Ở những nam giới từ 45 tuổi trở xuống thì rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nội dung chính của bài viết
-
Tiểu đường là một vấn đề sức khỏe mãn tính mà người bệnh sẽ phải chung sống cùng trong suốt đời.
-
Các triệu chứng tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 đều có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc men, chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn.
-
Mặc dù rối loạn cương dương cũng có thể trở thành một tình trạng mãn tính nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.
-
Nếu bị tiểu đường thì bạn vẫn có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng rối loạn cương dương bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, gồm có ngủ đủ giấc, không hút thuốc và giảm căng thẳng.
-
Các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương đều cho hiệu quả tốt và có thể được sử dụng trong thời gian dài để cải thiện chức năng cương dương.
Tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương
Mặc dù tiểu đường và rối loạn chức năng cương dương là hai vấn đề riêng biệt nhưng thường đi đôi với nhau. Rối loạn cương dương được định nghĩa là tình trạng nam giới gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì trạng thái cương cứng của dương vật. Nam giới mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị rối loạn cương dương cao hơn gấp hai đến ba lần so với bình thường. Ở những nam giới từ 45 tuổi trở xuống thì rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi lượng đường trong máu tăng quá cao. Có hai loại bệnh tiểu đường chính là tiểu đường tuýp 1 (chỉ chiếm khoảng 10% số trường hợp mắc bệnh tiểu đường) và tiểu đường tuýp 2 (chiếm hơn 90% tổng số trường hợp). Tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra do thừa cân hoặc lối sống lười vận động. Theo thống kê, quá nửa số người mắc bệnh tiểu đường là nam giới.
Ước tính 10% nam giới từ 40 đến 70 tuổi bị rối loạn cương dương nặng và 25% bị rối loạn cương dương mức độ vừa. Tuổi càng cao thì rối loạn cương dương sẽ càng phổ biến hơn nhưng đây không phải là một kết quả do quá trình lão hóa tự nhiên. Ở nhiều nam giới, các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, là nguyên nhân góp phần làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương.
Kết quả nghiên cứu
Trung tâm Y tế Đại học Boston cho biết, khoảng một nửa số nam giới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đều bị rối loạn cương dương trong vòng 5 đến 10 năm sau đó. Nếu còn mắc bệnh tim mạch thì nguy cơ rối loạn cương dương thậm chí sẽ còn cao hơn.
Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra rằng nếu bị bệnh tiểu đường nhưng duy trì một lối sống lành mạnh thì vẫn có thể làm giảm các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tình dục. Những thói quen lối sống lành mạnh này gồm có một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Nguyên nhân nào gây rối loạn cương dương ở nam giới bị tiểu đường?
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và rối loạn cương dương có liên quan đến hệ tuần hoàn và hệ thần kinh. Khi bị tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao mất kiểm soát sẽ làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh. Khi các dây thần kinh kiểm soát kích thích và phản ứng tình dục bị tổn hại thì sẽ khiến nam giới khó có khả năng cương cứng khi hoạt động tình dục. Tình trạng giảm lưu thông máu do các mạch máu bị hỏng cũng có thể góp phần dẫn đến rối loạn cương dương.
Các yếu tố nguy cơ rối loạn cương dương
Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường, bao gồm cả rối loạn cương dương. Những yếu tố nguy cơ này gồm có:
- Mức đường huyết không được kiểm soát tốt
- Bị stress
- Thường xuyên lo âu
- Bị trầm cảm
- Chế độ ăn không lành mạnh
- Ít vận động
- Béo phì
- Hút thuốc
- Uống quá nhiều rượu
- Tăng huyết áp mà không có biện pháp kiểm soát
- Mỡ máu (lipid máu) cao
- Dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ là rối loạn cương dương
- Dùng thuốc kê đơn để điều trị cao huyết áp, trầm cảm và giảm đau
Chẩn đoán rối loạn cương dương
Nếu bạn nhận thấy mình gặp khó khăn để đạt được hoặc duy trì sự cương cứng thì hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa. Mặc dù việc chia sẻ về vấn đề tế nhị này là điều không dễ dàng nhưng đây lại là điều cần thiết để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bác sĩ có thể chẩn đoán rối loạn cương dương bằng cách khai thác bệnh sử và đánh giá các triệu chứng. Sau đó sẽ khám sức khỏe để kiểm tra các vấn đề về dây thần kinh có thể đang xảy ra ở dương vật hoặc tinh hoàn. Ngoài ra, có thể sẽ cần làm xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán các vấn đề như tiểu đường hoặc mức testosterone thấp.
Sau đó, tùy theo vấn đề cụ thể mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc. Có nhiều lựa chọn điều trị rối loạn cương dương khác nhau và bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra lựa chọn phù hợp nhất.
Nếu không có triệu chứng rối loạn cương dương nhưng đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch thì cũng nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn các cách phòng ngừa.
Điều trị rối loạn cương dương
Khi chẩn đoán mắc chứng rối loạn cương dương thì bác sĩ thường kê các loại thuốc đường uống, chẳng hạn như sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis) hoặc vardenafil (Levitra). Những loại thuốc kê đơn này giúp cải thiện lưu thông máu đến dương vật và đa số đều được dung nạp tốt.
Những người bị tiểu đường vẫn có thể dùng các loại thuốc này vì chúng không tương tác với thuốc điều trị tiểu đường, như Glucophage (metformin) hoặc insulin.
Mặc dù còn có nhiều phương pháp điều trị rối loạn cương dương khác, chẳng hạn như máy hút chân không dương vật và phẫu thuật cấy thể hang nhân tạo nhưng trước tiên vẫn nên thử dùng thuốc đường uống. Những phương pháp điều trị khác thường không hiệu quả và có thể gây ra các biến chứng.
Cách phòng ngừa rối loạn cương dương
Bạn nên thực hiện một số thay đổi về lối sống để vừa có thể kiểm soát triệu chứng bệnh tiểu đường và đồng thời giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương. Những thay đổi này gồm có:
- Kiểm soát mức đường huyết bằng chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống phù hợp cho người tiểu đường sẽ giúp bạn kiểm soát tốt mức đường huyết và giảm bớt tổn hại đến các mạch máu cũng như là dây thần kinh. Những loại thực phẩm giúp giảm lượng đường trong máu còn có thể cải thiện mức năng lượng cơ thể và tâm trạng, cả hai điều này đều giúp giảm nguy cơ rối loạn cương dương.
- Hạn chế tiêu thụ rượu: Uống quá hai ly rượu mỗi ngày có thể làm hỏng mạch máu và góp phần dẫn đến chứng rối loạn cương dương. Thậm chí chỉ cần say rượu nhẹ cũng có thể khiến nam giới khó đạt được sự cương cứng và ảnh hưởng đến chức năng tình dục.
- Không hút thuốc: Hút thuốc làm cho các mạch máu hẹp lại và làm giảm nồng độ oxit nitric trong máu. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến dương vật và gây rối loạn chức năng cương dương.
- Tăng cường vận động: Tập thể dục thường xuyên không chỉ có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu mà còn giúp cải thiện lưu thông máu, giảm mức độ căng thẳng và tăng cường mức năng lượng cơ thể. Tất cả những điều này đều giúp cải thiện chức năng cương dương.
- Ngủ đủ giấc: Tình trạng mệt mỏi là một trong những thủ phạm gây suy giảm chức năng tình dục. Mặt khác, ngủ đủ giấc mỗi đêm có thể làm giảm nguy cơ mắc rối loạn cương dương.
- Tránh căng thẳng: Căng thẳng có thể làm giảm hưng phấn tình dục và khả năng cương cứng. Tập thể dục, thiền và dành thời gian cho sở thích của bản thân là những cách hữu hiệu để thư giãn, giảm mức độ căng thẳng và giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn cương dương. Nếu bạn nhận thấy bản thân thường xuyên bị lo âu, phiền muộn hay căng thẳng thì nên đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn các biện pháp vượt qua.
Xem thêm: