phát hoặc bệnh van hậu thấp, ngăn ngừa bệnh suy tim. Khi bệnh suy tim có triệu chứng, giai đoạn C (độ 3) hoặc D (độ 4) thì cần được điều trị tích cực và chuyên sâu. (2)

>> Xem thêm: Phân độ suy tim theo NYHA: Các cấp độ, giai đoạn thường gặp

Suy tim có chữa khỏi được không là vấn đề nhiều người bệnh quan tâmSuy tim có chữa khỏi được không là vấn đề nhiều người bệnh quan tâm

Suy tim được điều trị bằng cách kết hợp điều chỉnh về lối sống cho người bệnh với các loại thuốc hoặc thiết bị hỗ trợ.

Một số trường hợp bệnh suy tim có thể chữa khỏi được

Tình trạng suy tim vẫn có thể chữa khỏi được tùy thuộc vào vấn đề gây ra suy tim, người bệnh gặp các trường hợp sau đây cần thăm khám sớm để được điều trị kịp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

1. Suy tim do hẹp hoặc hở van tim

Các bất thường ở van tim như hẹp hoặc hở van tim làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu qua tim, rò rỉ máu đối với trường hợp hở van tim, giảm lưu lượng máu qua van đối với hẹp van tim.

Khi đó, tim phải hoạt động co bóp nhiều hơn, lâu dần dẫn đến giãn cơ tim, suy tim. Trong trường hợp suy tim xuất phát từ nguyên nhân là do hẹp van tim hoặc hở van tim, bác sĩ sẽ mổ van tim để sửa chữa hoặc thay thế van mới.

Suy tim do bệnh van tim có thể điều trị khỏiSuy tim do bệnh van tim có thể điều trị khỏi

2. Suy tim do cao huyết áp

Theo Nghiên cứu của Tim Framingham, bệnh cao huyết áp làm tăng nguy cơ suy tim gấp 2 lần ở nam giới và gấp 3 lần ở nữ giới. Việc kiểm soát tốt huyết áp có thể giúp ngăn ngừa bệnh suy tim, giúp cải thiện tình trạng bệnh. (3)

3. Suy tim do thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây suy tim. Động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột do huyết khối có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Thiếu máu cơ tim thường được điều trị bằng thuốc kết hợp can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật đối với trường hợp nghiêm trọng. Việc điều trị thiếu máu cơ tim có hiệu quả sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh suy tim.

4. Suy tim do rối loạn nhịp tim

Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm kéo dài có thể dẫn đến suy tim. Tim không thể bơm máu một cách hiệu quả, tim phải nỗ lực làm việc nhiều hơn và dần trở nên yếu đi, làm cản trở hoạt động bình thường của tim, gây suy tim. Bên cạnh điều trị bằng thuốc hoặc thủ thuật/phẫu thuật, người bệnh cần kết hợp điều chỉnh về lối sống khoa học để ngăn ngừa rối loạn nhịp tim, hạn chế nguy cơ dẫn đến suy tim.

Một số trường hợp suy tim không thể chữa khỏi do biến dạng cấu trúc tim

Ở một số trường hợp bệnh suy tim do các nguyên nhân làm biến dạng cấu trúc tim sẽ không thể điều trị khỏi hoàn toàn, người bệnh sẽ được điều trị và cần chăm sóc theo dõi sức khỏe thường xuyên.

1. Viêm cơ tim

Viêm cơ tim nặng có thể làm tổn thương cơ tim vĩnh viễn, khiến cơ tim không thể bơm máu tốt, dẫn đến suy tim. Khi đó, bệnh nhân có thể cần đến thiết bị hỗ trợ tâm thất hoặc ghép tim.

2. Bệnh cơ tim dãn nở

Bệnh này làm suy giảm chức năng co bóp cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu đi nuôi các cơ quan, gây triệu chứng như mệt mỏi, đầy hơi, chán ăn hồi hộp, khó thở khi làm việc, gắng sức hoặc ngay cả với các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

3. Bệnh cơ tim dãn nở do đái tháo đường

Đái tháo đường có thể thúc đẩy hoặc làm nặng thêm tình trạng suy tim. Theo nghiên cứu của Framingham, đái tháo đường tăng nguy cơ suy tim gấp hai lần ở nam giới và gấp bốn lần ở nữ giới. Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, điều trị gần như suốt đời, do vậy biến chứng suy tim cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn được.

Đái tháo đường gây suy tim không thể chữa khỏi đượcĐái tháo đường gây suy tim không thể chữa khỏi được

4. Suy mạch vành (hẹp mạch vành nặng)

Một số trường hợp bệnh nhân bị hẹp mạch vành nặng ở nhiều vị trí không thể điều trị can thiệp đặt stent hoặc mổ bắc cầu, sau nhồi máu cơ tim diện rộng cũng đưa đến suy giảm chức năng tim nghiêm trọng. Trường hợp này người bệnh cần được điều trị phối hợp nhiều phương thức để cải thiện triệu chứng, kéo dài thời gian và tăng chất lượng sống.

5. Bệnh cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại là một vài vùng ở tâm thất trái, có khi ở tâm thất phải phì đại một cách bất thường, làm giảm khả năng giãn nở hút máu về tim, gây suy tim. Bệnh nhân có liên quan đến yếu tố di truyền, về sau sẽ dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp hoặc đột tử.

6. Bệnh cơ tim hạn chế

Bệnh cơ tim hạn chế xảy ra do cơ tim hoặc nội mạc tim bị biến đổi, mất khả năng đàn hồi co dãn để hút máu, làm cho máu trở về tim một cách khó khăn. Một trong số những nguyên nhân của bệnh cơ tim loại này là bệnh cơ tim amyloidosis.

Bệnh ngày càng được chẩn đoán nhiều và sớm hơn. Khi bệnh này biểu hiện đầy đủ triệu chứng của suy tim thì thời gian sống còn lại của người bệnh trung bình là 2 năm. Do đó bệnh này cần được chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu.

Phương pháp điều trị bệnh suy tim

Các phương pháp điều trị suy tim tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Song song với điều chỉnh lối sống lành mạnh, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị suy tim bao gồm:

1. Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc thường được kê đơn cho bệnh nhân suy tim bao gồm:

  • Thuốc ARNI hoặc ức chế men chuyển (ACE): Giúp tim bơm máu tốt hơn, giúp giãn mạch máu đưa máu lưu thông khắp cơ thể, kiểm soát huyết áp.
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Được dùng để thay thế trong trường hợp người bệnh không dung nạp với thuốc ức chế men chuyển (ACE).
  • Thuốc chẹn beta: Giảm khối lượng công việc cho tim, kiểm soát huyết áp, giảm triệu chứng đau thắt ngực, phòng ngừa đột tử, kéo dài đời sống.
  • Thuốc lợi tiểu: Khi có tình trạng sung huyết trong cơ thể như phù, trướng bụng, gan to, ran ứ đọng ở phổi, thuốc lợi tiểu sẽ giúp bệnh nhân dễ thở và hỗ trợ hạ huyết áp.
  • Thuốc đối kháng Aldosterone: Giảm sợi hóa cơ tim, giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
  • Thuốc ức chế thụ thể SGLT-2: Là nhóm thuốc mới được chỉ định trong điều trị suy tim gần đây, giúp giảm tỷ lệ nhập viện vì suy tim và kéo dài thời gian sống.
  • Thuốc tăng co bóp cơ tim: Dùng cho bệnh nhân suy tim nặng, giảm cung lượng tim trầm trọng, không đáp ứng với thuốc uống, bằng cách truyền tĩnh mạch.
  • Digoxin (Lanoxin): Có tác dụng giúp tăng sức mạnh co bóp của cơ tim, được dùng ở bệnh nhân suy tim có kèm rung nhĩ.
  • Một số loại thuốc khác có thể sử dụng kết hợp tùy theo tình trạng của người bệnh như: nitrate, statin, thuốc làm loãng máu,…

2. Can thiệp hoặc phẫu thuật

Bệnh nhân suy tim được điều trị bằng phẫu thuật trong trường hợp suy tim do các nguyên nhân như bệnh van tim, hẹp động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp.

Một số phương pháp điều trị suy tim bằng dụng cụ bao gồm:

  • Máy khử rung tim tự động (ICD): Sử dụng các xung điện để phá cơn loạn nhịp nhanh, phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất.
  • Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT): Giúp 2 tâm thất co bóp đồng bộ và có hiệu quả hơn. Bệnh nhân được áp dụng liệu pháp này thường có cải thiện sức khỏe tích cực, cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng được trong một số trường hợp cụ thể.
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VADs): Được cấy ghép vào trong ngực, có tác dụng thay thế hoạt động bơm của tim khi không thể bơm được. Thiết bị này có thể được sử dụng để điều trị lâu dài hoặc chờ đợi cho đến khi người bệnh được ghép tim.
  • Ghép tim: Nếu suy tim đe dọa đến tính mạng người bệnh và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bệnh nhân cần được ghép tim để cải thiện sự sống còn.
Các bác sĩ chuẩn bị thông tim can thiệp điều trị cho bệnh nhân suy timCác bác sĩ chuẩn bị thông tim can thiệp điều trị cho bệnh nhân suy tim

Yếu tố ảnh hưởng khả năng điều trị thành công bệnh suy tim

Suy tim cần được điều trị lâu dài, kết hợp điều chỉnh về lối sống và điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng điều trị thành công bệnh suy tim như:

  • Thời điểm phát hiện bệnh: Suy tim nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm sẽ có hiệu quả cao hơn so với khi bệnh đã chuyển sang mức độ nặng mới phát hiện, sẽ làm giảm khả năng điều trị và người bệnh có nguy cơ gặp nhiều biến chứng hơn.
  • Độ tuổi: Suy tim thường gặp nhiều ở người cao tuổi và nguy cơ biến chứng cũng cao hơn so với bệnh nhân trẻ tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới bị suy tim có xu hướng sống lâu hơn so với nam giới (nguyên nhân không phải do thiếu máu cục bộ). Một số vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh nhân suy tim nữ, đặc biệt là sau mãn kinh như tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh đái tháo đường, bệnh động mạch vành.
  • Phân suất tống máu: Bệnh nhân có phân suất tống máu dưới 40% có nguy cơ tử vong do suy tim cao hơn. Nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy, những người nhập viện nhiều lần do suy tim có tuổi thọ 5 năm không cao. (4)
  • Bệnh lý kèm theo: Các bệnh lý kèm theo có thể ảnh hưởng hiệu quả điều trị suy tim, tăng nguy cơ biến chứng như bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường type 2.
  • Lối sống của người bệnh: Suy tim là bệnh lý cần được theo dõi gần như suốt đời, cần có sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc/phẫu thuật với lối sống lành mạnh của người bệnh. Nếu bệnh nhân không điều chỉnh về sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp hoặc không dùng thuốc theo đúng chỉ định có thể làm giảm hiệu quả trong điều trị bệnh.
Bệnh nhân suy tim nên vận động nhẹ nhàng và điều độBệnh nhân suy tim nên vận động nhẹ nhàng và điều độ

Làm thế nào sống chung với bệnh suy tim?

Việc điều trị suy tim chủ yếu tập trung vào cải thiện triệu chứng, tình trạng bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Do đó, sau khi điều trị bằng thuốc/phẫu thuật, người bệnh vẫn cần được theo dõi sát sao, chăm sóc tốt, duy trì lối sống lành mạnh.

  • Duy trì hoạt động đều đặn sẽ giúp tăng cường năng lượng, cải thiện giấc ngủ và chất lượng cuộc sống;
  • Hoạt động thể lực phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng cá nhân;
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định, nếu thừa cân, béo phì, nên thực hiện giảm cân theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho tim mạch bằng cách ưu tiên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá béo. Đồng thời, hạn chế những thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn ủ muối, đồ chua, nhiều muối hoặc đường;
  • Tránh xa các sản phẩm có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước tăng lực, thuốc lá,…
  • Rèn thói quen đi ngủ sớm, ngủ và thức dậy đúng giờ;
  • Tinh thần thoải mái, tránh áp lực, căng thẳng;
  • Kiểm tra huyết áp, cholesterol trong máu thường xuyên;
  • Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
  • Tái khám định kỳ.

>> Xem thêm: Người bị suy tim sống được bao lâu? Có thể kéo dài tuổi thọ không?

Người bệnh tim mạch cần thăm khám định kỳ với bác sĩ để phòng bệnh tiến triển suy timNgười bệnh tim mạch cần thăm khám định kỳ với bác sĩ để phòng bệnh tiến triển suy tim

Hiện nay, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ được nhiều người tin tưởng lựa chọn đến thăm khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu, lồng ngực. Trung tâm được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy siêu âm tim và mạch máu 4D tiên tiến, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 – 3 Tesla, MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt, hệ thống máy DSA chụp và can thiệp mạch vành hiện đại tích hợp đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành và siêu âm trong lòng mạch…

Nhờ đó, giúp cho việc chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả các bệnh lý về tim mạch, mạch máu và lồng ngực, đặc biệt là trong điều trị suy tim.

Cùng với chương trình quản lý người bệnh suy tim, Trung tâm Tim mạch cũng triển khai phòng khám chuyên biệt về Suy tim, thăm khám chuyên sâu, theo dõi chặt chẽ, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân suy tim nhằm giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.

Phòng khám suy tim Trung tâm Tim mạch Tâm Anh

Phòng khám Suy tim do các chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cố vấn và trực tiếp thăm khám như: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh (Giám đốc Trung tâm Tim mạch, hơn 50 năm kinh nghiệm), ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều (Trưởng khoa Nội tim mạch 1 kiêm Trưởng đơn vị Suy tim, hơn 20 năm kinh nghiệm), BS.CKI Hoàng Thị Bình (Phó khoa Nội tim mạch 1, hơn 13 năm kinh nghiệm), ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc (hơn 20 năm kinh nghiệm), ThS.BS Đỗ Thị Hoài Thơ (hơn 10 năm kinh nghiệm)…

Khách hàng sẽ được tầm soát, phát hiện sớm nguy cơ suy tim và tiền suy tim nhằm phòng ngừa nguyên phát. Đối với bệnh nhân suy tim, bác sĩ đưa ra hướng điều trị cá thể hóa, theo dõi chặt chẽ phòng bệnh tiến triển; giải đáp cặn kẽ thắc mắc cho bệnh nhân trong quá trình điều trị; đồng thời tư vấn thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, tập luyện phục hồi chức năng tim mạch; và nhắc hẹn tái khám định kỳ.

Phòng khám cũng theo dõi chặt chẽ, chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân suy tim giai đoạn tiến triển: chăm sóc giảm nhẹ, thiết bị cơ học hỗ trợ tim, đưa vào danh sách chờ ghép tim…

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:

Bệnh suy tim có chữa được không còn phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nặng của bệnh. Người bệnh nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị khỏi bệnh sớm, hạn chế bệnh tiến triển nặng gây biến chứng nguy hiểm.

Đọc toàn bộ bài viết