Bộ Công an đề xuất CSGT được mặc thường phục xử lý vi phạm đường sắt

1 thập kỷ trước 37

Bộ Công an đang xây dựng thông tư mới nhằm thay thế cho Thông tư số 32/2018 quy định về trình tự, nội dung kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt của CSGT.

Bộ Công an đề xuất CSGT được mặc thường phục xử lý vi phạm đường sắt- Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với nhân viên đường sắt tại Ga Hà Nội

NGUYỄN TUÂN

5 quyền hạn của CSGT đường sắt

Theo dự thảo của Bộ Công an, lực lượng CSGT đường sắt có 5 quyền hạn:

Thứ nhất, kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện giao thông có liên quan đến hoạt động giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

Thứ ba, được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, sự cố giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Trong trường hợp cấp bách, được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó.

Thứ tư, được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc.

Thứ năm, thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Mặc thường phục để phát hiện vi phạm

Dự thảo của Bộ Công an cũng nêu rõ, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, cán bộ CSGT sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Trường hợp kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận cán bộ mặc trang phục cảnh sát để tiến hành kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục CSGT, trưởng phòng CSGT, trưởng công an cấp huyện trở lên quyết định việc mặc trang phục cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát.

Bộ Công an đề xuất CSGT được mặc thường phục xử lý vi phạm đường sắt- Ảnh 2.

Dự thảo của Bộ Công an đề xuất CSGT được bố trí một bộ phận mặc thường phục để phát hiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt

NGUYỄN TUÂN

Ứng xử đúng mực với người vi phạm

Dự thảo của Bộ Công an cũng quy định về trình tự tiến hành kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT đường sắt.

Theo đó, cán bộ CSGT thực hiện chào theo điều lệnh công an nhân dân; trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã.

Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.

Cán bộ CSGT có trách nhiệm thông báo cho người bị kiểm tra, kiểm soát biết lý do kiểm tra, kiểm soát; đề nghị họ xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong tài khoản định danh điện tử theo quy định để kiểm soát.

Khi người điều khiển phương tiện giao thông, người bị kiểm tra xuất trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó.

Trường hợp các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.

Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông, người bị kiểm tra cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử.

Quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì đề nghị xuất trình các giấy tờ đó để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

Đọc toàn bộ bài viết