Bướu giáp đa nhân và bướu giáp đơn độc - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 33

Bướu giáp đa nhân

Nguyên nhân: Do tăng sản (hyperplasia) của các nang giáp (thyroid follicules) thường xảy ra ở người lớn tuổi và phụ nữ, không liên quan đến thiếu hụt iode.

Lâm sàng và xử trí:

  • Hầu hết không có triệu chứng và không cần điều trị
  • Một số ít phát triển thành cường giáp (toxic multinodular goiter)
  • Một vài trường hợp gây chèn ép cần điều trị
  • Nguy cơ ung thư ở bướu giáp đa nhân tương tự như người có bướu giáp bình thường

Chọc hút tế bào với kim nhỏ (FNAC: Fine needle aspiration cytology):

  • Khi hiện diện 2 hoặc nhiều nhân có kích thước trên 1cm, nên ưu tiên chọc hút nhân có dấu hiệu gợi ý ung thư trên siêu âm (Giảm âm so với mô giáp bình thường – vi vôi hóa trong nhân – bờ không đều – tăng sinh mạch máu trong nhân – không dấu halo – nhân có chiều cao lớn hơn chiều rộng trên thiết diện cắt ngang)
  • Nếu không nhân nào có dấu hiệu gợi ý ung thư trên siêu âm, khả năng ung thư thấp, và nên chọn nhân có kích thước lớn nhất làm sinh thiết

Điều trị tùy thuộc vào kết quả tế bào học của sinh thiết

Bướu giáp đa nhân lành tính:

  • Chọn lựa phẩu thuật bán phần tuyến giáp khi bệnh nhân có triệu chứng chèn ép.
  • Ở bệnh nhân từ chối phẩu thuật hoặc thể trạng kém, điều trị bằng iode phóng xạ liều cao có thể cải thiện kích thước và triệu chứng ở hầu hết các trường hợp.
  • Điều trị với Thyroxin có tác dụng rất ít trên kích thước tuyến giáp, vì vậy không nên dùng.

Bướu giáp đa nhân có kết quả ác tính: phẩu thuật

Bướu giáp đơn độc

  • Bướu giáp đơn độc được phát hiện qua thăm khám lâm sàng 5% ở phụ nữ và 1% ở nam giới
  • Thường là tăng sản lành tính (benign nodular hyperplasia) hoặc u tuyến tuyến giáp (thoroid adenoma)
  • 5% bướu giáp đơn độc là ung thư giáp vì vậy cần phải thiết lập chẩn đoán để loại trừ

Lâm sàng:

  • Những biểu hiện lâm sàng gợi ý ung thư giáp: Tuổi dưới 20 – có hạch cổ - nhân giáp chắc cứng, cố định – nhân lớn nhanh – khan tiếng – có tiền căn xạ vùng đầu cổ - tiền căn gia đình có ung thư giáp dạng tủy hoặc đa u tuyến nội tiết tiết típ 2A hoặc 2B. 
  • Một số bướu giáp đơn độc đưa đến cường giáp, một số khác đột ngột căng đau do xuất huyết thường lành tính, không cần làm FNAC

Cận lâm sàng

  • TSH giảm: BN có biểu hiện cường giáp, thường là bướu giáp lành tính. Tuy nhiên cần làm xạ hình tuyến giáp, nếu bướu giáp đơn độc tăng hoạt (hyperfunctioning) giúp khẳng định chẩn đoán trên. Nếu nhân đơn độc giảm hoạt (hypofunctioning) ở bệnh nhân cường giáp Basedow, cần làm FNAC
  • Calcitonin huyết thanh: chỉ định khi BN có tiền sử gia đình ung thư giáp dạng tủy hoặc đa u tuyến nội tiết típ 2A hoặc 2B

FNAC quan trọng trong việc chẩn đoán. Kết quả FNAC chia làm 4 loại:

  • Kết quả tế bào lành tính cần được theo dõi định kỳ bằng khám lâm sàng, bởi vì khả năng âm tính giả thấp. Làm lại FNAC nên được xem xét khi thấy bướu lớn nhanh. Levothyroxin không có hoặc có hiệu quả rất thấp trên kích thước bướu, nên không được chỉ định
  • Nếu mẫu thử không đạt, cần sinh thiết lại
  • Kết quả tế bào ung thư giáp nên được phẩu thuật cắt tuyến giáp toàn phần và theo dõi điều trị tiếp với phác đồ ung thư giáp
  • Kết quả tế bào không xác định thường có 20% là ung thư giáp, vì vầy, với kết quả này cần điều trị phẩu thuật. Thường cắt bỏ thùy có nhân giáp. Nhân giáp được làm giải phẩu bệnh, nếu kết quả là ung thư, BN cần được phẩu thuật tuyến giáp toàn phần.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết