Giai đoạn 1
Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, lúc này ung thư vẫn chỉ giới hạn trong đại tràng. Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ có ở niêm mạc, phát triển trong các lớp của đại tràng.
Giai đoạn 2
Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan ra ngoài đại tràng và di căn tới các khu vực khác trong đại tràng. Giai đoạn này được phân loại thành giai đoạn nhỏ 2A, 2B và 2C, dựa trên việc tế bào ung thư lây lan ra bao xa.
Giai đoạn IIa:
Ung thư đã phát triển xuyên qua lớp cơ vào lớp thanh mạc của đại tràng; các tế bào thường nằm ở lớp ngoài cùng của đại tràng nhưng không lan sang các mô lân cận hoặc đến các hạch bạch huyết lân cận.
Giai đoạn IIb:
Ung thư đã phát triển đến lớp phúc mạc và không lây lan đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc ở nơi khác; tế bào ung thư vượt qua lớp ngoài cùng của đại tràng tới niêm mạc bao quanh cơ quan ổ bụng.
Giai đoạn IIc:
Khối u đã lan rộng xuyên qua các lớp của đại tràng và phát triển trực tiếp hoặc dính trực tiếp vào các cấu trúc lân cận nhưng không lây lan đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc ở nơi khác.
Giai đoạn 3
Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan đến các hạch bạch huyết lân cận. Giai đoạn này được chia thành 3A, 3B và 3C dựa trên số lượng hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bởi ung thư.
Giai đoạn IIIa là giai đoạn hạch bạch huyết gần với đại tràng bị ảnh hưởng. Ung thư đã phát triển đến lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ của thành ruột và lan rộng sang 1-3 hạch bạch huyết vùng hoặc đã lan đến các mô gần hạch bạch huyết.
Nếu có 2-3 hạch bạch huyết bị ảnh hưởng là giai đoạn IIIb và nếu có trên 4 hoặc các hạch bạch huyết ở xa bị ảnh hưởng thì được xếp vào giai đoạn IIIc.
Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn cuối cùng của ung thư đại tràng khi các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.
Giai đoạn IVa:
Ung thư đã phát triển qua tất cả các lớp của thành ruột và xâm lấn sang các hạch bạch huyết vùng; đồng thời di căn đến một phần xa của cơ thể, chẳng hạn như gan hoặc phổi.
Giai đoạn IVb:
Ung thư đã di căn ra hơn một phần xa của cơ thể
Phương pháp điều trị được quyết định dựa trên giai đoạn của ung thư đại tràng. Thông thường ung thư từ giai đoạn 1-3 có thể được điều trị bằng phẫu thuật, khi đó khối u được phẫu thuật cắt bỏ (bao gồm các mô và tế bào ở gần phụ thuộc vào giai đoạn ung thư). Tuy nhiên, nếu ung thư tiến triển sang giai đoạn 3 (3B hoặc 3C) thì bạn có thể cần hóa trị kèm theo phẫu thuật để ngăn ngừa các tế bào ung thư tấn công các cơ quan khác của cơ thể. Giai đoạn 4 của ung thư đại tràng, hóa trị hoặc liệu pháp đích là phương pháp hiệu quả để điều trị ung thư.
Phẫu thuật
Phẫu thuật dự phòng bệnh: cùng với việc phòng tránh các yếu tố gây ung thư, phẫu thuật cắt bỏ những thương tổn tiền ung thư sẽ góp phần tích cực làm hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh.
Phẫu thuật điều trị ung thư:
Có hai loại chỉ định chính là điều trị phẫu thuật triệt căn và tạm thời. Việc áp dụng chỉ định nào hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân ung thư khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn III và IV) do đó hạn chế nhiều đến kết quả điều trị.
Vì vậy, trước khi mổ, phẫu thuật viên phải có chẩn đoán chính xác về giai đoạn bệnh cũng như phải hiểu rõ quá trình tiến triển tự nhiên của loại ung thư mà mình đang điều trị, từ đó mới có thái độ xử lý đúng.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư mà trong đó sử dụng bức xạ ion hoá năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể chữa khỏi bệnh, kéo dài, điều trị triệu chứng bệnh ung thư.
Hóa trị
Hóa trị hay hóa trị liệu là phương pháp sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính trong cơ thể người bệnh ung thư. Bên cạnh các phương pháp điều trị tại chỗ, tại vùng như phẫu thuật và xạ trị, điều trị hệ thống trong đó có hóa trị liệu đã trở thành vũ khí quan trọng. Hóa trị liệu ngày càng phát triển và có hiệu quả nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc tìm kiếm, phát minh những thuốc mới với những cơ chế mới có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư mạnh mẽ hơn trong khi độc tính với cơ thể được giảm thiểu.
Các phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng:
Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT): do các mạch máu của polyp hoặc khối u đại trực tràng thường dễ bị tổn thương khi phân đi qua, do đó nó thường gây chảy máu, máu dính vào phân. Tuy nhiên, nếu số lượng máu ít thì chưa nhìn thấy bằng mắt thường, do đó cần làm xét nghiệm tìm máu trong phân. Máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Vì vậy, nếu xét nghiệm dương tính cần nội soi đại trực tràng ống mềm để kiểm tra.
Nội soi đại tràng: đánh giá toàn bộ khung đại tràng và trực tràng. Nếu phát hiện polyp, các bác sĩ có thể cắt bỏ, đồng thời sinh thiết một số mẫu mô để tìm kiếm xem có tế bào ung thư hay không. Ngoài phát hiện ung thư, nội soi đại tràng còn có thể phát hiện các bệnh lý khác ở đại tràng và trực tràng.
Khuyến cáo những đối tượng cần sàng lọc ung thư đại trực tràng:
- Trên 50 tuổi
- Có tiền sử bị ung thư đại trực tràng hoặc đa polyp.
- Có tiền sử viêm ruột: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
- Có tiền sử gia đình bị các hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền: hội chứng đa polyp gia đình hoặc hội chứng Lynch.
Ung thư đại trực tràng nếu phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị thành công, ngay khi thấy những dấu hiệu như táo bón, đi ngoài ra máu, đau tức vùng bụng, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, cân nặng sụt giảm, bất thường khi đại tiện....... thì bạn cần đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa ung bướu bởi không loại trừ khả năng đó là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng.
Nguồn tham khảo: Bệnh viện K