Cơ chế của các phương pháp điều trị tĩnh mạch

4 năm trước 23

Hiện nay, các bệnh tĩnh mạch hoàn toàn có thể được điều trị bằng những thủ thuật vô cùng đơn giản, ít xâm lấn, hầu như không đau và thời gian phục hồi nhanh chóng.

Thông thường, mọi người vẫn thường nghĩ rằng những bệnh tĩnh mạch như suy giãn tĩnh mạch hay tĩnh mạch mạng nhện chỉ gây ảnh hưởng đến vẻ ngoài một chút nhưng trên thực tế, những vấn đề này không chỉ đơn giản như thế. Nếu không được can thiệp điều trị, suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như huyết khối tĩnh mạch sâu và huyết khối tĩnh mạch sâu lại tiếp tục dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như thuyên tắc mạch phổi, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim và tử vong.

Cũng có nhiều người dù biết những hậu quả này nhưng khi thấy những dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch thì vẫn không điều trị vì sợ đau đớn và ngại phức tạp.

Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh tĩnh mạch hoàn toàn có thể được điều trị bằng những thủ thuật vô cùng đơn giản, ít xâm lấn, hầu như không đau và thời gian phục hồi nhanh chóng. Dưới đây là 3 phương pháp phổ biến để điều trị vấn đề về tĩnh mạch và cơ chế hoạt động của từng phương pháp.

Các phương pháp điều trị bệnh tĩnh mạch

Điều trị bằng nhiệt nội tĩnh mạch

Có hai phương pháp điều trị bằng nhiệt nội tĩnh mạch là laser nội tĩnh mạch (endovenous laser ablation - EVLA) và đốt tĩnh mạch bằng sóng cao tần (radiofrequency ablation - RFA). Laser nội tĩnh mạch là phương pháp có thể điều trị nguyên nhân gốc rẽ gây ra vấn đề tại các tĩnh mạch lớn ở chân, chẳng hạn như tĩnh mạch hiển lớn (great saphenous vein) và tĩnh mạch hiển nhỏ (small saphenous vein).

Hai lựa chọn điều trị này tương tự nhau về quy trình thực hiện. Sau khi gây tê vùng điều trị, một ống thông nhỏ được đưa vào trong lòng tĩnh mạch có vấn đề. Một sợi quang laser hoặc thiết bị phát sóng vô tuyến (radiofrequency) được luồn vào bên trong ống thông dọc theo tĩnh mạch và quá trình này được hướng dẫn bởi siêu âm. Khi ống thông được lấy ra từ từ thì năng lượng laser hoặc sóng vô tuyến sẽ làm nóng và khiến cho mạch máu xẹp xuống. Sau đó, máu sẽ chuyển hướng chảy sang các tĩnh mạch khỏe mạnh xung quanh và làm giảm áp lực trong đoạn tĩnh mạch được điều trị, từ đó xử lý được nguyên nhân gây ra chứng suy giãn tĩnh mạch và các triệu chứng đi kèm.

Quá trình điều trị bằng laser nội tĩnh mạch và đốt tĩnh mạch bằng sóng cao tần thường rất nhanh chóng, chỉ mất chưa đầy một giờ là hoàn thành, không cần nằm viện và người bệnh sẽ có thể sớm sinh hoạt trở lại bình thường sau khi điều trị.

Tiêm xơ tĩnh mạch

Có hai kỹ thuật tiêm xơ tĩnh mạch để điều trị các vấn đề về tĩnh mạch là tiêm xơ dưới hướng dẫn của siêu âm (ultrasound-guided sclerotherapy - UGS) và tiêm xơ tĩnh mạch thông thường (quan sát bằng mắt).

Kỹ thuật tiêm xơ tĩnh mạch dưới hướng dẫn của siêu âm có thể điều trị nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề ở cả các tĩnh mạch lớn, mạng lưới các tĩnh mạch nhỏ và các tĩnh mạch bị xoắn. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ dựa trên hình ảnh siêu âm để hình dung các tĩnh mạch có vấn đề. Khi đã xác định được đoạn tĩnh mạch không khỏe mạnh thì sẽ tiêm chất gây xơ vào bên trong qua đầu kim tiêm mảnh. Chất gây xơ sẽ khiến cho niêm mạc tĩnh mạch bị tổn thương, sau đó hình thành sẹo và đóng lại. Theo thời gian, đoạn tĩnh mạch được điều trị sẽ teo đi và được cơ thể hấp thụ. Quá trình tiêm xơ tĩnh mạch dưới hướng dẫn của siêu âm thường mất chưa đầy một tiếng là hoàn thành và không cần nhập viện. Bệnh nhân có thể sinh hoạt trở lại bình thường ngay sau khi điều trị.

Kỹ thuật tiêm xơ tĩnh mạch thông thường có thể điều trị các tĩnh mạch nằm gần bề mặt da nhìn thấy được (tĩnh mạch mạng nhện) mà không cần sự trợ giúp của siêu âm. Kỹ thuật này thường được thực hiện sau khi các tĩnh mạch lớn đã được xử lý để loại bỏ những mạch máu nhỏ. Trong quá trình tiêm xơ tĩnh mạch thông thường, chất gây xơ cũng được tiêm vào trong các tĩnh mạch để khiến mạch máu hình thành mô sẹo và đóng lại. Thời gian tiêm cũng mất chưa đầy một tiếng và gần như không cần thời gian nghỉ dưỡng.

Tất nén

Đối với những trường hợp chỉ có các vấn đề về tĩnh mạch dạng nhẹ thì có thể chưa cần đến những phương pháp kể trên mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thử tất nén trước.

Mang tất nén là cách hiệu quả để cải thiện sự lưu thông máu ở chân. Loại tất này ôm chặt lấy bàn chân và cổ chân, nới lỏng hơn về phía trên để hỗ trợ đẩy máu trở lại tim, giúp các tĩnh mạch không phải làm việc quá vất vả.

Tất nén được sử dụng để điều trị triệu chứng của các bệnh về tĩnh mạch chứ không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề.

Có nhiều lựa chọn khác nhau để điều trị các vấn đề về tĩnh mạch. Để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với mình thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Sau khi thăm khám và xác định được vấn đề, mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp phù hợp nhất.

Đọc toàn bộ bài viết