Chống dịch cúm A/H1N1, đừng quên các bệnh khác - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 24

Chúng ta không nên có ảo tưởng rằng sẽ tiêu diệt virus H1N1, bởi vì virus này đã, đang và sẽ tồn tại với chúng ta và trong môi trường.Chúng ta không nên có ảo tưởng rằng sẽ tiêu diệt virus H1N1, bởi vì virus này đã, đang và sẽ tồn tại với chúng ta và trong môi trường.

Mục tiêu phòng chống cúm A/H1N1 là gì?

Virus H1N1 có khả năng thích ứng với môi trường mới bằng cách tự thay đổi cấu trúc DNA để có thể lan truyền trong các quần thể khác nhau, và cũng có thể tự kết hợp với các ký chủ khác (ngoài con người). Do đó, mục tiêu chính của chiến lược phòng ngừa ở quy mô cộng đồng không phải là tiêu diệt virus hay ngăn chặn lan truyền, mà là giảm tần suất lan truyền của virus H1N1 trong cộng đồng.

Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy các biện pháp như đóng cửa trường học hay công tư sở sẽ đáp ứng mục tiêu giảm tần suất lan truyền của virus H1N1 trong cộng đồng. Thế thì câu hỏi đặt ra trong tình trạng dịch cúm A/H1N1 đang có xu hướng lan truyền trong cộng đồng, chúng ta phải làm gì?

Trước hết, cần xác định rằng virus H1N1 đang lan truyền hiện nay không độc hại như các chuyên gia tiên đoán lúc đầu. Tỷ lệ tử vong thấp (dưới 0,5%) và bệnh nhân hồi phục khá nhanh. Thật vậy, những dữ liệu gần đây cho thấy độ độc hại của cúm A/H1N1 còn thấp hơn cúm mùa thông thường. Chính vì đánh giá này mà các giới chức y tế Mỹ và Úc khuyến cáo không nên đóng cửa trường học cho dù trường có các ca nhiễm virus H1N1.

Có thể tập trung vào những biện pháp kinh điển trong y tế cộng đồng như sau:

  • Phát hiện triệu chứng sớm: Một kế hoạch phòng chống được xem hữu hiệu nhất là sớm nhận dạng hay phát hiện những trường hợp cúm để điều trị sớm. Những triệu chứng để nhận dạng sớm bao gồm nóng sốt trên 37 độ; đau cổ họng; nhức đầu; ho và sổ mũi; ói mửa; mệt mỏi;… là những tín hiệu cho thấy bệnh nhân có thể nhiễm virus H1N1. Một khi phát hiện bệnh qua các tín hiệu trên, bệnh nhân nên ở nhà và nhờ bác sĩ điều trị. Kinh nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm virus H1N1 thường hồi phục trong vòng một tuần.
  • Làm sạch nhà trường và nơi làm việc: Một khi trường học hay cơ quan có người bị nhiễm virus H1N1, thì đó cũng là tín hiệu cho thấy nơi đó cần được lưu tâm vệ sinh. Rất có thể bàn ghế, cửa... đã bị nhiễm và đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm cúm H1N1 cho người khác. Trong nhiệt độ 25oC, virus H1N1 có thể sống trên mặt bàn khoảng hai giờ mà thôi. Do đó, cần phải khử trùng những nơi virus “lưu trú” như bàn ghế, tủ, giường, cửa, nhà vệ sinh… một cách triệt để.
  • Rửa tay và cẩn trọng khi hắt hơi: Hiện nay, đường lây lan chính của virus H1N1 là từ người sang người. Do đó, một khía cạnh phòng chống nhiễm H1N1 là ở mức độ cá nhân. Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay bằng xà bông. Thói quen này được xem là một biện pháp phòng ngừa virus cúm rất hữu hiệu ở quy mô cộng đồng.
  • Khẩu trang: Đeo khẩu trang hay không tuỳ thuộc vào môi trường. Có bốn môi trường chính chúng ta có thể bàn ở đây: cộng đồng, nhà, nơi làm việc (công tư sở), và các cơ sở y tế, kể cả bệnh viện và nhà dưỡng lão.

Không nên quên các bệnh khác

  • Trong thực tế, trên thế giới, còn nhiều bệnh nhiễm trùng và bệnh nhiệt đới có lẽ còn quan trọng hơn cả cúm A/H1N1. Mỗi năm có hơn 100.000 người chết vì những bệnh cúm mùa, và 150.000 người chết vì bệnh lao phổi.
  • Ở Việt Nam, tuy không có thống kê chính xác có thể suy luận số người mắc bệnh và tử vong vì cúm mùa và truyền nhiễm nhiều hơn số người nhiễm virus H1N1.
  • Do đó, tập trung vào việc phòng chống đại dịch H1N1 là một định hướng đúng, nhưng các bệnh cúm thông thường khác hay các bệnh truyền nhiễm khác còn nguy hiểm hơn cả cúm A/H1N1.
  • Chúng ta không nên vì một bệnh hay virus mới mà xao lãng những bệnh thông thường nhưng nguy hiểm hơn virus mới.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết