Bệnh trĩ - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 23

Tại sao có bệnh trĩ?

  • Do ngồi lâu, đứng lâu, khiêng, vác vật nặng, tập thể thao nặng như đẩy tạ, đánh tennis…
  • Ăn, uống nhiều các chất kích thích như rượu, bia, ớt
  • Ăn ít thức ăn có nhiều chất xơ như rau, trái cây
  • Uống ít nước gây táo bón
  • Mập phì, phụ nữ có thai, ho kéo dài...

Ảnh hưởng của bệnh trĩ?

  • Gây khó khăn trong sinh hoạt đại tiện, không tự chủ được, nếu ở giai đoạn nặng sẽ dẫn đến triệu chứng chảy máu khi đi tiêu.
  • Làm đảo lộn thói quen sinh hoạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần, cũng như tâm lý người bệnh.
  • Tắc nghẹt búi trĩ khiến người bệnh đau nhức, khó chịu vùng hậu môn, nặng hơn sẽ gây nhiễm trùng máu, viêm nhiễm ở nhiều mức độ khác nhau như áp xe hậu môn.
  • Bệnh nhân đi tiêu ra máu nhiều dễ bị thiếu máu trầm trọng.
  • Nứt, rách vùng hậu môn sẽ dễ bị vi khuẩn từ phân và nước tiểu tấn công do búi trĩ lòi hẳn ra ngoài trong thời gian dài. Những vi khuẩn và độc tố này sẽ xâm nhập ngược vào cơ thể gây nhiễm trùng máu.
  • Mang lại nguy hiểm đến hệ thần kinh, đau đầu, suy giảm trí nhớ, đau nhức vùng lưng dưới, gây rối loạn thần kinh, đầu óc căng thẳng, dễ ngất xỉu.
  • Ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt vợ chồng.
  • Nữ giới mắc bệnh trĩ dễ bị viêm nhiễm phụ khoa. Đặc biệt ảnh hưởng nặng nề nhất là trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh con, do đó phụ nữ trước khi mang thai cần có các biện pháp phòng tránh, cảnh giác các nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ.
  • Gây ung thư trực tràng nếu không được điều trị từ sớm.

Phân độ bệnh trĩ?

Bệnh trĩ được phân thành các cấp độ gồm: Trĩ nội độ 1, 2, 3, 4; trĩ ngoại; trĩ hỗn hợp gồm trĩ nội và trĩ ngoại; trĩ biến chứng tắc mạch, xuất huyết, sa nghẹt.

  • Cấp độ 1: Giai đoạn hình thành trĩ, mới xuất hiện hiện tượng chảy máu, đây chính là triệu chứng của bệnh.
  • Cấp độ 2: Xuất hiện hiện tượng búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu nhưng tự lên được.
  • Cấp độ 3: Búi trĩ vẫn sa ra ngoài khi đi tiêu, song không thể trở lại được mà cần tới lực đẩy mới lên được.
  • Cấp độ 4: Hiện tượng búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên và có thể bị thắt lại dẫn tới hoại tử.

Điều trị bệnh trĩ như thế nào?

  • Với trĩ nhỏ như độ 1-2, trĩ ngoại, không biến chứng bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt, công việc và điều trị bằng thuốc hoặc thắt trĩ qua nội soi.
  • Với trĩ xuất huyết không tự cầm, trĩ nội độ 2 không hiệu quả điều trị nội khoa, trĩ nội độ 3-4, trĩ biến chứng tắc mạch, sa nghẹt, bệnh nhân cần nhập viện phẫu thuật như cắt trĩ từng búi bằng dao điện, dao siêu âm, cắt trĩ theo Longo, khâu treo trĩ theo Longo cải biên…

Cách phòng ngừa?

  • Tránh ngồi lâu, đứng lâu, tránh khiêng, vác vật nặng
  • Tránh các chất kích thích như rượu, bia, ăn nhiều ớt
  • Ăn thức ăn có nhiều chất xơ, nhiều rau, nhiều trái cây như bưởi, chuối, đu đủ…
  • Uống nhiều nước, khoảng 40 ml/kg cân nặng
  • Điều trị các bệnh gây ho kéo dài…

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết