Bệnh viêm cơ tim: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

5 năm trước 24

Bệnh viêm cơ tim là gì?

Bệnh viêm cơ tim hay bệnh tim do virus là một bệnh lý về tim do virus gây ra. Virus tấn công cơ tim, gây viêm và làm gián đoạn các đường dẫn điện có vai trò chỉ đạo cho tim đập bình thường. Trong hầu hết các trường hợp thì cơ thể sẽ chống lại virus và tự chữa lành nên người bệnh không hề hay biết về vấn đề. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, sự nhiễm trùng và phản ứng viêm xảy ra sau đó lại gây tổn hại và làm tim suy yếu. Điều này gây suy tim và nhịp tim không đều.

Viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả những người tưởng như có sức khỏe tốt. Dấu hiệu duy nhất của bệnh viêm cơ tim do virus là những triệu chứng giống như bị cúm. Mặc dù có nhiều loại virus khác nhau ảnh hưởng đến tim nhưng chỉ có một số rất ít gây viêm cơ tim và các vấn đề về tim khác.

Các loại virus gây viêm cơ tim

Adenovirus

Adenovirus là một trong những virus phổ biến nhất gây viêm cơ tim ở cả trẻ em và người lớn. Nó còn là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp, bàng quang và ruột. Virus này lây lan qua sự tiếp xúc với dịch mũi, họng của người nhiễm bệnh.

Cytomegalovirus (CMV)

Nhóm này gồm có virus herpes simplex, virus varicella-zoster (gây bệnh thủy đậu và bệnh zona thần kinh) và virus Epstein-Barr (gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân). Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, cứ 100 người ở tuổi 40 thì có khoảng 50 người đã từng bị nhiễm CMV và có tới 90% người trưởng thành đã bị nhiễm virus Epstein-Barr.

CMV thường ở trạng thái không hoạt động và vô hại trong cơ thể nhưng đôi khi chúng cũng có thể gây viêm nhiễm, gồm có viêm cơ tim do virus. Những virus này lây lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người nhiễm bệnh và cũng có thể được truyền từ mẹ sang thai nhi.

Coxsackievirus B

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cơ tim, chiếm khoảng 50% số ca mắc bệnh tại Mỹ. Coxsackievirus B còn có thể gây cúm và tấn công vào tim, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng kéo dài từ 2 đến 10 ngày. Các triệu chứng trên tim do virus này gây ra thường biểu hiện trong vòng 2 tuần.

Các triệu chứng phổ biến gồm có sốt, mệt mỏi và đau ngực. Virus Coxsackievirus B thường không gây tử vong nhưng có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn, đặc biệt là khi tái phát. Virus này lây truyền qua phân nên cách tốt nhất để phòng ngừa là rửa tay và chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Enteric cytopathic human orphan viruses (ECHO)

Họ virus này thường gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, phát ban trên da và cũng có thể gây viêm cơ tim. Bạn có thể bị nhiễm virus này nếu tiếp xúc với phân của người bệnh hoặc hít phải các hạt dịch tiết hô hấp có trong không khí từ người bị nhiễm bệnh.

Human parvovirus B19

Virus này gây ra bệnh thứ năm (fifth disease), một căn bệnh có dấu hiệu đặc trưng là hiện tượng phát ban nhẹ (phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn). Nó còn là nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim cấp. Loại virus này lây lan qua nước bọt hoặc dịch nhầy mũi của người bệnh vì thế, hãy rửa tay và che miệng, mũi mỗi khi ho hoặc hắt hơi để hạn chế sự lây lan của virus.

Rubella

Đây là loại virus gây ra bệnh sởi Đức và cũng là nguyên nhân gây viêm cơ tim. Ngoài ra, virus Rubella còn gây sảy thai, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh. Nó sẽ gây viêm cơ tim nếu nhiễm vào tim nhưng điều này rất ít khi xảy ra và hiện nay cũng đã có vắc-xin ngừa virus rubella.

Các triệu chứng thường gặp

Vì nhiều dạng viêm cơ tim do virus không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường không chú ý nhưng đôi khi cũng bộc lộ các triệu chứng như:

  • Nhịp tim bất thường
  • Đau ngực
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau cơ
  • Đau họng
  • Đau hoặc sưng ở khớp, cẳng chân
  • Ngất hoặc khó thở

Cách chẩn đoán

Xét nghiệm máu, xét nghiệm điện tâm đồ, chụp X-quang và xạ hình là những phương pháp để phát hiện các dấu hiệu áp lực trên tim và từ đó giúp chẩn đoán viêm cơ tim.

Cách điều trị viêm cơ tim

Viêm cơ tim do virus có thể được điều trị bằng các loại thuốc như:

  • Thuốc chống virus để điều trị nhiễm trùng
  • Thuốc chống viêm để giảm sưng trong tim
  • Thuốc lợi tiểu để thải bớt nước thừa và giảm sưng phù

Người bệnh có thể còn phải thay đổi một số thói quen sống nhất định, chẳng hạn như ăn ít muối và hạn chế hoạt động. Ngoài ra, có thể bác sĩ còn chỉ định dùng một số loại thuốc để điều hòa nhịp tim hoặc giảm nguy cơ đông máu nếu cơ tim bị tổn thương hoặc suy yếu. Phương án điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng và ảnh hưởng của nó lên tim.

Đọc toàn bộ bài viết