Bệnh viện K thực hiện nội soi ống mềm kết hợp sử dụng ánh sáng nhuộm màu và phóng đại chẩn đoán, điều trị Polip và ung thư đại tràng sớm - Bệnh viện K

3 năm trước 30

Sáng ngày 11/7, chuyên gia Nhật Bản BS.Kenichiro Imai, Trung tâm nội soi, Bệnh viện ung thư Shizuoka đã tham dự buổi họp giao ban và trao đổi thông tin làm việc tại Khoa Nội soi thăm dò chức năng bệnh viện K về nội soi chẩn đoán, điều trị ung thư đại tràng.

Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện bày tỏ vui mừng về sự hợp tác, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giữa Trung tâm ung thư Shizuoka và Bệnh viện K.  

Polyp đại trực tràng và nguy cơ ung thư đường tiêu hóa

Polyp là khối u lồi vào trong lòng đại trực tràng, được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc đại trực tràng và bề mặt polyp có lớp niêm mạc bao phủ.

Polyp đại trực tràng là một trong những bệnh lý khá phổ biển của đường tiêu hóa. Polyp đại trực tràng được xếp loại là những tổn thương tiền ung thư. Do đó những bệnh nhân khi có polyp đại trực tràng cần phải phẫu thuật cắt bỏ polyp là một bước quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh lý ung thư đại trực tràng.

Phương pháp “truyền thống” phát hiện và xử lý polyp

Hiện nay các bác sĩ phát hiện tổn thương polyp chẩn đoán chủ yếu dựa vào hình ảnh đại thể dưới ánh sáng thông thường. Khi phát hiện polyp, các bác sĩ tiến hành cắt polyp bằng các phương pháp thông thường(polypectomy), dẫn đến khó đánh giá về diện cắt sau mổ, tỷ lệ tái phát cao, đặc biệt với những trường hợp polyp ung thư hoá do không đánh giá được diện cắt, mức độ xâm lấn dẫn đến bệnh nhân bắt buộc phải trải qua phẫu thuật như với những ung thư đại trực tràng giai đoạn xâm lấn.

Tiến bộ mới trong nội soi ống mềm kết hợp ánh sáng nhuộm màu, phóng đại

Để hạn chế và khắc phục được những thiếu xót của phương pháp truyền thống đó, nội soi ống mềm kết hợp sử dụng ánh sáng nhuộm màu và phóng đại đánh giá cấu trúc bề mặt và vi mạch máu là bước tiến quan trọng trong vấn đề chẩn đoán từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Sáng 12/7, chuyên gia Nhật Bản và các bác sĩ Khoa Nội soi thăm dò chức năng bệnh viện K đã ứng dụng phương pháp đó để xử lý đa polyp cho nam bệnh nhân Dương Tú A. (49 tuổi, Hà Nội). Với nội soi thông thường trước đây thường chỉ tiến hành ghi lại khoảng 10 hình ảnh nhưng với phương pháp nội soi này bác sĩ chụp khoảng 50 hình sau khi bơm rửa sạch bề nhằm quan sát được toàn bộ khung đại tràng, thời gian rút máy( sau khi đưa máy soi tới hồi tràng, rút máy kiểm tra) tối thiểu 6 phút để đảm bảo không bỏ sót tổn thương.

Đặc biệt, khi bác sĩ phát hiện những tổn thương sẽ tiến hành đánh giá kĩ bằng ánh sáng trắng, ánh sáng nhuộm màu và chất nhuộm chuyên dụng trong nội soi để đánh giá cấu trúc bề mặt. Nếu là ung thư giai đoạn sớm sẽ tiến hành những thủ thuật can thiệp tối thiểu qua nội soi ống mềm như cắt niêm mạc EMR hay cắt tách dưới niêm mạc ESD ngay lập tức để xử lý tại chỗ. Phương pháp này thực hiện tỉ mỉ, can thiệp tối thiểu nâng cao chất lượng cuộc sống và thời gian sống cho người bệnh.

Thời gian tới bệnh viện K sẽ triển khai phương pháp nội soi mới này để chẩn đoán, xử lý polyp, phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Bệnh viện K không ngừng đẩy mạnh hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là Nhật Bản về việc hỗ trợ, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm , đào tạo, chuyển giao công nghệ điều trị ung thư nói chung, ung thư đại trực tràng nói riêng góp phần phát triển y tế Việt Nam trong tương lai.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện K

Đọc toàn bộ bài viết