Yếu tố gây nhiễu do tan huyết
- Tan huyết (hay tan máu) được định nghĩa là hiện tượng giải phóng các thành phần từ hồng cầu và các tế bào máu khác vào trong dịch ngoại bào và có thể gây ra do nhiều cơ chế khác nhau.
- Tan huyết thường xảy ra trong ống nghiệm do nguyên nhân quá trình lấy mẫu không đúng.
- Nhiều trường hợp tan huyết không phát hiện được bằng mắt thường nhưng thực tế các thành phần trong tế bào cũng đã được giải phóng vào trong huyết thanh/huyết tương.
Hậu quả
- Một vài thành phần tế bào có nồng độ trong tế bào cao gấp khoảng 10 lần so với nồng độ ngoài tế bào.
- Khi tan huyết xảy ra làm tăng nồng độ của những chất này (ví dụ nồng độ K+, và hoạt độ các enzyme như LDH, AST, ALT).
- Tan huyết còn ảnh hưởng đến độ hấp thụ quang của các xét nghiệm khác.
- Thành phần của các tế bào máu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến phép đo các chất phân tích.
- Hemoglobin có thể phản ứng với một hoặc nhiều thành phần của thuốc thử, sự ảnh hưởng khác nhau giữa các thuốc thử khác nhau.
- Nhiều xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi chính thành phần ở trong mẫu.
Cách khắc phục
- Từ chối những mẫu bệnh phẩm bị tan huyết do ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Phát hiện mẫu bệnh phẩm tan huyết, điều dưỡng cần lấy lại mẫu bệnh phẩm đạt tiêu chuẩn.
- Xem xét, đào tạo lại quy trình lấy mẫu máu và xử lý mẫu để tránh xảy ra tình trạng mẫu bị tan huyết.
Yếu tố gây nhiễu do huyết thanh vàng
- Nồng độ bilirubin tăng là nguồn gốc của các yếu tố gây nhiễu ngoại bào.
- Hiện tượng này có thể gặp ở trong các trường hợp như các bệnh lý gan cấp và mãn, xơ gan mật, nghiện rượu hoặc là các đáp ứng sinh lý với nhiều thuốc, dược chất.
Ảnh hưởng tới độ hấp thụ quang
- Bilirubin hấp thụ mạnh ở bước sóng 340-500nm và độ hấp thụ nền cao có thể dẫn tới kết quả độ hấp thụ vượt quá đường tuyến tính các phương pháp đo quang khác.
- Bilirubin có thể hoạt động như một cơ chất có tính khử và dễ dàng bị oxy hóa thành biliverdin và bilipurpurin bằng việc giảm độ hấp thụ.
- Các xét nghiệm sử dụng oxidase hoặc peroxidase để tạo ra H2O2, có thể bị giảm kết quả do bilirubin phản ứng với H2O2 tạo thành trong hệ thống xét nghiệm.
- Tình trạng này ảnh hưởng tới kết quả các xét nghiệm glucose, cholesterol, triglycerid và acid uric.
- Trong xét nghiệm albumin cần gắn chất màu, bilirubin có thể cạnh tanh gắn vào chất màu và làm giảm nồng độ albumin.
Thái độ xử trí
- Hiện nay đa số các phòng xét nghiệm không từ chối các mẫu huyết tương có nồng độ bilirubin cao, nhưng có thể cảnh báo cho bác sỹ lâm sàng về tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Cần xem xét cảnh báo của phòng xét nghiệm hoặc xem xét kết quả nồng độ Bilirubin để xác định những kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng. Từ đó bác sỹ có thái độ phiên giải kết quả xét nghiệm phù hợp hơn.
Yếu tố gây nhiễu do huyết tương đục
- Huyết tương đục (HTĐ) là hiện tượng có thể quan sát bằng mắt thường.
- Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra huyết tương đục là do tăng Triglycerid.
- Các mẫu huyết tương đục không thể tránh do tăng nồng độ lipid thường gặp trong các tình trạng bệnh lý nguyên phát hay thứ phát như: đái tháo đường, sử dụng rượu, suy thận mạn, viêm tụy cấp….
- Huyết tương đục gây nhiễu kết quả xét nghiệm có đặc điểm khác với tình trạng tan máu và huyết thanh vàng.
- HTĐ phân tán ánh sáng và hấp thụ ánh sáng truyền qua hỗn hợp phản ứng.
Thái độ xử trí
- Hiện nay đa số các phòng xét nghiệm không từ chối các mẫu huyết tương có nồng độ lipid cao hoặc huyết tương đục.
- Tuy nhiên kết quả xét nghiệm được đính kèm cảnh báo cho bác sỹ lâm sàng về tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
- Cần xem xét cảnh báo của phòng xét nghiệm hoặc xem xét kết quả nồng độ Triglycerid hoặc mức độ đục của mẫu để xác định những kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng.
Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội