PGS, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Khi có người mắc bệnh cúm A (H5N1) chứng tỏ loại vi-rút cúm này tồn tại trong môi trường cũng như trên gia cầm.
Trong khi dịch cúm A (H1N1) vẫn đang diễn biến phức tạp thì cần cảnh giác cao với nguy cơ cúm A (H5N1) quay trở lại, nhất là vào mùa đông. Ðây là điều kiện cho các loại dịch cúm phát triển mạnh, kể cả dịch cúm A (H1N1) và cúm A (H5N1). Cúm A (H5N1) lây chủ yếu từ gia cầm sang người cho nên trước hết cần phòng bệnh từ gia cầm.
Hiện ngành y tế đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y để giám sát dịch trên gia cầm và khuyến cáo người chăn nuôi, người dân phòng bệnh cho đàn gia cầm, nhất là phải tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm.
Qua theo dõi của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, hiện nay vi-rút cúm A (H5N1) ở nước ta chưa có biến đổi gien. Tuy nhiên các chuyên gia ngành y tế và thú y đang phối hợp để tiếp tục nghiên cứu vi-rút H5N1 trên gia cầm và trên người qua những ca mắc mới.
Khi mắc cúm A (H5N1) và cúm A (H1N1), người bệnh đều có những biểu hiện bệnh giống nhau, cho nên rất khó phân biệt. Vì vậy, các cơ sở y tế, cơ sở điều trị khi tiếp nhận người bệnh, bên cạnh việc căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng phải điều tra dịch tễ, tiền sử bệnh, hỏi xem người bệnh có tiếp xúc và ăn thịt gia cầm có nguy cơ (gia cầm bệnh, chết) trước khi khởi bệnh hay không... Ðó là yếu tố cơ bản nhất để phân biệt cúm A (H1N1) và cúm A (H5N1), bởi người bệnh mắc cúm A(H5N1) chủ yếu lây từ gia cầm mắc bệnh, còn cúm A (H1N1) thì truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn