Herpes là một bệnh vô cùng dễ lây nhưng khả năng bị nhiễm virus HSV khi ngồi trên bồn cầu là rất thấp vì khi ở bên ngoài cơ thể, virus chỉ sống được trong khoảng thời gian rất ngắn.
Herpes là gì?
Herpes hay mụn rộp là bệnh do hai loại virus herpes gây ra là virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) và virus herpes simplex loại 2 (HSV-2). Đây là bệnh rất phổ biến ở người trưởng thành.
HSV-1 gây herpes miệng hay còn gọi là herpes môi trong khi HSV-2 chủ yếu gây herpes sinh dục.
Cả hai loại HSV đều lây truyền qua tiếp xúc da hoặc dịch cơ thể của người mang virus. Sự tiếp xúc này chủ yếu xảy ra khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn và cả khi hôn. HSV đôi khi cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở khi tiếp xúc với những bề mặt có dính virus.
Nhiều người bị herpes mà không hay biết vì bệnh không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng hoặc phải nhiều nằm sau khi nhiễm virus thì các dấu hiệu, triệu chứng mới xuất hiện. Khi có thì triệu chứng chính là nổi mụn nước ở bộ phận sinh dục hoặc ở quanh miệng, mụn nước sau đó bị vỡ ra, chảy nước và tạo thành vết loét. Virus có thể ở trạng thái không hoạt động trong thời gian rất dài sau khi vào cơ thể nên trong nhiều trường hợp, các triệu chứng đột nhiên xuất hiện mà không biết đã bị lây nhiễm từ khi nào.
Có thể bị lây herpes sinh dục từ bồn cầu không?
Herpes là một bệnh vô cùng dễ lây nhưng khả năng bị nhiễm virus HSV khi ngồi trên bồn cầu là rất thấp vì khi ở bên ngoài cơ thể, virus chỉ sống được trong khoảng thời gian rất ngắn. Do đó mà gần như sẽ không bao giờ bị herpes sinh dục do dùng chung bồn cầu với người mắc bệnh.
Những bệnh có thể bị lây từ bồn cầu
Mặc dù không thể bị nhiễm HSV từ bồn cầu nhưng có thể sẽ bị nhiễm một số loại vi sinh vật khác. Nguy cơ mầm bệnh lây từ người này sang người khác khi dùng chung bồn cầu sẽ càng tăng cao khi xả nước mạnh.
Khi xả nước mạnh, các vi sinh vật từ bên trong bồn cầu sẽ bị bắn ra ngoài và sau đó bám lên cơ thể hoặc rơi xuống các bề mặt xung quanh. Khi chạm lên các bề mặt này thì vi trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể.
Một số loại vi khuẩn và virus có thể tồn tại trên bề mặt bồn cầu và các khu vực xung quanh gồm có:
- Vi khuẩn liên cầu (Streptococcus) hay liên cầu khuẩn: Loại vi khuẩn này gây ra bệnh viêm họng liên cầu khuẩn và một bệnh nhiễm trùng da xâm lấn có tên là viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis). Do đó mà nó còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.
- Vi khuẩn Shigella: Loại vi khuẩn này ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Một trong những triệu chứng phổ biến là tiêu chảy.
- Vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus hay staph): hay còn gọi là tụ cầu khuẩn, vi khuẩn này tồn tại trên các bề mặt như bồn vệ sinh và có thể lây từ người này sang người khác. Một trong các loại tụ cầu khuẩn - tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) - có thể tồn tại trên các bề mặt trong thời gian lên đến ba tháng và lây lan chỉ trong thời gian tiếp xúc ngắn, có thể chỉ cần vỏn vẹn ba giây là đủ để vi khuẩn này bám vào cơ thể.
- Vi khuẩn Escherichia coli: hay vẫn được gọi là E. coli, loại vi khuẩn này thường sống trong ruột người nhưng có thể bám ở bề mặt bệ toilet và lây nhiễm vào cơ thể người.
- Norovirus: đây là một loại virus phổ biến, rất dễ lây lan, có thể tồn tại trên các bề mặt trong gần hai tuần.
- Virus influenza hay virus gây bệnh cúm, có thể sống được từ 2 đến 3 ngày trên các bề mặt như bồn vệ sinh, điện thoại, điều khiển hoặc tay nắm cửa.
Vị trí nào trong nhà vệ sinh có nhiều vi trùng nhất?
Nhiều người cho rằng bồn cầu là nơi bẩn nhất, chứa nhiều mầm bệnh nhất trong nhà vệ sinh nhưng sự thật không phải như vậy.
Một nghiên cứu đã cho thấy sàn nhà vệ sinh mới là nơi tập trung nhiều vi trùng nhất. Hơn 68% virus và vi khuẩn trên sàn nhà vệ sinh đến từ bên ngoài và chỉ có 15% là đến từ phân.
Ngoài ra, những vị trí khác cũng có nhiều vi trùng trong nhà vệ sinh còn có:
- Bồn rửa tay
- Tay cầm của vòi xịt
- Cần gạt nước bồn cầu
- Hộp đựng giấy
Cách phòng ngừa
Khi sử dụng nhà vệ sinh, đặc biệt là ở nơi công cộng thì cần ghi nhớ những điều sau để tránh bị lây nhiễm những vi sinh vật có hại:
Chỉ dùng giấy vệ sinh khi có hộp đựng
Vi trùng bắn ra từ bồn cầu có thể dính vào giấy vệ sinh nên hãy chọn những phòng vệ sinh có hộp đựng giấy hoặc nếu có thể thì tự mang theo giấy.
Dùng giấy ướt sát trùng
Một nghiên cứu cho thấy rằng việc dùng giấy ướt sát trùng lau lên bề mặt bồn cầu có thể làm giảm đáng kể số lượng vi khuẩn. Giấy lót bồn cầu loại dùng một lân tuy tiện lợi nhưng không đủ hiệu quả. Hầu hết vi sinh vật đều có kích thước nhỏ nên có thể chui qua các lỗ li ti của giấy. Nước bắn ra từ bồn cầu cũng có thể thấm vào giấy.
Rửa tay
Tầm quan trọng của việc rửa tay sau khi đi vệ sinh là điều mà ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được hay nếu có thì cũng thực hiện chưa đúng cách.
Điều quan trọng là phải rửa đủ thời gian cần thiết. Nên dùng xà phòng kháng khuẩn, xoa kỹ các ngón tay, kẽ ngón tay và cả bên dưới móng tay trong 20 đến 30 giây. Rửa sạch và lặp lại một lần nữa nếu cần.
Không chạm trực tiếp lên các bề mặt
Không nên dùng tay chạm trực tiếp lên cần gạt nước của bồn cầu mà hãy dùng một mẩu giấy vệ sinh sạch, sau đó vứt mẩu giấy này vào sọt rác. Cách này giúp tránh phải tiếp xúc với một bề mặt có khá nhiều mầm bệnh trong nhà vệ sinh.
Tương tự, sau khi rửa tay thì hãy dùng giấy để tắt vòi nước và mở cửa.
Không chạm vào lỗ thông hơi của máy sấy
Nếu sử dụng máy sấy khô tay thì tránh chạm tay vào lỗ thông hơi của thiết bị. Đây là một vị trí có khá nhiều vi trùng.
Làm gì khi có triệu chứng herpes?
Nếu gần đây phát hiện các dấu hiệu của bệnh herpes sinh dục thì cần đến bệnh viện khám ngay và tránh quan hệ tình dục hoàn toàn cho đến khi bệnh được chẩn đoán. HSV có thể không hoạt động trong cơ thể suốt nhiều năm và không gây triệu chứng. Điều này khiến nhiều người không biết mình bị nhiễm bệnh và lại vô tình lây sang người khác.
Tóm tắt bài viết
HSV lây truyền chủ yếu qua sự tiếp xúc da, chẳng hạn như khi quan hệ tình dục. Rất hiếm khi (nếu không muốn nói là không thể) lây nhiễm virus này từ bồn cầu. Tuy nhiên, bề mặt bồn cầu có rất nhiều mầm bệnh khác. Cần giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị nhiễm virus và vi khuẩn khi dùng nhà vệ sinh.