Hormone thay đổi, tăng cân, tư thế sai lệch,… là những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau lưng khi mang thai tháng thứ 4. Tình trạng này hầu như không gây nguy hiểm và có thể cải thiện bằng những biện pháp đơn giản.
Quốc dược Phục cốt khang là bài thuốc sở hữu nhiều ưu điểm ĐẦU TIÊN và DUY NHẤT về công thức, thành phần trong điều trị bệnh xương khớp tại Việt Nam. [Tìm hiểu ngay]
Đau lưng khi mang thai tháng thứ 4 có đáng lo ngại?
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ phải đối mặt với tình trạng ốm nghén. Bước qua tháng thứ 4, các triệu chứng như buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi sẽ thuyên giảm dần. Hơn nữa vào giai đoạn này, mẹ bầu có thể ít phải lo lắng về nguy cơ sảy thai.
Tháng thứ 4 được xem là giai đoạn nhẹ nhàng nhất cho thai phụ. Tuy nhiên ở một số người, cơn đau lưng lại có xu hướng xuất hiện vào thời điểm này.
Mẹ bầu bị đau lưng khi mang thai tháng thứ 4 có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
Hormone thay đổi
Thay đổi hormone là hiện tượng phổ biến trong thời gian mang thai. Các triệu chứng do thay đổi hormone thường xuất hiện từ tuần thứ 13 trở đi. Lúc này mẹ bầu sẽ nhận thấy các biểu hiện do nội tiết tố thay đổi như da sạm, nám, tàn nhang,…
Tuy nhiên ở một số trường hợp, hormone mất cân bằng có thể dẫn đến triệu chứng đau lưng.
Ngoài sự tăng đột biến của estrogen và progesterone, trong giai đoạn này cơ thể có thể sản sinh hormone relaxin để nới rộng xương chậu. Hormone này vô tình khiến dây chằng ở đốt sống bị nới lỏng và gây ra các cơn đau lưng.
Tăng cân
Bắt đầu từ tuần thứ 13, thai nhi sẽ phát triển đầy đủ các cơ quan và tăng trưởng nhanh chóng. Điều này khiến tử cung giãn rộng và gây áp lực lên xương chậu, đốt sống thắt lưng.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của thai nhi khiến mẹ bầu tăng cân đột ngột và làm phát sinh cơn đau nhức lưng.
Sai tư thế
Như đã đề cập, ở tuần thứ 13 trở đi thai nhi bắt đầu phát triển mạnh. Điều này có thể khiến bụng của thai phụ lớn lên trông thấy.
Bụng bầu gây cản trở khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt thông thường và dễ dẫn đến tình trạng sai tư thế. Tư thế sai lệch là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau lưng khi mang thai tháng thứ 4.
Do các bệnh lý khác
Nếu trước khi mang thai, bạn đã có tiền sử đau thần kinh tọa, viêm khớp háng hay thoát vị đĩa đệm thắt lưng, cơn đau sẽ có xu hướng tái phát trong thời gian này.
Phần lớn các cơn đau lưng ở tháng thứ 4 thai kỳ đều không đáng lo ngại. Triệu chứng này sẽ dần thuyên giảm sau khi bạn sinh em bé và ổn định nội tiết tố trong cơ thể.
Cải thiện triệu chứng đau lưng khi mang thai tháng thứ 4
Mang thai là thời điểm khá nhạy cảm, do đó chúng tôi không khuyến khích bạn sử dụng thuốc để làm giảm cơn đau nhức lưng.
Dưới đây là những biện pháp giảm đau an toàn mà bạn có thể áp dụng.
1. Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường cơ bắp và độ linh hoạt của xương khớp. Ngoài ra, tác động từ các bài tập còn giúp đốt sống giảm căng thẳng và áp lực.
Thói quen tập luyện trong thời gian mang thai không chỉ cải thiện cơn đau lưng mà còn làm giảm các triệu chứng như đau đầu gối, mỏi vai, đau khớp háng,… Bên cạnh đó, thói quen này còn làm giãn xương chậu và giúp bạn dễ dàng hơn khi sinh nở.
Tuy nhiên, trong thời gian mang thai bạn cần lựa chọn những bộ môn luyện tập thích hợp. Các chuyên gia khuyến khích phụ nữ mang thai nên tập yoga, đi bộ để cải thiện cơn đau xương khớp và tăng cường sức khỏe.
Nếu bạn bị đau nhức khi thực hiện những bộ môn này, bạn có thể bơi lội để giảm áp lực lên khớp xương.
2. Chườm nóng và chườm lạnh
Chườm nóng và chườm lạnh là các biện pháp giảm đau an toàn. Nhiệt độ nóng/ lạnh có thể cải thiện cơn đau, giảm sưng và kích thích tuần hoàn máu.
Sử dụng nước ấm hoặc đá bỏ vào túi chườm. Đặt lên vùng lưng bị đau nhức trong vòng 10 – 15 phút. Thực hiện vài lần một ngày để làm giảm cơn đau. Bạn cũng có thể áp dụng cách này đối với những cơn đau ở các vị trí khác.
Ngoài ra, bạn có thể ngâm mình trong bồn nước ấm. Nhiệt độ từ bồn tắm sẽ làm thư giãn xương khớp, giảm áp lực lên đốt sống và dây chằng ở thắt lưng. Từ đó giúp bạn kiểm soát cơn đau ở lưng, hông và đầu gối.
3. Thay đổi tư thế
Tư thế sai lệch chính là nguyên nhân khiến cơn đau lưng phát sinh. Vì vậy bạn cần cải thiện những tư thế này để giảm thiểu tần suất cơn đau xuất hiện.
Khi ngủ, bạn nên nằm nghiêng và sử dụng một chiếc gối nhỏ để kê phần bụng. Điều này sẽ làm giảm áp lực từ bụng bầu lên khớp háng và đốt sống.
Ngoài ra, khi ngồi bạn có thể sử dụng gối để kê ở phần lưng dưới. Với những cách đơn giản này, bạn sẽ nhận thấy cơn đau ít xuất hiện hơn trước.
Khi bước qua tháng thứ 5, bụng bầu có thể phát triển nhanh và lớn hơn trước rất nhiều. Lúc này, cơn đau lưng có thể trầm trọng hơn. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên sử dụng đai nâng bụng bầu để làm giảm áp lực từ tử cung lên hệ thống xương khớp.
4. Massage
Massage không chỉ là biện pháp thư giãn mà còn có tác dụng giảm đau xương khớp. Bạn có thể nhờ người thân massage nhẹ nhàng vào vị trí đau để kích thích tuần hoàn máu và thư giãn các đốt sống.
Nếu cơn đau không thuyên giảm, bạn có thể đăng ký liệu trình massage ở các trung tâm. Bạn nên chủ động thông báo với nhân viên massage về tình trạng đau lưng để được thực hiện liệu trình massage trị liệu.
Phương pháp này vừa làm giảm cơn đau an toàn vừa đem lại cảm giác thư thái cho phụ nữ mang thai. Nếu bạn thường xuyên căng thẳng, massage là lựa chọn mà bạn nên cân nhắc.
5. Thay đổi một số thói quen
Một số thói quen thông thường có thể khiến cơn đau lưng khi mang thai trở nên nghiêm trọng hơn, ví dụ như mang giày cao gót, đi lại nhiều, làm việc quá sức,… Khác với người bình thường, cơ thể của phụ nữ mang thai rất nhạy cảm. Do đó bạn không nên duy trì những thói quen như trước.
Đi giày cao gót làm tăng áp lực của phần trên cơ thể lên đốt sống cùng, xương chậu, khớp háng và đầu gối. Do đó thói quen này có thể khiến cơn đau lưng trở nên trầm trọng hơn.
Làm việc quá sức cũng có thể là nguyên nhân khiến xương khớp bị đau nhức. Trong thời gian mang thai, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và chỉ nên làm việc 8 giờ/ ngày.
Mặc dù đi bộ đem lại nhiều lợi ích cho xương khớp nhưng đi lại quá nhiều có thể khiến khớp đau nhức và sưng viêm. Vì vậy, bạn chỉ nên đi bộ trong vòng 10 – 15 phút mỗi ngày.
Triệu chứng đau lưng khi mang thai ở tháng thứ 4 không gây nguy hiểm cho mẹ bầu và có thể cải thiện bằng những biện pháp đơn giản. Tuy nhiên nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được kê toa các loại thuốc giảm đau an toàn với thai phụ.