Trong những năm qua, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu đã tăng lên đáng kể. Bệnh nhân bị đái tháo đường có nguy cơ cao mắc bệnh mạch máu lớn nếu đường huyết không được kiểm soát tốt.
1. Biến chứng mạch máu của bệnh tiểu đường
Đái tháo đường là 1 nhóm bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do sự rối loạn chuyển hóa glucid mạn tính. Bệnh tiến triển theo thời gian dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, não, thận, thần kinh và tim mạch.
Tăng đường huyết ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp trên hệ mạch máu cơ thể là nguồn gốc chính của tình trạng bệnh tật và tỷ lệ tử vong ở cả bệnh nhân đái tháo đường typ 1 và typ 2. Biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường chia ra thành 2 loại: biến chứng mạch máu lớn (bệnh động mạch vành, bệnh lý động mạch ngoại vi và đột quỵ), và biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh cầu thận, bệnh lý thần kinh, bệnh lý võng mạc do đái tháo đường).
2. Biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường
Biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường tiến triển sớm và thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, nguyên nhân chính là xơ vữa động mạch. Mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường và xơ vữa động mạch chưa được hoàn toàn hiểu rõ. Đường huyết cao làm gia tăng tính kết dính ở thành mạch máu, các tiểu cầu dễ tích tụ lại ở vùng mạch máu đã bị tổn thương, các sợi fibrin cũng tồn tại lâu hơn ở bệnh đái tháo đường, do đó bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch cao hơn người bình thường.
Biểu hiện lâm sàng của xơ vữa động mạch xảy ra ở 3 hệ mạch: động mạch vành, mạch chi và động mạch cảnh ngoài sọ. Tiểu đường làm gia tăng tỷ lệ mắc và làm tăng nhanh quá trình diễn biến lâm sàng của mỗi nhóm.
Bệnh mạch máu lớn do đái tháo đường gồm: bệnh mạch vành, tai biến mạch não, bệnh mạch máu ngoại vi.
- Bệnh mạch vành: bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng gấp 2 - 4 lần, bệnh mạch vành gây bệnh tật nghiêm trọng và tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường. Điều quan trọng đó là biểu hiện lâm sàng bệnh mạch vành ở các bệnh nhân tiểu đường rất nghèo nàn. Do đó bệnh nhân đái tháo đường cần phải thường xuyên đi kiểm tra tim mạch định kỳ mới có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim. Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng như cơn đau thắt ngực (cơn đau thắt sau xương ức, đau có cảm giác như bóp nghẹt tim, lan lên vai trái, cằm hoặc cánh tay trái); hoặc cảm giác tức nặng ngực trái, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở...
- Bệnh lý mạch máu não: Chủ yếu là gặp tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Biểu hiện lâm sàng bằng đột ngột bại hoặc liệt một nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Các biểu hiện lâm sàng cũng có thể thoáng qua rồi mất, sau đó có thể tái phát hoặc diễn biến nặng, cũng có thể bị nặng ngay từ đầu để lại di chứng tàn phế hoặc gây tử vong.
- Bệnh lý mạch máu ngoại vi: bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bệnh lý mạch máu ngoại vi tăng gấp 2 - 4 lần. Biểu hiện sớm của tổn thương mạch máu ngoại vi là dấu hiệu “đi cà nhắc cách hồi”, nghĩa là người bệnh thấy đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ; sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu hết đi, bệnh nhân lại có thể tiếp tục đi được cho đến khi lại xuất hiện lại các triệu chứng đau. Lúc đầu, quãng đường đi bộ còn dài, sau đó người bệnh sẽ thấy quãng đường này bị rút ngắn dần. Ngoài ra còn gặp các dấu hiệu khác như chuột rút, loét hay hoại tử đầu chi; sờ mạch có thể thấy mạch mu chân mất hoặc yếu; mất mạch khoeo, huyết áp chi dưới thấp...
3. Điều trị biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường
- Điều trị đái tháo đường có thể làm giảm tác dụng có hại của tăng đường huyết đối với các mô của cơ thể. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường máu theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ,
- Điều trị toàn diện, không chỉ điều trị các bệnh mạch máu lớn như bệnh mạch vành hay bệnh mạch máu não mà phải kết hợp với điều trị các yếu tố nguy cơ mắc kèm, đặc biệt là tăng huyết áp, hút thuốc lá và rối loạn lipid máu.
- Nếu phát hiện các bất thường về sức khỏe cần đi khám để xử trí sớm và triệt để.
Tại bệnh viện luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.