Con người dễ gặp phải các chấn thương ở vai khi thực hiện các hoạt động liên quan đến sự chuyển động quá mức và lặp đi lặp lại nhiều lần như chơi bóng, sơn tường, làm vườn hay treo màn cửa...
1. Dấu hiệu các chấn thương ở vai
Các chấn thương ở vai thường rất dễ để nhận biết, bởi nó gây ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Một số dấu hiệu giúp dễ nhận biết các chấn thương ở vai có thể là:
- Khớp vai trở nên cứng hơn bình thường
- Người bệnh không thể quay cánh tay của mình ra mọi vị trí mà bản thân mong muốn.
- Có cảm giác cánh tay có thể trật khỏi ổ khớp vai.
- Có cảm giác cánh tay không còn chút sức lực nào để thực hiện các hoạt động bình thường.
2. Một số chấn thương thường gặp phải ở vai
Đa số các vấn đề xảy ra ở vai đều liên quan đến dây chằng, các cơ và gân chứ không nhất thiết là xương. Không chỉ đối với các vận động viên luôn phải đối mặt với các vấn đề xảy ra ở vai mà ngay cả đối với người bình thường có hoạt động thể lực liên tục, lặp đi lặp lại nhiều lần cũng có nguy cơ đối mặt với các chấn thương bả vai.
Một số các chấn thương ở vai dễ dàng gặp phải bao gồm:
- Mất vững:
Là tình trạng chỏm xương cánh tay di chuyển hoặc bị đẩy ra khỏi ổ chảo khớp vai khiến người bệnh đau đớn khi cố gắng nâng cao cánh tay, đây có thể là kết quả của trật khớp vai nhiều lần. Người bị mất vững khớp vai thường cảm thấy vai rất lỏng lẻo.
- Hội chứng bắt chẹn
Hội chứng bắt chẹn xảy ra trong các hoạt động nâng cao cánh tay, do cơ chóp xoay cọ xát với bờ dưới mỏm cùng vai. Trường hợp chấn thương bả vai này cần phải được điều trị sớm bởi tình trạng viêm có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn như viêm dính khớp vai, đứt gân.
- Tổn thương gân cơ chóp xoay
Chóp xoay là một trong những bộ phận rất quan trọng của vai, nó bao gồm một nhóm gân cơ nối giữa xương cánh tay và xương bả vai và có vai trò giúp cho việc nâng cánh tay lên đầu dễ dàng hơn. Khi gân cơ chóp xoay bị tổn thương sẽ khiến chấn thương cơ xoay vai và các chức năng khớp vai sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn để tiếp tục tham gia các hoạt động bình thường.
3. Chấn thương ở vai có nguy hiểm không?
Mặc dù rất phổ biến nhưng các chấn thương ở vai thường dễ bị nhầm lẫn với các cơn đau căng cơ do hoạt động sai tư thế. Chính vì vậy mà người bệnh thường chủ quan và có khuynh hướng bỏ qua cơn đau này.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của y học hiện đại thì các phương pháp điều trị chấn thương khớp vai giúp mang lại hiệu quả tuyệt đối, ít xâm lấn với đường mổ nhỏ như khâu sụn viền, nội soi khâu gân cơ chóp xoay, tái tạo dây chằng...
Tùy thuộc vào các chấn thương ở vai mà bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị tương ứng như dùng thuốc, tiêm thuốc vào khoang khớp kết hợp tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng hoặc phẫu thuật trong trường hợp nặng.
Các chấn thương ở vai mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu phát hiện muộn sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn do gân cơ bị thoái biến. Đặc biệt các trường hợp chấn thương cơ xoay vai nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến cho gân cơ bị tụt vào trong và thoái hóa mỡ, lúc này người bệnh sẽ phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn để thay khớp vai.
Đau là triệu chứng sớm khi bị các chấn thương ở vai, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám sức khỏe sớm nếu như cơn đau âm ỉ kéo dài. Thời gian thăm khám càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao và giúp ngăn ngừa các chấn thương nghiêm trọng hơn.