Câu hỏi thường gặp về mụn cóc sinh dục

3 năm trước 32

Mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) là những mụn cóc mọc ở trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục và do một số chủng HPV (vi-rút u nhú ở người) gây ra.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất mà hầu như tất cả những ai từng quan hệ tình dục đều gặp phải.

Mụn cóc sinh dục có thể phẳng hoặc nổi trên bề mặt da, xuất hiện đơn lẻ hoặc tạo thành cụm, có màu da hoặc hơi sẫm hơn một chút. Khi một số mụn cóc hình thành gần nhau và tạo thành cụm, chúng có hình dạng giống như súp lơ.

Mụn cóc có thể hình thành ở bên ngoài, trên các cơ quan như:

  • Âm hộ
  • Thân hoặc đầu dương vật
  • Bìu
  • Bẹn
  • Đáy chậu (vùng giữa bộ phận sinh dục và hậu môn)
  • Quanh lỗ hậu môn

Đôi khi mụn cóc cũng hình thành ở bên trong:

  • âm đạo
  • cổ tử cung
  • ống hậu môn

1. Mụn cóc sinh dục có đau không?

Mụn cóc sinh dục đa phần không đau nhưng chúng gây khó chịu, ngứa ngáy hoặc chảy máu.

Mụn cóc thường chỉ bị đau và chảy máu khi bị kích ứng do ma sát. Ma sát có thể xảy ra khi quan hệ tình dục, gãi hoặc mặc quần áo chật.

Nếu bị mụn cóc sinh dục bên trong âm đạo, niệu đạo hoặc hậu môn thì sẽ có cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.

2. Mụn cóc có giống mụn rộp sinh dục không?

Mụn cóc và mụn rộp sinh dục là hai vấn đề khác nhau nhưng có một số điểm tương đồng. Cả hai đều là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến với biểu hiện là các tổn thương ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, mụn rộp gây ra mụn nước và vết loét chứ không phải mụn cóc.

Thủ phạm gây mụn cóc sinh dục là virus HPV trong khi mụn rộp sinh dục do virus herpes simplex (HSV) gây ra.

Các triệu chứng khi nhiễm HSV gồm có:

  • Các triệu chứng giống cúm, ví dụ như đau nhức cơ, mệt mỏi, sốt,…
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Nóng hoặc châm chích trước khi vết loét xuất hiện
  • Nổi mụn nước, sau đó vỡ ra tạo thành vết loét đau đớn
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Đau khi quan hệ tình dục

3. Con đường lây nhiễm

Một người có thể bị nhiễm virus gây mụn cóc sinh dục khi tiếp xúc da với người mang virus. Hầu hết mọi người đều bị lây bệnh khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ qua đường âm đạo, đường miệng và đường hậu môn.

HPV và mụn cóc sinh dục có thể lây truyền ngay cả khi người bị nhiễm virus không có triệu chứng.

4. Bao lâu thì mụn cóc xuất hiện?

Thường phải sau từ ​​1 đến 3 tháng hoặc lâu hơn kể từ khi nhiễm HPV thì mụn cóc mới xuất hiện. Không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy mụn cóc bằng mắt thường vì chúng có kích thước rất nhỏ hoặc trùng với màu da.

5. Bao lâu thì khỏi?

Hầu hết mụn cóc sinh dục đều biến mất mà không cần điều trị trong vòng từ 9 đến 12 tháng. Nhưng nếu không muốn chờ hoặc sau thời gian này mà mụn cóc vẫn còn thì có thể điều trị.

6. Điều trị mụn cóc sinh dục bằng cách nào?

Không có cách nào có thể tiêu diệt được virus gây mụn cóc sinh dục nhưng có thể điều trị mụn cóc và kiểm soát các đợt bùng phát.

Nếu như mụn cóc không gây khó chịu thì có thể không cần phải điều trị. Còn nếu chúng gây đau hoặc ngứa thì có thể loại bỏ bằng những biện pháp như:

  • Bôi hóa chất lên mụn cóc. Có thể bôi tại bệnh viện hoặc tại nhà
  • Phẫu thuật lạnh (đông lạnh mụn cóc)
  • Phẫu thuật cắt bỏ
  • Đốt điện
  • Đốt bằng laser

Mụn cóc sinh dục có thể tái phát và cần phải điều trị nhiều lần.

Lưu ý, không nên tự loại bỏ mụn cóc tại nhà bằng cách dùng các loại thuốc trị mụn cóc không kê đơn. Các loại thuốc dùng cho những bộ phận khác của cơ thể sẽ không an toàn khi sử dụng cho bộ phận sinh dục.

7. Có khi nào bị mụn cóc dù không quan hệ tình dục không?

Hầu hết mọi người đều bị nhiễm HPV và mụn cóc sinh dục khi quan hệ tình dục thâm nhập nhưng kể cả khi chỉ tiếp xúc da trong quá trình quan hệ tình dục không thâm nhập thì cũng có thể bị nhiễm virus.

Mặc dù ít khi xảy ra nhưng virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh thường.

8. Cần làm gì khi bị mụn cóc?

Nếu nghi ngờ mình bị mụn cóc sinh dục hoặc đã nhiễm HPV thì cần đến bệnh viện khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra và đưa ra chẩn đoán.

Nếu như không thể nhìn thấy mụn cóc thì cần bôi axit axetic để làm cho vùng da có mụn cóc chuyển sang màu trắng và dễ phát hiện hơn.

Một số chủng HPV gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư hậu môn và ung thư dương vật. Mặc dù các chủng gây mụn cóc không gây ung thư nhưng khi có mụn cóc thì vẫn cần làm xét nghiệm thêm để kiểm tra các dấu hiệu bất thường và đảm bảo không có nguy cơ ung thư.

Phụ nữ cần làm xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) và xét nghiệm HPV để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Hiện tại chưa có xét nghiệm HPV cho nam giới.

Nếu bị mụn cóc sinh dục thì nên thực hiện thêm một số xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Nếu được chẩn đoán mắc các bệnh này thì cần thông báo với người mới quan hệ tình dục gần đây.

Tóm tắt bài viết

Mụn cóc sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến. Nếu nghi ngờ bị vấn đề này thì cần đi khám càng sớm càng tốt để kiểm tra. Nếu đúng thì phải sử dụng các biện pháp bảo vệ như mang bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh lây truyền virus.

Đọc toàn bộ bài viết