Có rất nhiều loại thảo dược, vitamin và thực phẩm chức năng khác nhau được cho là giúp tăng lượng testosterone hoặc cải thiện các triệu chứng của tình trạng testosterone thấp.
Vai trò của testosterone trong cơ thể
Testosterone là một loại hormone quan trọng đối với tất cả mọi người. Mặc dù thường được nhắc đến khi nói về chức năng tình dục của nam giới nhưng cơ thể phụ nữ cũng có testosterone.
Ở phụ nữ, hormone này ảnh hưởng đến ham muốn tình dục, mức năng lượng và sức khỏe thể chất. Ở nam giới, testosterone kích hoạt sự phát triển các đặc điểm giới tính và giúp duy trì sức khỏe trong suốt cuộc đời.
Lượng testosterone của nam giới ở mức cao nhất vào những năm đầu độ tuổi trưởng thành. Hormone này có vai trò quan trọng đối với:
- Khối lượng xương và cơ
- Sự tích trữ mỡ
- Quá trình sản xuất hồng cầu
- Sức khỏe thể chất và chức năng tình dục
Lượng testosterone sẽ bắt đầu giảm một cách tự nhiên khi có tuổi. Sự sụt giảm mạnh hoặc ngừng sản xuất testosterone sẽ dẫn đến tình trạng testosterone thấp.
Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (American Urological Association), tỷ lệ người gặp phải tình trạng testosterone thấp là khoảng 2,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng lên theo độ tuổi và theo ước tính, tỷ lệ nam giới trên 80 tuổi bị testosterone thấp là trên 50%. (1)
Lượng testosterone giảm mạnh có thể dẫn đến các vấn đề như:
- Giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn cương dương
- Tăng tích mỡ thừa trong cơ thể
- Giảm khối lượng cơ
- Giảm mật độ xương
- Rụng lông trên cơ thể
- Mệt mỏi
- Thay đổi tính tình, dễ cáu kỉnh hoặc buồn bã
- Trí nhớ và khả năng tập trung kém
- Số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu)
- Giảm khả năng sinh sản
- Sưng phù, có thể xảy ra cả ở vú
Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong số này cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác như:
- Bệnh tật
- Tác dụng phụ của thuốc
- Uống quá nhiều rượu
- Sử dụng chất kích thích
Điều trị nguyên nhân gốc rễ là điều cần thiết để kiểm soát các triệu chứng.
Nếu gặp các dấu hiệu bất thường và nghi là do testosterone thấp thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị.
Dưới đây là một số loại vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng có tác dụng thúc đẩy sản sinh testosterone và tăng lượng testosterone trong cơ thể.
Vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng giúp tăng testosterone
Liệu pháp thay thế testosterone truyền thống, chẳng hạn như dạng tiêm, dạng viên cấy dưới da và gel, có tác dụng trực tiếp bổ sung testosterone cho cơ thể. Trong khi đó, các loại thảo dược và thực phẩm chức năng thường kích thích cơ thể sản sinh testosterone. Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng chỉ có công dụng làm giảm các triệu chứng testosterone thấp.
Mặc dù các phương pháp điều trị này nhìn chung là an toàn nhưng nhiều phương pháp trong số đó vẫn chưa được thử nghiệm nghiêm ngặt trên người. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào.
Lưu ý, một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc tương tác với các loại thuốc đang dùng.
Sâm Ấn Độ (Ashwagandha, Withania somnifera)
Y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng loại thảo dược này để chữa trị nhiều vấn đề, bao gồm cả rối loạn chức năng tình dục và vô sinh. Rễ và quả của nhân sâm Ấn Độ được sử dụng để làm trà và chiết xuất loài cây này được dùng làm thực phẩm chức năng.
Trong một nghiên cứu vào năm 2010, 75 nam giới bị vô sinh đã được cho uống thực phẩm chức năng chứa chiết xuất sâm Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng loại thực phẩm chức năng này giúp cải thiện:
- Lượng testosterone
- Số lượng tinh trùng
- Khả năng di chuyển của tinh trùng
- Khả năng chống oxy hóa tinh dịch
Một nghiên cứu vào năm 2019 đã cho 43 nam giới thừa cân dùng giả dược hoặc chiết xuất nhân sâm Ấn Độ và phát hiện ra rằng nhân sâm Ấn Độ giúp làm tăng đáng kể nồng độ DHEA và testosterone. Tuy nhiên, tác dụng làm giảm các triệu chứng như mệt mỏi và rối loạn chức năng tình dục của sâm Ấn Độ chỉ tương đương với giả dược.
