Thoát vị hoành là bệnh lý tổn thương của cơ hoành qua đó các tạng trong ổ bụng di chuyển lên khoang lồng ngực qua các lỗ của cơ hoành. Thoát vị hoành có thể là bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải. Bệnh lý bẩm sinh thường được phát hiện trong thời kỳ bào thai hoặc lúc trẻ nhỏ.
1. Làm thế nào để chẩn đoán thoát vị hoành
1.1 Những dấu hiệu và triệu chứng thoát vị hoành
Thường thì người bệnh không có triệu chứng, nhưng nếu có thì các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 1 giờ đồng hồ sau bữa ăn. Các triệu chứng bao gồm:
- Ợ nóng, đau ngực; ợ hơi hoặc có thể bị khó nuốt.
- Việc nằm xuống hoặc co người càng làm cho tình trạng ợ nóng tệ hơn.
- Một biến chứng gây ra do sự kích ứng ở thực quản là xuất huyết.
1.2 Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thoát vị hoành sử dụng trong thực hành lâm sàng
Để tìm ra bệnh, bác sĩ có thể tiến hành các phương pháp chẩn đoán như:
- Siêu âm thường được áp dụng hiệu quả ở giai đoạn bào thai và trẻ nhỏ để đánh giá thoát vị hoành bẩm sinh. Đây là phương pháp đơn giản và hữu ích trong thực hành lâm sàng.
- X-quang sử dụng chụp bụng không chuẩn bị, chụp có uống thuốc cản quang và chụp tư thế đầu thấp cũng cho đánh giá khá tốt thoát vị hoành.
- Chụp cắt lớp vi tính và chụp cắt lớp có tiêm kết hợp uống thuốc cản quang hiện nay được áp dụng khá phổ biến trong chẩn đoán thoát vị hoành. Đặc biệt thoát vị hoành ở người lớn. Qua hình ảnh thu được từ các lát cắt sẽ cho đánh giá chi tiết về thoát vị như vị trí thoát vị, tạng thoát vị, loại thoát vị,... góp phần tích cực trong định hướng phương pháp xử trí sau này cho bệnh nhân.
- Nội soi: Khi tiến hành nội soi, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật khi bệnh nhân bị thoát vị hoành.
Ngoài ra còn có phương pháp cộng hưởng từ nhưng ít được sử dụng trong bệnh lý thoát vị hoành.
2. Điều trị thoát vị hoành như thế nào?
Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa những biến chứng. Mục tiêu chính cần đạt là thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng. Nâng đầu giường từ 10-15 cm (với đồ kê cứng) có thể ngăn dịch vị trào ngược và đến thực quản trong lúc ngủ.
Có thể điều trị bằng thuốc như: Antacids, thuốc kháng acid trung hòa acid dạ dày. Các loại thuốc giảm sản xuất acid, gồm famotidine, ranitidine hoặc thuốc ức chế bơm proton như omeprazole.
Nếu triệu chứng không được khắc phục hoặc xảy ra những biến chứng như sẹo, loét, xuất huyết thì cần thực hiện phẫu thuật bằng phương pháp nội soi.
3. Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoát vị hoành?
Bạn cần lưu ý tuân thủ một số điều trong thói quen sinh hoạt để có thể kiểm soát được thoát vị hoành như:
- Giảm cân nếu bạn thừa cân;
- Ăn chậm: ăn 4-5 bữa nhỏ thay vì ăn 1-2 bữa lớn;
- Tránh những thức ăn làm ợ chua như: socola, thực phẩm cay, thức ăn làm từ khoai tây, hành, trái cây họ cam, quýt...
Một khi, bệnh nhân có những dấu hiệu của rối loạn chức năng cơ hoành tốt nhất nên đi khám sớm, tránh trường hợp để tình trạng yếu cơ hoành tiến triển thành liệt cơ hoành, khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh.