Bộ Công an đang xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (gọi tắt là Thông tư số 67).
Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 67, lực lượng công an phải công khai 6 nhóm nội dung khi thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Một trong số trên là "kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện".
Lợi dụng quyền giám sát để quay phim, chụp ảnh CSGT rồi đăng lên mạng xã hội
Bộ Công an cho rằng, qua hơn 4 năm thực hiện, Thông tư số 67 không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập.
Việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội.
Điều này dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT.
Cạnh đó, một số đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng CSGT làm công tác tuần tra, kiểm soát trên đường.
Bộ Công an cũng thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được giao.
Do vậy, khi làm việc trực tiếp với người dân, những cán bộ, chiến sĩ này chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, dẫn đến quá trình xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của người dân.
Không phù hợp với nhiều văn bản
Vẫn theo Bộ Công an, quy định về nội dung công khai tại Thông tư số 67 hiện không còn phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Trong đó, Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT đã bãi bỏ nội dung thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Thông tư số 36/2023 của Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát đường thủy cũng nêu rõ "nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy được quản lý theo chế độ tài liệu mật".
Chưa kể, Nghị quyết số 55 ngày 30.8.1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, là một trong những cơ sở ban hành Thông tư số 67 đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Người dân được ghi hình, ghi âm CSGT nhưng không được kiểm tra chuyên đề
Đề xuất bãi bỏ việc công khai "chuyên đề"
Từ những căn cứ trên, Bộ Công an đề xuất sửa đổi Thông tư số 67 theo hướng lực lượng công an sẽ chỉ công khai "kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, gồm các nội dung cụ thể sau: tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện".
So với quy định hiện hành, nội dung công khai về "kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên" đã được bãi bỏ.
Bộ Công an khẳng định, việc thay đổi như trên là rất cần thiết; bảo đảm hợp pháp và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đồng thời bảo đảm tính khả thi, ổn định và sát với thực tiễn công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ cơ sở.