Một nghiên cứu khác vào năm 2019 đã đánh giá công dụng của nhân sâm Ấn Độ ở 60 người lớn. và nhận thấy lượng testosterone tăng đáng kể ở những nam giới dùng loại thảo dược này.
Vitamin D
Vitamin D, hay còn được gọi là cholecalciferol, có những chức năng quan trọng đối với cơ thể:
- Giúp chống lại vi khuẩn và virus
- Giữ xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương
- Hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi
Có khả năng vitamin D còn giúp tăng lượng testosterone. Một nghiên cứu được thực hiện ở những nam giới bị thiếu vitamin D đã cho thấy uống 3.332 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D mỗi ngày trong vòng 1 năm giúp làm tăng đáng kể mức testosterone.
Tuy nhiên, bổ sung vitamin D chỉ có tác dụng đối với những nam giới bị thiếu hụt trầm trọng loại vitamin này. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy uống vitamin D không làm thay đổi mức testosterone ở những nam giới không bị thiếu vitamin D.
Một nghiên cứu gần đây cũng cho ra kết quả tương tự. Trong nghiên cứu này, 98 nam giới khỏe mạnh không bị thiếu vitamin D được cho dùng giả dược hoặc uống bổ sung vitamin D trong 12 tuần. Nhóm uống vitamin D không có sự gia tăng đáng kể tổng lượng testosterone so với nhóm dùng giả dược.
Lượng vitamin D tối đa mà hầu hết mọi người có thể bổ sung hàng ngày là 4.000 IU. Cơ thể có thể tự tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin này cũng có trong một số loại thực phẩm như lòng đỏ trứng, gan, cá béo và thịt đỏ. Mặc dù kem chống nắng có thể làm giảm sự tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với nắng nhưng đây vẫn là điều rất cần thiết để bảo vệ da, ngăn ngừa cháy nắng và ung thư da khi ở ngoài trời nắng trong thời gian dài.
Kẽm
Kẽm là một chất dinh dưỡng vi lượng thiết yếu. Khoáng chất này giúp cơ thể:
- chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập
- tạo ra DNA và vật liệu di truyền
- chữa lành vết thương
Tình trạng thiếu hụt kẽm có thể dẫn đến testosterone thấp do kẽm tham gia vào quá trình sản xuất testosterone. Ngoài ra, cơ thể nam giới cũng rất cần kẽm để duy trì chất lượng tinh trùng.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng uống bổ sung kẽm giúp làm tăng lượng testosterone ở những nam giới bị thiếu hụt kẽm. Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu gần đây về chủ đề này vẫn còn hạn chế.
Có thể tăng lượng kẽm cho cơ thể bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu kẽm như:
- Thịt đỏ
- Thịt gia cầm
- Hải sản, đặc biệt là hàu
- Các loại đậu
- Quả hạch như óc chó, hạnh nhân
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
Lượng kẽm khuyến nghị hàng ngày là 11 mg đối với nam giới trưởng thành. Nhiều loại vitamin tổng hợp và thực phẩm chức năng có chứa liều lượng kẽm cao hơn nhu cầu của cơ thể.
Việc bổ sung quá nhiều kẽm có thể gây ra các tác dụng phụ tạm thời và tác dụng phụ lâu dài. Các tác dụng phụ tạm thời gồm có buồn nôn, chuột rút và đau đầu. Các tác dụng phụ về lâu dài gồm có suy giảm chức năng miễn dịch, thiếu hụt đồng,… Để tránh gặp phải những vấn đề không mong muốn này thì cần dùng đúng liều lượng được chỉ định.
Tỏi
Tỏi không chỉ là một loại gia vị mà còn là một vị thuốc có lợi cho nhiều vấn đề sức khỏe như:
- Xơ vữa động mạch
- Cao huyết áp
- Bệnh tim mạch
- Ngăn ngừa ung thư
- Hệ miễn dịch yếu
Trong một nghiên cứu từ năm 2001, lượng testosterone trong tinh hoàn của chuột đã tăng lên sau khi chúng được cho ăn thức ăn trộn bột tỏi. Các nghiên cứu mới hơn từ năm 2015 cho thấy rằng những con chuột được cho ăn tỏi tươi có nồng độ testosterone trong máu cao hơn lúc ban đầu
Tuy nhiên, hiện chưa có thử nghiệm nào được thực hiện trên người về tác dụng tăng testosterone của tỏi.
Hầu hết các loại thực phẩm chức năng có thành phần tỏi đều được sản xuất từ tỏi tươi, tòi sấy khô hoặc đông khô. Một số sản phẩm sử dụng dầu tỏi và chiết xuất tỏi già. Liều lượng phụ thuộc vào dạng tỏi mà sản phẩm sử dụng.
