Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóa – Giám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Các loại thuốc Tây trị ho thường được bác sĩ kê đơn bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc tiêu đờm, thuốc kháng histamin hay thuốc giảm ho. Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây ho và dạng ho bạn đang gặp phải để chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.
Các loại thuốc Tây trị ho tốt nhất
Ho là triệu chứng thông thường của các bệnh lý ở đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng, viêm phổi, hen suyễn hay viêm phế quản… Chúng có thể khiến bệnh nhân bị ho khan, ho có đờm kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác như sốt, đau họng, ngứa họng…
Tùy theo nguyên nhân, dạng ho, mức độ ho và triệu chứng đi kèm mà bệnh nhân có thể được chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp 2 hay nhiều loại thuốc với nhau giúp bệnh nhân nhanh chóng đẩy lùi cơn ho.
Các loại thuốc Tây trị ho đang được sử dụng phổ biến bao gồm:
1. Thuốc kháng sinh trị ho do nhiễm khuẩn
Thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị cho các trường hợp bị ho do nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nhóm thuốc này không có hiệu quả đối với nhiễm trùng virus cảm lạnh hay cảm cúm.
Bạn có thể được chỉ định các loại thuốc kháng sinh theo đường uống hoặc đường tiêm. Dưới đây là các loại thuốc thông dụng:
- Thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin: Ví dụ như Cephalothin, Cefazolin hay Cephalexin,… Đây là loại thuốc kháng sinh phổ rộng nằm trong nhóm beta – lactam. Thuốc chứa dẫn xuất của axit 7-aminocephalosporanic, khi sử dụng sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ức chế quá trình tổng hợp tế bào của chúng.
- Thuốc kháng sinh nhóm Penicillin: Các trường hợp bị ho nặng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhóm Penicillin. Bao gồm các loại thông dụng như Methicillin, Piperacillin, Amoxicillin,… Nhóm thuốc này đáp ứng tốt đối với những người bị ho do nhiễm trùng vi khuẩn gram âm, gram dương ở đường hô hấp. Thuốc được bào chế dưới dạng uống hoặc tiêm.
- Thuốc kháng sinh nhóm Macrolid: Thuốc chứa các hoạt chất như azithromycin, erythromycin hay clarithromycin. Chúng được phân lập từ Streptomyces và có khả năng ức chế rõ ràng với vi khuẩn gram âm, khuẩn gram dương cùng một số loại vi khuẩn không điển hình. Nhóm thuốc Tây trị ho này thường được kê đơn cho những người bị nhiễm trùng nặng ở đường hô hấp. Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc kháng sinh nhóm Macrolid theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Thuốc kháng sinh đặc trị ho gà: Căn bệnh này do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh có tính chất dai dẳng và cần điều trị tích cực bằng phác đồ kháng sinh để tránh hiện tượng bội nhiễm. Các loại thuốc Tây trị ho gà thuộc nhóm kháng sinh thường được chỉ định là Cephalexin, Erythromycin hay Amoxicillin.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh cho các đối tượng bị ho do nhiễm trùng đường hô hấp là cần thiết. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, qua đó giảm hiện tượng sưng viêm trong đường thở và giúp bệnh nhân bớt ho. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể mang lại một số tác dụng phụ, thường gặp nhất là tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Tỷ lệ người bị kháng kháng sinh cũng đang ngày càng gia tăng do lạm dụng thuốc kháng sinh bừa bãi.
Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần sử dụng thuốc kháng sinh đúng mục đích và tuân thủ tuyệt đối về liều lượng cũng như thời gian dùng thuốc được bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo. Tránh tự ý sử dụng loại thuốc này khi chưa xác định rõ nguyên nhân gây ho.
2. Thuốc long đờm, tiêu đờm
Nhóm thuốc long đờm, tiêu đờm cũng nằm trong nhóm các loại thuốc Tây trị ho thông dụng. Thuốc được chỉ định cho người bị ho có đờm, chất đờm đặc quánh gây vướng víu cổ họng và khiến người bị khó thở.
Một số loại thuốc long đờm, tiêu đờm thường được bác sĩ kê đơn cho người bị ho:
- Acetylcystein: Thuốc được chỉ định cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên và người lớn. Các trường hợp đang bị hen suyễn không nên sử dụng. Liều dùng từ 1/2 – 1 gói x 2 – 3 lần/ngày tùy theo lứa tuổi.
- Terpin hydrate: Loại thuốc này giúp làm loãng đờm nhầy và ức chế trung khu gây ho. Chống chỉ định cho trẻ em, bệnh nhân bị hen suyễn, suy hô hấp. Ngày dùng 3 – 4 lần, mỗi lần uống từ 85 – 130mg.
- Ambroxol: Thuốc được sử dụng để trị ho cho các trường hợp bị viêm phế quản dạng hen, hay viêm phế quản mãn tính. Liều dùng cho người trưởng thành là 30 mg – 120 mg x 2 – 3 lần/ngày. Trẻ em uống từ 1/2 – 1 thìa siro x 2 – 3 lần/ngày.
- Bromhexin: Thành phần bromhexin hydrochloride trong thuốc giúp giảm ho và làm giảm độ đặc quánh của đờm nhầy bằng cách phá vỡ các sợi liên kết của đờm. Để trị ho có đờm, người trưởng thành có thể uống từ 8 – 16mg x 3 lần trong ngày.
- Bisolvon: Thuốc được sản xuất dưới dạng viên nén hoặc siro uống. Bệnh nhân bị viêm phế quản cấp hay mãn tính có biểu hiện bị ho, tăng tiết đờm nhầy trong đường hô hấp có thể được bác sĩ đề nghị điều trị bằng Bisolvon. Người lớn mỗi lần uống 1 viên 8mg x 3 lần trong ngày, trẻ em dùng 10ml siro ( 4mg/5 ml) x 3 lần mỗi ngày.
- Eprazinon: Loại thuốc này được chỉ định để điều trị triệu chứng ho có đờm cho người bị viêm họng, viêm phế quản, suy hô hấp, hen suyễn. Liều dùng từ 50 – 100mg x 3 lần trong ngày. Tránh sử dụng thuốc quá 5 ngày mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.
*Lưu ý khi dùng thuốc long đờm trị ho:
- Không lạm dụng thuốc kéo dài trong nhiều ngày
- Uống thuốc đúng liều lượng được khuyến cáo
- Thận trọng khi chỉ định thuốc long đờm, thuốc tiêu đờm để trị ho cho các trường hợp bị hen do thuốc hoặc người mắc bệnh dạ dày.
- Dùng thuốc đều đặn kết hợp uống nhiều nước ấm và vỗ rung để nhanh hết đờm, giúp người bệnh bớt ho và dễ thở hơn.
3. Thuốc giảm ho
Các đối tượng bị ho khan có thể được chỉ định thuốc giảm ho. Nhóm thuốc này có chứa các chất ức chế trung khu gây ho trong não bộ, đồng thời hỗ trợ giảm đau họng ở mức độ nhẹ và vừa, loại bỏ các yếu tố kích thích cơn ho trong đường thở.
Các loại thuốc Tây trị ho khan thường được sử dụng bao gồm:
- Pholcodine
- Chericof
- Codeine
- Dextromethorphan
- Eucalyptine
- Dihydrocodeine
- Alyptin
- Pentoxyverine,…
Trong số các loại thuốc trên thì thuốc Pholcodin hay Dextromethorpan ít gây tác dụng phụ hơn so với thuốc Codeine. Thuốc giảm ho có độc tính nhẹ và tương đối an toàn khi sử dụng đúng liều lượng cho phép. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc quá mức hoặc uống với liều cao, thuốc có thể ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tác dụng an thần, buồn ngủ, táo bón, mất tập trung và nhiều tác dụng phụ khác.
Chống chỉ định sử dụng các thuốc giảm ho có chứa thành phần codeine cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Các thuốc giảm ho thường đáp ứng tốt với các trường hợp bị ho khan ở mức độ nhẹ đến trung bình. Ít có bằng chứng cho thấy chúng có hiệu quả với những bệnh nhân bị ho nặng.
4. Thuốc kháng histamin
Đây cũng là một trong các loại thuốc Tây đang được sử dụng để điều trị cho các trường hợp bị ho do dị ứng. Thuốc có tác dụng ức chế phản ứng dị ứng, giảm viêm, chống ngứa họng, qua đó xoa dịu cơn ho. Do có tác dụng an thần, gây buồn ngủ, loại thuốc này còn giúp người bệnh dễ ngủ hơn vào ban đêm.
