Xơ gan là một bệnh lý mà mô sẹo thay thế cho các mô bình thường của nhu mô gan. Xơ gan do nhiều nguyên nhân và thường tiến triển kéo dài nhiều năm. Xơ gan thường không gây nên những biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm. Tổn thương do xơ gan rất khó hồi phục song việc điều trị đúng và kịp thời có thể làm dừng hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
1. Cơ chế sinh bệnh xơ gan
Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể người có nhiều chức năng đặc biệt quan trọng như: chuyển hóa hóa sinh, tiêu hoá, khử độc và loại bỏ các sản phẩm chuyển hóa ra khỏi cơ thể. Gan tham gia nhiều hoạt động chức năng như bài tiết, tổng hợp và chuyển hóa. Gan là cơ quan duy nhất, có một đặc điểm hết sức quan trọng là khả năng tái tạo, phục hồi. Gan có khả năng tái tạo các tế bào đã bị phá hủy bởi các tổn thương cấp tính hoặc trong một bệnh lý nào đó. Tổn thương mạn tính hoặc tổn thương kéo dài, lặp lại nhiều lần có thể tạo ra những tổn thương gan không hồi phục.
Các hoạt động chuyển hóa của gan xảy ra ở các tế bào nhu mô (Parenchymal- Tế bào nhu mô chiếm 80% thể tích gan). Gan cũng gồm các tế bào Kupffer đóng vai trò như đại thực bào có khả năng tiêu hủy vi khuẩn, các mảnh vỡ tế bào, độc tố và một số chất khác.
Gan là cơ quan rất giàu hệ thống mạch máu: động mạch gan mang máu giàu oxy từ tim và cung cấp 25% nguồn máu cho gan; tĩnh mạch cửa mang máu giàu chất dinh dưỡng từ hệ thống tiêu hóa, cung cấp 75% lượng máu cho gan. Lượng máu qua gan uớc khoảng 1500 mL/phút.
Hệ thống bài tiết của gan bắt đầu từ các mao quản mật, bắt nguồn từ khoảng gian bào giữa các tế bào gan để từ đó hình thành nên đường mật trong gan, hình thành ống gan phải và ống gan trái. Hai ống gan hợp lại thành ống gan chung và đổ vào túi mật, nơi tập trung các sản phẩm bài tiết của gan trước khi đổ vào tá tràng.
Do đảm nhận nhiều chức phận chuyển hóa, là cửa ngõ của các chất vào cơ thể qua bộ máy tiêu hóa, nên gan là một cơ quan dễ bị bệnh. Tỷ lệ bệnh lý gan-mật thường cao hơn bệnh lý của các cơ quan khác và các xét nghiệm Hóa sinh đóng vai trò rất quan trọng giúp cho việc chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh lý của hệ thống này.
Xơ gan là một bệnh lý mà mô sẹo thay thế cho các mô bình thường của nhu mô gan. Do mô sẹo thay thế mô bình thường nên nó ngăn cản mạch máu đến gan làm cho các hoạt động của gan bị rối loạn. Xơ gan thường không gây nên những biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm. Tổn thương do xơ gan rất khó hồi phục xong việc điều trị đúng có thể làm dừng hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây xơ gan và tùy thuộc vào từng cá thể người bệnh.
2. Nguyên nhân gây xơ gan
Có nhiều nguyên nhân gây xơ gan, các nguyên nhân đã được biết bao gồm:
- Do uống nhiều rượu (đồ uống có cồn),
- Do nhiễm trùng: đứng hàng đầu trong nhóm này là nhiễm virus viêm gan B, C và hay phối hợp với virus viêm gan D. Các nhiễm khuẩn khác ít gặp là nhiễm Brucellose, Echinococcus, Schistosomiasis, Toxoplasmosis.
- Xơ gan do bệnh lý di truyền hiếm gặp: Bệnh thiết huyết tố di truyền (Xét nghiệm có sắt huyết thanh tăng, ferritine và transferritine máu tăng), bệnh Wilson, xơ gan đồng (đồng huyết thanh tăng), thiếu antitrypsin, porphyrin niệu, tăng galactose máu, bệnh Gaucher, fructose niệu.
- Xơ gan do rối loạn miễn dịch: xơ gan mật nguyên phát, viêm gan tự miễn.
- Xơ gan cơ học (Xơ gan mật thứ phát - hậu quả của tắc nghẽn đường mật chính mạn tính do hẹp cơ oddi, do sỏi); tắt mạch máu như tắt tĩnh mạch trên gan trong hội chứng Budd-chiari, suy tim phải lâu ngày, viêm màng ngoài tim co thắt.
- Xơ gan do sử dụng các thuốc Méthotrexate, maleate de perhexilene, methyl dopa, thuốc ngừa thai, oxyphenisatin, izoniazide,
- Các nguyên nhân khác đã được đề cập đến, nhưng chưa được chứng minh gồm bệnh viêm ruột mạn tính, đái đường, sarcoidosis.
Một số trường hợp xơ gan vẫn chưa biết nguyên nhân.
3. Các giai đoạn của xơ gan
- Giai đoạn 1: Các tế bào gan bị viêm, gan tự khắc phục bằng hình thành sẹo (sự xơ hóa). Giai đoạn này thường không có dấu hiệu lâm sàng do sự xơ hóa chưa nhiều, có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi. Ở giai đoạn này, nếu được điều trị đúng cách gan vẫn có thể hồi phục và trở lại như bình thường.
- Giai đoạn 2: Các mô xơ hóa xuất hiện nhiều hơn. Đã có biểu hiện của tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Ở giai đoạn này, loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh có thể làm tăng cơ hội khỏi bệnh.
- Giai đoạn 3: Các mô xơ hóa rất nhiều. Xuất hiện hiện tượng cổ trướng (có dịch tự do trong ổ bụng), tuần hoàn bàng hệ, đồng thời có nhiều biểu hiện đáng chú ý như: ăn không ngon, sụt cân, mệt mỏi, vàng mắt vàng da, thiếu máu, phù (phù chân, mắt cá chân), ngứa, đường huyết tăng giảm thất thường. Giai đoạn này gan không thể trở lại bình thường, ghép gan thường được đề xuất để chữa khỏi bệnh.
- Giai đoạn 4: Xơ hóa hoàn toàn các mô gan. Các biểu hiện đã có từ giai đoạn 3 ngày càng nặng, xuất hiện các dấu hiệu khác như buồn ngủ, bàn tay son, sốt, viêm phúc mạc, suy thận, xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan, ...Đây là giai đoạn cuối cùng, giai đoạn này, ghép gan vẫn được đề xuất để chữa bệnh.