Viêm tai ngoài là là tình trạng da của ống tai bị nhiễm trùng và viêm sưng. Bệnh viêm tai ngoài có thể điều trị một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm khôn lường.
Viêm tai ngoài có nguy hiểm không?
Viêm tai ngoài là tình trạng sưng viêm vùng da từ bên ngoài tai dẫn đến màng nhĩ.
Viêm tai ngoài không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, khi phát hiện ra bệnh vẫn cần phải chữa trị kịp thời. Nếu để lâu, viêm tai ngoài có thể dẫn đến viêm tai giữa và kéo theo hàng loạt các biến chứng khác ảnh hưởng đến thính lực.
Không chỉ vậy, vùng viêm nhiễm trong tai có thể gây ảnh hưởng đến cách dây thần kinh ở gần tai. Từ đó, các bộ phận khác như mắt, mũi, họng,… có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.
Đối với một số bệnh nhân lớn tuổi, hệ miễn dịch của họ đã bị suy giảm nhiều. Do đó, nếu bị mắc bệnh viêm tai ngoài, bệnh có thể phát triển lên thành viêm tai ngoài ác tính. Viêm tai ngoài ác tính là bệnh nhiễm trùng phần xương sụn ở vùng thái xương và lân cận tai.
Như vậy, bệnh viêm tai ngoài đe dọa trực tiếp đến các chức năng của tai, gây đau rát. Nguy hiểm hơn, bệnh còn gây ảnh hưởng đến thái dương và các dây thần kinh gần tai.
Điều trị viêm tai ngoài bằng cách nào?
Bệnh viêm tai ngoài là bệnh có thể điều trị được. Và nếu phát hiện càng sớm thì điều trị bệnh càng đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng.
Bệnh nhân nên đến bác sĩ để có một phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh có chứa steroid để giảm sưng, viêm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể được điều trị viêm tài ngoài bằng một số loại thuốc nhỏ tai. Một số loại thuốc nhỏ tai ấy có tác dụng rửa tai, sát khuẩn, giúp kiểm soát và loại bỏ vi trùng viêm nhiễm.
Lưu ý, nếu bị bệnh viêm tai ngoài, bạn nên dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau bên ngoài để điều trị.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần giữ gìn vệ sinh vùng khoang tai kỹ lưỡng. Không được để tai tiếp xúc lâu với nước, nước bẩn. Người bệnh luôn giữ cho tai ở trạng thái khô ráo và sạch.
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai ngoài
Sau đây, chúng ta hãy tìm hiểu kỹ hơn về những nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm tai ngoài. Từ sự tìm hiểu đó, chúng ta có thể dễ dàng phòng ngừa và chữa trị kịp thời nếu phát bệnh.
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm tai ngoài
Tiếp xúc lâu với nước
Nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm tai ngoài là tai tiếp xúc lâu với nước và nước bẩn. Chính sự ẩm thấp trong ống tai đã dẫn đến tình trạng các vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh. Những bệnh nhân viêm tai ngoài thường là các vận động viên bơi lội. Tai của họ phải tiếp xúc với nước trong thời gian dài.
Da tai bị tổn thương
Nguyên nhân thứ hai của viêm tai ngoài đó là do vùng da tai bị trầy, tổn thương. Các hoạt động như gãi tai, ngoáy tai bằng các vật dụng cứng, dùng tai nghe,… khiến cho da tai bị trầy. Da tai bị tổn thương và nhiễm trùng khiến cho tai bị sưng viêm.
Ráy tai
Thường xuyên lấy ráy tai cũng là một nguyên nhân dẫn đến tai dễ bị nhiễm trùng và bị viêm. Ráy tai chính là lớp sừng bảo vệ vùng da non bên trong tai. Khi lớp ráy tai bảo vệ vùng da non không còn, tai dễ bị tổn thương, bị vi khuẩn từ nước tấn công.
2. Triệu chứng của bệnh viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài có thể nhận biết qua những triệu chứng sau:
- Da tai bị đỏ;
- Sưng;
- Đau rát;
- Khó chịu trong tai;
- Chảy mủ từ bên trong;
- Ngứa ngáy;
- Thính lực bị giảm sút;
- Đau ở mặt, ở cổ.
Trên đây không phải là toàn bộ những triệu chứng của bệnh. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu khác thường gì ở khu vực tai, mặt, bệnh nhân cần đến bác sĩ khám ngay.
Cách phòng ngừa viêm tai ngoài
Bệnh viêm tai ngoài gây đau nhức và làm chất lượng cuộc sống giảm sút. Hơn nữa, bệnh còn gây ra những biến chứng nguy hại khác như ảnh hưởng đến mắt và xương sụn ở tai, suy giảm thính lực,,… Do đó, chúng ta cần phải đề cao việc phòng bệnh viêm tai ngoài. Sau đây là những cách giúp bạn phòng bệnh hiệu quả và bảo vệ sức khỏe:
- Luôn giữ cho tai sạch sẽ, khô thoáng;
- Ngăn nước vào sâu trong tai khi tắm hoặc bơi bằng cách đội mũ bơi, đeo nút bịt tai,…
- Không dùng vật cứng để lấy ráy tai;
- Hạn chế lấy ráy tai thường xuyên;
- Tránh làm trầy xước lớp da vùng tai;
- Lau khô tai sau khi tắm, bơi.
Những người đang bị mắc bệnh cũng phải chú ý đến việc giữ vệ sinh vùng tai. Nếu không chăm sóc kỹ lưỡng, bệnh tình sẽ trở nên nặng hơn.
Những bệnh nhân đã khỏi bệnh cũng cần giữ gìn vệ sinh vùng tai để phòng ngừa bệnh trở lại.
Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị thay cho bác sĩ chuyên môn.