Các thuốc kháng histamin có thể được bác sĩ kê đơn cho người bị ho bao gồm:
- Diphenhydramine
- Fexofenadine
- Alimemazin
- Cetirizine
- Chlorpheniramine,…
Thuốc có thể được bào chế dưới dạng ngậm, uống hay hít. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như ngủ gật, khô miệng, buồn nôn hay chóng mặt… Vì vậy, người bệnh nên thận trọng khi sử dụng thuốc kháng histamin vào ban ngày, nhất là khi phải làm việc hoặc điều khiển máy móc, phương tiện giao thông.
5. Thuốc giảm đau, hạ sốt
Bao gồm:
- Paracetamol
- Aspirin
- Acetaminophen
- Efferalgan
Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt được chỉ định cho người bị ho khan, ho có đờm kèm theo triệu chứng đau cổ họng hoặc sốt từ 38 độ trở lên. Nhóm thuốc này giúp nhanh chóng làm giảm thân nhiệt và loại bỏ cảm giác khó chịu cho người bệnh. Hiệu quả có thể cảm nhận rõ ràng sau khoảng nửa tiếng.
Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc giảm đau, hạ sốt quá mức là điều tối kỵ. Nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như đau dạ dày, suy thận, tăng men gan… Người bệnh chỉ nên uống thuốc khi thật sự cần thiết. Khoảng cách giữa hai liều dùng nên cách nhau tối thiểu 4 tiếng trong các trường hợp bị sốt trở lại.
6. Thuốc làm giãn phế quản
Các thuốc làm giãn phế quản có thể giúp giảm ho bằng cách chống co thắt cơ trơn trong phế quản, qua đó cũng giúp người bệnh dễ thở hơn. Nhóm thuốc này thường được bác sĩ chuyên khoa kê đơn cho những người bị ho do hen suyễn, viêm phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Một số loại thuốc giãn phế quản thường dùng:
- Thuốc nhóm xanthin: Bao gồm các thuốc chứa hoạt chất Theophylline được bào chế dưới dạng phóng thích chậm.
- Thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic: Bambuterol, Terbutaline, Formoterol, Salbutamol,..
- Thuốc nhóm cholinergic: Tiotropium bromide, Oxitropium bromide,…
Các trường hợp sử dụng thuốc làm giãn phế quản để giảm ho có thể gặp một số tác dụng phụ như run, đánh trống ngực, chuột rút, rối loạn nhịp tim, đau đầu, đánh trống ngực, chuột rút, hạ kali máu…
7. Thuốc gây tê tại chỗ
Một số bệnh nhân bị ho, đau họng có thể được chỉ định thuốc gây tê tại chỗ. Chúng chứa các hoạt chất như Lidocain, Methol hay Benzonatat. Thuốc được bào chế dưới dạng hít hay ngậm có tác dụng gây tê các dây thần kinh cảm giác ở cổ họng một cách tạm thời. Điều này có thể giúp giảm phản xạ ho và cải thiện các triệu chứng khác như đau họng, ngứa rát cổ họng…
Lưu ý khi dùng thuốc Tây trị ho
Để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả cao khi sử dụng các loại thuốc Tây trị ho, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ chặt chẽ theo đơn bác sĩ về liều dùng, thời điểm uống thuốc và liệu trình điều trị
- Đối với thuốc kháng sinh, cần uống đủ thời gian bác sĩ khuyến cáo để không bị lờn thuốc
- Một số bệnh nhân có thể bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc gặp các tác dụng phụ có hại khác. Nếu có dấu hiệu bất thường xảy ra trong quá trình điều trị, bạn hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cách xử lý và thay đổi loại thuốc khác an toàn hơn.
- Tránh tự ý mua các loại thuốc Tây trị ho về nhà uống theo đơn thuốc cũ hoặc theo toa của người khác mà không qua thăm khám. Điều này sẽ dẫn đến tình huống sử dụng thuốc không phù hợp với tình trạng ho, nguyên nhân gây bệnh,… Từ đó làm tăng nguy cơ bị kháng thuốc và gặp nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Bên cạnh việc sử dụng thuốc giảm ho, cần tìm hiểu nguyên nhân gây ho và tiến hành điều trị song song. Như vậy, cơn ho với được loại bỏ dứt điểm.
Bạn có thể tham khảo thêm