Sống sót sau cơn nhồi máu cơ tim là một điều may mắn nhưng bệnh vẫn hoàn toàn có thể tái phát. Vậy nên, điều quan trọng là bạn cần biết mình phải làm gì để có thể ngăn ngừa nguy cơ tiếp tục bị nhồi máu cơ tim trong tương lai.
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là một vấn đề đe dọa đến tính mạng, trong đó dòng máu chảy về tim đột nhiên bị ngừng lại do một động mạch vành bị chặn và gây tổn hại ngay lập tức cho các mô xung quanh.
Khi may mắn qua khỏi, chất lượng cuộc sống sau này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn nhồi máu cơ tim cũng như là tốc độ được điều trị nhưng vẫn có những điều mà bạn nên áp dụng để có thể sống khỏe mạnh và tránh nhồi máu cơ tim tái phát.
Nghỉ ngơi thư giãn
Sau nhồi máu cơ tim, có thể chỉ cần một vài tuần là bạn đã thấy khỏe trở lại nhưng không nên vận động gắng sức quá sớm. Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi trong khoảng 2 tuần hoặc có thể lên đến 3 tháng rồi mới dần dần khôi phục lại các thói quen hàng ngày, bao gồm cả tập luyện để tránh nguy cơ tái phát.
Uống thuốc
Uống thuốc là một phần rất quan trọng trong kế hoạch điều trị sau nhồi máu cơ tim. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa trên mức độ tổn thương mô tim cũng như là các yếu tố nguy cơ khác.
Đơn thuốc thường gồm có các loại thuốc điều trị:
- Tăng huyết áp
- Cholesterol cao
- Đau ngực
- Tiểu đường
- Cảm giác khó chịu chung
Chương trình phục hồi chức năng tim mạch
Bạn nên tham gia chương trình phục hồi chức năng tim mạch sau khi bị nhồi máu cơ tim. Các chương trình này thường được tổ chức và thực hiện bởi các bác sĩ và các chuyên gia tim mạch với mục đích là để theo dõi tình trạng và quá trình phục hồi của từng bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, đồng thời hướng dẫn những điều chỉnh về thói quen sống để duy trì sức khỏe tim mạch.
Theo dõi tình trạng sức khỏe
Bên cạnh việc thay đổi lối sống, các yếu tố nguy cơ về tim mạch cũng cần được theo dõi để đảm bảo sức khỏe ổn định.
Cụ thể, bạn sẽ cần đảm bảo những điều sau để tránh rủi ro bệnh tái phát:
- Chỉ số huyết áp dưới 130/80mmHg
- Vòng eo dưới 90cm đối với nữ và dưới 100cm đối với nam
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng từ 18,5 đến 24,9
- Chỉ số cholesterol trong máu dưới 180mg/dL
- Chỉ số đường huyết (glycemic index) dưới 100mg/dL (trong khoảng thời gian không ăn uống)
Thay đổi lại các thói quen
Một lối sống lành mạnh là điều cần thiết để hoàn thiện kế hoạch duy trì sức khỏe sau nhồi máu cơ tim.
Tập thể dục thường xuyên
Sau khi nhồi máu cơ tim, bạn nên bắt đầu thói quen tập thể dục mỗi ngày nhưng trước tiên cần hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo cơ thể đã hồi phục hoàn toàn. Vận động thường xuyên chắc chắn là điều rất quan trọng để duy trì cân nặng, nhưng ngoài ra còn có tác dụng tăng cường cơ bắp, bao gồm cả cơ tim và nhờ đó mà có thể cải thiện sức khỏe của trái tim.
Bất kỳ hình thức tập luyện nào nào giúp tăng hiệu quả bơm máu đều có lợi. Bạn có thể chọn các bài tập như:
- Bơi lội
- Đạp xe
- Chạy bộ hoặc đi bộ nhanh
- Đi bộ ở tốc độ vừa phải
Những bài tập này đều giúp tăng cường khả năng bơm máu của tim và tăng lượng oxy lưu thông trong cơ thể. Tập luyện thường xuyên còn giúp giảm huyết áp, stress và nồng độ cholesterol.
Tuy nhiên, nếu nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong khi tập như khó thở kéo dài, chân tay yếu đi hoặc đau ngực thì phải dừng ngay và gọi cấp cứu hoặc tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Ăn uống hợp lý
Một chế độ ăn ít chất béo, hàm lượng calo thấp đã được chứng minh là giúp giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp đã từng bị nhồi máu cơ tim thì điều này lại càng quan trọng hơn nữa trong việc ngăn ngừa vấn đề không mong muốn tiếp tục xảy ra trong tương lai.
Nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm có chất béo chuyển hóa (trans fat) và chất béo bão hòa (saturated fat). Đây là những chất trực tiếp góp phần làm hình thành mảng bám trong động mạch. Khi các động mạch bị tắc nghẽn, máu không thể chảy về tim và dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Ăn các loại thực phẩm nhiều calo và thừa cân cũng gây áp lực lên tim. Do đó, nên kiểm soát cân nặng bằng cách ăn nhiều thực phẩm nguồn gốc thực vật, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo. Tránh mỡ động vật và thay bằng chất béo từ các nguồn thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu hoặc các loại hạt.
Bỏ thuốc lá
Ai cũng biết thuốc lá rất có hại và cần phải bỏ nhưng điều này lại càng quan trọng hơn nữa sau khi bị nhồi máu cơ tim.
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân góp phần gây bệnh tim mạch vì làm tăng huyết áp và dẫn đến nguy cơ đông máu do các chất trong khói thuốc làm giảm lượng tế bào oxy trong máu. Như vậy, tim sẽ phải hoạt động mạnh hơn để bơm máu và có ít tế bào oxy hơn nên khó mà duy trì hoạt động bình thường.
Bỏ thuốc lá sẽ cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe tổng thể và cũng làm giảm khả năng bị nhồi máu cơ tim trong tương lai. Nếu bạn không hút thuốc thì cũng phải tránh hít phải khói thuốc vì hút thuốc thụ động cũng nguy hiểm không kém hút thuốc chủ động.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác
Bệnh tim có thể di truyền nhưng phần lớn các ca nhồi máu cơ tim đều chủ yếu là do thói quen xấu trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài chế độ ăn uống, tập luyện và thói quen hút thuốc, bạn còn phải kiểm soát cả các yếu tố nguy cơ khác để tránh các cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai. Các yếu tố này gồm có:
- Tăng huyết áp
- Cholesterol cao
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh tuyến giáp
- Stress quá mức và thường xuyên
- Những vấn đề về sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm
Biết khi nào cần can thiệp y tế
Một khi đã từng bị nhồi máu cơ tim thì nguy cơ bệnh tái phát là rất cao.
Do đó, bạn cần chú ý đến các biểu hiện của cơ thể và thông báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, ngay cả khi chỉ ở mức độ nhẹ.
Bạn cần gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đi bệnh viện ngay nếu gặp hiện tượng:
- Mệt mỏi, kiệt sức đột ngột
- Đau ngực và cảm giác đau di chuyển đến một hoặc cả hai cánh tay
- Tim đập nhanh
- Đổ mồ hôi dù không vận động
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Chân sưng phù
- Khó thở
Triển vọng sau nhồi máu cơ tim
Sức khỏe tim mạch có hồi phục lại được bình thường sau khi bị nhồi máu cơ tim hay không còn phụ thuộc vào sự tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ và khả năng nhận biết được các vấn đề tiềm ẩn.
Tỉ lệ sống sót sau nhồi máu cơ tim có sự khác biệt lớn giữa phụ nữ và nam giới. Cụ thể, theo tổ chức Women's Heart Foundation, 42% phụ nữ tử vong trong vòng một năm sau khi bị nhồi máu cơ tim trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 24%.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính rằng trong số 735.000 ca bị nhồi máu cơ tim mỗi năm tại quốc gia này thì có 210.000 ca đã từng bị nhồi máu cơ tim một lần trước đó.