Acid hyaluronic là chất cao phân tử được đưa vào khớp khối để làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Đây là phương pháp điều trị chuẩn được nhiều tổ chức y học quốc tế có uy tín ví dụ như Hiệp hội thấp khớp Hoa Kỳ, Châu Âu,... đã đưa vào trong hướng dẫn và điều trị thoái hóa khớp gối.
1. Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là một vị trí thường gặp nhất trong các bệnh thoái hóa về khớp. Trong những đợt cấp của bệnh thoái hóa khớp, có thể dùng các thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau đơn thuần, tuy nhiên các thuốc này có nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa ví dụ như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa.
Một số thuốc chống viêm không steroid như indometacin về lâu dài lại có tác dụng có hại cho sụn khớp, và làm trầm trọng thêm quá trình thoái hoá khớp. Biện pháp cuối cùng là phải phẫu thuật thay khớp giả, rất tốn kém kinh phí cho bệnh nhân. Để khắc phục được những nhược điểm này, hiện nay, có biện pháp sử dụng chất nhờn (như acid hyaluronic hoặc dẫn xuất của nó) đã được ứng dụng rộng rãi vì tính an toàn và hiệu quả kéo dài.
Bình thường trong khớp gối có chứa khoảng 2ml dịch khớp. Acid hyaluronic là một polysacharid có ở trong thành phần dịch khớp, với hàm lượng từ 2,5 - 4,0mg/ml. Nó có tác dụng bôi trơn mô mềm và phủ trên bề mặt sụn khớp và được tổng hợp bởi tế bào sụn. Acid hyaluronic có nhiệm vụ đệm giảm xóc, bôi trơn và bảo vệ khớp. Nó có các tính chất nhớt và đàn hồi tùy thuộc vào lực tác động. Nếu tác động một lực lớn, thì nó có tính chất đàn hồi, còn nếu tác động một lực nhẹ thì nó như là dầu bôi trơn.
Khi khớp bị thoái hóa, số lượng acid hyaluronic và chất lượng chất này trong dịch khớp bị giảm. Ở những bệnh nhân thoái hóa khớp gối, lượng acid hyaluronic so với bình thường chỉ còn một nửa đến hai phần ba, do đó xảy ra hiện tượng dịch khớp giảm độ nhớt, và mất khả năng bảo vệ sụn khớp, dẫn đến tiến triển hủy hoại khớp.
2. Tác dụng điều trị của acid hyaluronic trong thoái hóa khớp
Sự bổ sung acid hyaluronic trong thoái hóa khớp dẫn đến tăng kéo dài nồng độ và trọng lượng phân tử của acid hyaluronic nội sinh, đã làm cải thiện đáng kể chức năng của khớp, giảm đau và tác dụng giảm đau này có thể kéo dài hàng tháng. Thuốc có tác dụng giảm đau do khi tiêm vào trong khớp, nó làm giảm sản sinh các hóa chất gây viêm trong dịch khớp (PE G2, bradykinin), ức chế cảm thụ đau ở bệnh nhân thoái hóa khớp.
Acid hyaluronic có tác dụng kháng viêm do ngăn chặn tác dụng của cytokine và ngăn chặn sinh tổng hợp PGE2. Tuy chỉ lưu trong dịch khớp 7 ngày nhưng duy trì tác dụng trong 6 tháng do kích thích sản xuất acid hyaluronic nội sinh. Các thử nghiệm trên lâm sàng đã chứng tỏ, ở người thoái hóa khớp, việc bổ sung acid hyaluronic nội khớp có tác dụng giảm đau tốt hơn giả dược. Thuốc acid hyaluronic đạt hiệu quả tương tự khi tiêm corticoid nội khớp song tác dụng bền vững hơn. Trong thí nghiệm tiêm trên động vật, khi tiêm acid hyaluronic còn có tác dụng bảo vệ và sửa chữa lại các tế bào sụn.
Acid hyaluronic làm ức chế thoái hóa sụn khớp do gia tăng hoạt tính của men tisue inhibitor metalloprotease (TIMP), kết khối các proteoglycan và tăng sinh tổng hợp của tế bào sụn khớp. Thuốc có hiệu quả tác dụng rõ rệt đối với bệnh nhân thoái hóa khớp trên nhiều mặt, đặc biệt là cải thiện chức năng khớp.
3. Tác dụng phụ của acid hyaluronic
Do thuốc được tiêm trực tiếp vào khớp do đó tác dụng của thuốc sẽ mạnh hơn và dễ gây tác dụng phụ. Dưới đây là một số tác dụng phụ của thuốc người bệnh có thể gặp phải:
- Bị đau nhẹ ở vị trí tiêm.
- Khớp bị tiêm trở nên ì, không tự sản sinh được dịch khớp tự nhiên, người bệnh nhiều khả năng phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc tiêm Acid Hyaluronic.
- Xuất hiện tình trạng chảy dịch khớp.
Để tránh tình trạng trên, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương án tốt nhất cho mình.
4. Những trường hợp thoái hóa khớp nào được sử dụng acid hyaluronic?
Liệu pháp tiêm sodium hyaluronate vào khớp gối có tác dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối từ mức độ từ trung bình đến nặng vừa. Nó có ích lợi đặc biệt đối với những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị thông thường, không dung nạp được thuốc đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid, cũng như giúp trì hoãn thời gian thực hiện phẫu thuật thay khớp vốn khó khăn và tốn kém.
Có nhiều loại thuốc chứa acid hyaluronic. Thường là hộp 5 ống chứa 2- 2,5ml acid hyaluronic, acid hyaluronic tiêm nội khớp gối 1 ống/tuần trong 5 tuần liên tục. Khi tiêm nội khớp acid hyaluronic cần đảm bảo vô khuẩn khi tiến hành thủ thuật. Phải tiêm thuốc ngay sau khi đã bóc hộp bơm tiêm ra. Nếu khớp có dịch phải hút ra rồi mới tiêm.
Thuốc chỉ có hiệu quả khi tiêm hết 3 lần (synvic) hoặc 5 tuần (hyalgan). Thuốc có độ dung nạp khá tốt. Trong một số ít trường hợp chỉ gặp đau nơi tiêm, phản ứng viêm tại chỗ, đau cơ, đau khớp, cảm giác mệt mỏi. Các triệu chứng này chỉ thoáng qua, sau 2-3 ngày là biến mất và thường chỉ gặp trong lần tiêm đầu tiên.
Những đối tượng sau đây cần phải thông báo với bác sĩ về tình trạng của mình để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
- Người bệnh có cơ địa dễ dị ứng và dị ứng với thành phần của thuốc Acid Hyaluronic.
- Người gặp các vấn đề rối loạn hay một số bệnh lý khác
- Phụ nữ đang mang bầu, cho con bú chỉ được dùng khi có chỉ định.
- Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào người bệnh cũng cần
Giá bán thuốc tiêm Acid Hyaluronic tùy từng cơ sở và từng loại biệt dược của thuốc mà sẽ khác nhau. Chính vì thế mà người bệnh hãy đến các bệnh viện chuyên khoa để được tiêm thuốc đúng liều lượng với giá thuốc tiêm tốt nhất.
Dùng thuốc tiêm Acid Hyaluronic chữa bệnh xương khớp, thoái hóa khớp mang lại những hiệu quả tích cực, giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, không phải người bệnh có nhu cầu thì sẽ được bác sĩ đáp ứng. Do đó hãy tìm đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để được tư vấn dùng thuốc chữa thoái hóa khớp, khớp gối thích hợp.