Nội dung chính của bài viết:
- Testosterone là một loại hormone androgen, tạo ra các đặc điểm nam tính trên cơ thể. Đây là hormone hay nội tiết tố nam mặc dù cả nam và nữ đều có loại hormone này.
- Nam giới cần có testosterone để tạo ra tinh trùng phục vụ cho mục đích sinh sản.
- Ở phụ nữ, testosterone cũng góp phần vào ham muốn tình dục và kích thích tiết ra các hormone quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Testosterone còn kích thích cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mới, ảnh hưởng đến mật độ xương, sự phân bố mỡ và sức mạnh của cơ ở nam giới.
- Ở cả hai giới, khi nồng độ testosterone trở nên mất cân bằng thì đều sẽ xảy ra các vấn đề bất thường. Khi ấy cần đi thăm khám và xét nghiệm để có hướng điều chỉnh phù hợp.
Testosterone là gì?
Testosterone thường được gọi là hormone hay nội tiết tố nam mặc dù cả nam và nữ đều có loại hormone này. Hormone là các phân tử có nhiệm vụ điều hòa các chức năng, quá trình diễn ra trong cơ thể. Hormone thường được sản xuất ở một vị trí trong cơ thể rồi đi đến các cơ quan khác. Ngoài các hormone sinh dục, cơ thể chúng ta còn có các hormone khác như hormone tăng trưởng và hormone kích thích tuyến giáp.
Testosterone là một loại hormone androgen, tạo ra các đặc điểm nam tính trên cơ thể. Testosterone được sản xuất ở các cơ quan sau:
- Tinh hoàn ở nam giới
- Buồng trứng ở phụ nữ
- Các tuyến thượng thận – cấu trúc nằm phía trên thận - ở cả nam và nữ
Nam giới có lượng testosterone trong cơ thể cao hơn nhiều so với phụ nữ. Tuy nhiên, ở cả hai giới, khi nồng độ testosterone trở nên mất cân bằng thì đều sẽ xảy ra các vấn đề bất thường.
Tác dụng và chức năng của Testosterone
Testosterone chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng trong cơ thể nam giới trong suốt cuộc đời. Hormone này giúp các cơ quan bên ngoài và bên trong của thai nhi phát triển, bao gồm các cơ quan sinh dục nam như dương vật và tinh hoàn. Ở tuổi dậy thì, testosterone có các nhiệm vụ như:
- Tham gia vào quá trình tăng trưởng nhảy vọt (growth spurt)
- Làm giọng nói trở nên trầm hơn
- Kích thích mọc lông ở vùng mu, mặt và nách
Testosterone còn ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và nam giới cần có testosterone để tạo ra tinh trùng phục vụ cho mục đích sinh sản.
Ở phụ nữ, testosterone cũng góp phần vào ham muốn tình dục và kích thích tiết ra các hormone quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, testosterone còn có một số chức năng chung ở cả hai giới. Ví dụ, hormone này kích thích cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mới. Testosterone còn ảnh hưởng đến mật độ xương, sự phân bố mỡ và sức mạnh của cơ ở nam giới.
Triệu chứng và nguyên nhân của testosterone thấp
Testosterone thấp ở nam giới
Testosterone thấp ở nam giới gây ra nhiều triệu chứng về thể chất. Một trong những tác động lớn nhất của sự suy giảm nồng độ testosterone là gây kháng insulin và góp phần gây ra bệnh tiểu đường. Các triệu chứng phổ biến của testosterone thấp ở nam giới gồm có:
- Giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn cương dương
- Tăng tích mỡ bụng
- Phát triển mô vú hay còn gọi là vú to ở nam giới
- Giảm chức năng sinh sản
- Ít lông trên cơ thể
- Giọng nói không trầm
- Giảm khối cơ
- Tinh hoàn hoặc dương vật kém phát triển
Con trai thường bắt đầu dậy thì từ khoảng 10 tuổi. Nếu đến độ tuổi này mà chưa dậy thì thì nguyên nhân có thể là do nồng độ testosterone thấp.
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng testosterone thấp ở nam giới gồm có:
- Các vấn đề sức khỏe mãn tính như bệnh tiểu đường
- Tổn thương tinh hoàn, chẳng hạn như do chấn thương, tật nghiện rượu hoặc bệnh do virus
- Các bệnh di truyền, ví dụ như Klinefelter, Kallman hoặc hội chứng Prader-Willi
- Có vấn đề hoặc khối u ở vùng dưới đồi
- Có vấn đề hoặc khối u ở tuyến yên
- Suy tinh hoàn
Testosterone thấp ở nữ giới
Ở phụ nữ, testosterone thấp có thể gây nên các biểu hiện như:
- Giảm ham muốn tình dục
- Khó thụ thai
- Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt, được gọi là vô kinh
- Các nguyên nhân gây testosterone thấp ở phụ nữ gồm có:
- Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài
- Lão hóa
- Suy buồng trứng hoặc từng phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng
Ngoài những vấn đề về thể chất, nồng độ testosterone thấp còn có thể gây ra những thay đổi về tâm trạng, tinh thần ở cả hai giới như:
- Không có động lực làm việc
- Phiền muộn
- Khó tập trung
- Trí nhớ kém
- Mất ngủ
Các triệu chứng và nguyên nhân của testosterone cao
Không chỉ nồng độ testosterone thấp mà testosterone quá cao cũng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Testosterone quá cao ở nam giới
Ở con trai, lượng testosterone quá cao sẽ gây dậy thì sớm và dẫn đến những điều sau:
- Mọc lông trên mặt
- Giọng nói trầm
- Cơ phát triển
- Sự phát triển sớm của cơ quan sinh dục
Dậy thì sớm có thể do khối u và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
Nguyên nhân tiềm ẩn khiến cho mức testosterone tăng quá cao ở nam giới gồm có:
- Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh
- Dùng steroid đồng hóa (anabolic steroid)
- Có khối u ở tinh hoàn hoặc tuyến thượng thận
Testosterone quá cao ở phụ nữ
Ở phụ nữ, nồng độ testosterone quá cao có thể gây ra chứng rậm lông (hirsutism). Đây là hội chứng khiến cho người phụ nữ mọc lông ở những vị trí không mong muốn trên cơ thể giống như nam giới, bao gồm cả trên khuôn mặt. Ngoài ra, mức testosterone cao còn gây nên những đặc điểm nam tính ở cơ thể phụ nữ (virilization). Các triệu chứng thường là hói đầu kiểu nam và giọng nói trầm.