Dehydroepiandrosterone (DHEA)
Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây ra tình trạng testosterone thấp là do cơ thể không thể tạo ra đủ dehydroepiandrosterone (DHEA) - một loại hormone được chuyển đổi thành estrogen và testosterone.
Nhưng các nghiên cứu đánh giá về tác dụng của việc bổ sung DHEA đối với mức testosterone lại cho thấy những thay đổi không đáng kể hoặc kết quả trái ngược nhau.
Một đánh giá tài liệu vào năm 2020 đã tổng hợp kết quả từ nhiều nghiên cứu khác nhau về thực phẩm chức năng bổ sung DHEA. Mặc dù một số nghiên cứu trong bản đánh giá này đã phát hiện ra rằng DHEA giúp cải thiện các triệu chứng testosterone thấp, chẳng hạn như thay đổi tính tình, tăng tích mỡ hay chức năng tình dục kém nhưng các bằng chứng còn chưa nhất quán hoặc không đủ.
Nói chung, chưa có đủ bằng chứng để kết luận tính an toàn và hiệu quả của DHEA trong điều trị testosterone thấp. DHEA có thể làm giảm nồng độ HDL cholesterol hay còn gọi là cholesterol “tốt” và khiến cho các vấn đề liên quan đến hormone khác trở nên nghiêm trọng hơn. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung DHEA.
Chiết xuất thông đỏ (Pinus pinaster)
Chiết xuất thông đỏ (pine bark hay Pinus pinaster) có chứa nhóm hợp chất tự nhiên có tên là proanthocyanidin. Chiết xuất thông đỏ có các công dụng như:
- Giảm cholesterol
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
- Tăng lưu lượng máu
- Giảm các triệu chứng rối loạn cương dương
Trong một số nghiên cứu y học, chiết xuất thông đỏ được thử nghiệm cùng với hợp chất L-arginine aspartate. Khi kết hợp với nhau, các hợp chất này có thể tác động đến lượng testosterone và giúp cải thiện tình trạng rối loạn cương đương. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận hiệu quả của chiết xuất vỏ thông trong điều trị rối loạn cương đương hoặc testosterone thấp.
Một nghiên cứu vào năm 2010 đã cho các nam giới tham gia dùng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất thông đỏ và L-arginine aspartate trong thời gian 6 tháng. Kết quả cho thấy rằng những người dùng thực phẩm chức năng đã giảm các triệu chứng rối loạn cương đương và nồng độ testosterone trong huyết tương tăng cao hơn so với những người dùng giả dược.
Một nghiên cứu khác vào năm 2012 đã cho những nam giới bị rối loạn cương đương uống Pycnogenol (một loại thực phẩm chức năng chứa hợp chất proanthocyanidin) và L-arginine aspartate trong vòng 8 tuần. Ở những người dùng thực phẩm chức năng, các triệu chứng rối loạn cương đương đã giảm và nồng độ testosterone đo được trong nước bọt tăng nhiều hơn một chút so với nhóm dùng giả dược.
Tuy nhiên, không nên dùng các sản phẩm chứa chiết xuất vỏ thông nếu như:
- Đang trong quá trình hóa trị liệu
- Đang dùng thuốc chống đông máu
- Đang dùng thuốc ức chế miễn dịch
Liều lượng sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và bệnh sử nên cần nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất thông đỏ.
Arginine (L-arginine)
Cơ thể con người tự tạo ra L-arginine. Đây là một loại axit amin được cơ thể sử dụng để tăng lưu thông máu và điều này sẽ có lợi cho tình trạng rối loạn cương dương. L-arginine cũng có trong nhiều loại thực phẩm như:
- Các loại thịt đỏ
- Sản phẩm từ sữa
- Thịt gia cầm
- Cá
Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy L-arginine có thể giúp tăng testosterone.
Tuy nhiên, L-arginine dường như không trực tiếp làm tăng lượng testosterone ở người mà có tác dụng điều trị các triệu chứng testosterone thấp, chẳng hạn như rối loạn cương dương.
Hiện chưa có quy định về mức liều lượng tối đa đối với L-arginine. Nếu muốn dùng thử L-arginine để điều trị các triệu chứng testosterone thấp thì trước tiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn liều lượng an toàn.
Chrysin
Chrysin là một loại flavonoid có trong mật ong và trong cây lạc tiên tây (Passiflora incarnate). Có thể bổ sung chrysin bằng cách dùng trà lạc tiên tây hoặc thực phẩm chức năng chứa hợp chất này. Một nghiên cứu vào năm 2012 được thực hiện trên chuột cho thấy rằng chrysin có thể làm tăng khả năng di chuyển của tinh trùng, mật độ tinh trùng và lượng testosterone.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trước đó vào năm 2003 được thực hiện ở người lại cho thấy rằng việc bổ sung chrysin hàng ngày trong 21 ngày không làm tăng nồng độ testosterone trong nước tiểu. Có thể do cơ thể con người không hấp thụ chrysin một cách hiệu quả và điều này làm giảm tác dụng của hợp chất. Cần nghiên cứu thêm để hiểu hơn về công dụng của chrysin trong điều trị testosterone thấp.
Cây cọ lùn
Các nghiên cứu về tác dụng của cây cọ lùn (saw palmetto) đối với tình trạng testosteronet thấp cho ra các kết quả khác nhau. Loài cây này được cho là có thể tăng ham muốn, tăng sản xuất tinh trùng và cải thiện các triệu chứng testosteronet thấp.
Một nghiên cứu vào năm 2020 được thực hiện ở những nam giới bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt đã đánh giá tác dụng của dầu cây cọ lùn được làm giàu beta-sitosterol. Sau 12 tuần, những nam giới dùng thực phẩm chức năng đã giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt và tăng lượng testosterone tự do trong huyết thanh.
Nguyên nhân chính xác gây phì đại tuyến tiền liệt hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng một phần cũng có thể là do suy giảm testosterone.
Bá bệnh (mật nhân)
Bá bệnh hay còn được gọi là mật nhân, nhân sâm Malaysia (Tongkat ali, Malaysian ginseng hay Eurycoma longifolia) là một loài cây bản địa ở Đông Nam Á có công dụng chữa trị nhiều bệnh khác nhau như:
- Sốt rét
- Đái tháo đường
- Nhiễm khuẩn
- Hạ sốt
- Rối loạn cương dương
Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy rằng cây bá bệnh giúp làm tăng mức testosterone và cải thiện sức khỏe của tinh trùng ở chuột.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu vào năm 2013, thực phẩm chức năng chứa chiết xuất cây bá bệnh giúp cải thiện nồng độ testosterone trong huyết thanh ở nam giới mãn dục. Một nghiên cứu vào năm 2014 ghi nhận cây bá bệnh giúp làm tăng tổng nồng độ testosterone và testosterone tự do, đồng thời cải thiện sức mạnh cơ ở cả nam giới và phụ nữ.
Một nghiên cứu vào năm 2013 đã đánh giá tác động của cây bá bệnh đối với tâm trạng ở nam giới và phụ nữ. Kết quả cho thấy rằng việc dùng thực phẩm chức năng chứa loại thảo dược này trong 4 tuần giúp cải thiện điểm số trong bài đánh giá cảm xúc (đo mức độ của các cảm xúc như tức giận, căng thẳng và bối rối). Ngoài ra, nồng độ testosterone trong nước bọt của những người dùng thực phẩm chức năng cũng tăng.
Một đánh giá tài liệu vào năm 2012 cho thấy rằng loại thảo dược này có thể giúp khắc phục các vấn đề khác liên quan đến testosterone thấp, bao gồm cả bệnh loãng xương.
Hiện chưa có quy định về liều lượng chính xác đối với các loại thực phẩm chức năng chứa chiết xuất cây bá bệnh. Cần hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có thành phần này.
Rau mồng tơi
Mồng tơi (tên khoa học là Basella alba) là một loại rau tính hàn có nhiều công dụng và một trong số đó là cải thiện khả năng sinh sản. Chiết xuất cồn của loài cây này mang lại nhiều lợi ích nhất.
Các nghiên cứu trên chuột đã phát hiện ra rằng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất rau mồng tơi giúp kích thích sản xuất testosterone. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào trên người về tác dụng của loài cây này đối với lượng testosterone trong cơ thể.
Lưu ý
Có rất nhiều loại thảo dược, vitamin và thực phẩm chức năng khác nhau được cho là giúp tăng lượng testosterone hoặc cải thiện các triệu chứng của tình trạng testosterone thấp. Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít nghiên cứu được thực hiện ở người về tính an toàn và hiệu quả của các phương pháp này.
Mặc dù nhiều phương pháp cho kết quả tích cực trong nghiên cứu nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Một số loại thảo dược, vitamin và thực phẩm chức năng điều trị testosterone thấp có thể tương tác với các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác đang dùng hoặc có tác động tiêu cực đến bệnh lý đang mắc.
Do đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị testosterone thấp nào, đặc biệt là khi đang mắc bệnh và đang dùng thuốc kê đơn.