Khối u ở buồng trứng hoặc tuyến thượng thận và hội chứng buồng trứng đa nang là những nguyên nhân tiềm ẩn gây dư thừa testosterone ở nữ giới.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nồng độ testosterone ở cả nam và nữ. Một số loại thuốc này gồm có:
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc an thần barbiturat
- Thuốc hỗ trợ sinh sản clomiphene
- Liệu pháp estrogen
Tuy nhiên, nếu đang sử dụng các loại thuốc này thì không được tự ý ngừng mà phải nói chuyện với bác sĩ trước.
Nồng độ testosterone thay đổi theo độ tuổi như thế nào?
Nồng độ testosterone ở nam giới thường đạt đỉnh ở trong khoảng độ tuổi từ 20 đến 30. Sau thời gian này, lượng testosterone sẽ giảm dần cho đến cuối đời. Ước tính, lượng testosterone giảm khoảng 1% mỗi năm kể từ sau tuổi 30 đến 40. Do đó, testosterone thấp là một vấn đề phổ biến hơn ở đàn ông lớn tuổi. Đây chính là lý do dẫn đến những thay đổi khi có tuổi ở nam giới, chẳng hạn như mất khối cơ. Ở tuổi 60, nồng độ testosterone ở mức thấp sẽ dẫn đến suy tuyến sinh dục hay còn gọi là mãn dục nam với những triệu chứng như:
- Giảm khả năng cương dương, đặc biệt là vào ban đêm
- Giảm ham muốn
- Thay đổi tâm trạng
- Giảm chức năng nhận thức
- Mệt mỏi, lo âu và dễ cáu giận
- Giảm khối cơ và sức mạnh của cơ
- Rụng lông/tóc
- Những thay đổi về da
- Giảm khối xương và mật độ khoáng xương
- Tăng tích mỡ bụng
Testosterone thấp còn làm tăng tỷ lệ tử vong ở nam giới cao tuổi.
Ở phụ nữ, nồng độ testosterone đạt đỉnh điểm ở độ tuổi 20 và sau đó bắt đầu giảm dần. Khi một người phụ nữ bắt đầu bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ testosterone chỉ bằng một nửa so với thời kỳ đỉnh cao. Nguyên nhân là bởi tuyến thượng thận của phụ nữ sẽ tạo ra ít testosterone hơn trong thời kỳ mãn kinh. Buồng trứng sẽ tiếp tục sản xuất testosterone sau khi mãn kinh nhưng lại ngừng sản xuất estrogen và progesterone. Hầu hết những thay đổi khi có tuổi ở phụ nữ là do thiếu hụt estrogen và progesterone.
Cũng như rối loạn chức năng tình dục, suy tuyến sinh dục khởi phát muộn cũng thường đi kèm với bệnh chuyển hóa và bệnh tim mạch.
Mức độ suy giảm nồng độ testosterone ở mỗi người là khác nhau nhưng ngày càng có nhiều nam giới gặp phải những vấn đề do testosterone thấp gây nên.
Điều trị mất cân bằng testosterone bằng cách nào?
Để khôi phục lại nồng độ testosterone bình thường thì cần điều trị nguyên nhân tiềm ẩn gây ra vấn đề này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm ra nguyên nhân gây mất cân bằng testosterone. Trong trường hợp testosterone ở mức thấp thì bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp thay thế testosterone.
Liệu pháp thay thế testosterone có nhiều dạng khác nhau như:
- Dạng gel bôi ngoài da
- Miếng dán
- Dạng tiêm
- Dạng cấy dưới da
Cả nam giới và nữ giới đều có thể điều trị bằng liệu pháp testosterone. Phụ nữ có thể dùng testosterone để cải thiện ham muốn tình dục và giảm rối loạn chức năng tình dục. Tuy nhiên, phụ nữ cần phải có mức estrogen ổn định trước khi bắt đầu điều trị vì testosterone có thể ảnh hưởng đến lượng estrogen.
Liệu pháp thay thế testosterone có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Nổi mụn trứng cá
- Vú nhạy cảm hoặc to lên
- Tăng lượng hồng cầu
- Giảm khả năng sinh sản
- Tinh hoàn nhỏ
- Sưng phù ở các chi dưới
Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone, bạn cần được bác sĩ theo dõi thường xuyên để đảm bảo nồng độ testosterone tăng một cách bình thường. Một số nam giới lớn tuổi có nồng độ testosterone ổn định vẫn chọn bổ sung thêm để tăng cường sức mạnh và năng lượng của cơ thể. Tuy nhiên, đến nay thì các nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được liệu việc bổ sung testosterone có thể đem lại những tác dụng này ở nam giới không bị thiếu hụt testosterone hay không?