Comozol

1 năm trước 21

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Y học cổ truyềnPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Comozol có chứa hoạt chất kháng nấm phổ rộng – Ketoconazole. Thuốc được chỉ định trong điều trị nấm thân (hắc lào, lác,…), nấm bàn chân, bàn tay, nấm bẹn hay viêm da tiết bã do vi nấm Malassezia furfur gây ra.

kem comozolComozol được sử dụng để điều trị các vấn đề da liễu do nhiễm nấm
  • Tên thuốc: Comozol
  • Phân nhóm: Thuốc điều trị bệnh da liễu
  • Dạng bào chế: Kem bôi ngoài da

Những thông tin cơ bản về thuốc Comozol

Thuốc Comozol được bán với giá dao động từ 20 – 30.000 đồng/ tuýp 10g. Giá thành có thể chênh lệch ở một số nhà thuốc và đại lý bán lẻ.

1. Thành phần

Comozol có chứa hoạt chất kháng nấm Ketoconazole. Thành phần này có tác dụng kháng nấm phổ rộng và nhạy cảm với nhiều loại vi nấm khác nhau.

Khi sử dụng liều cao, Ketoconazole có tác dụng tiêu diệt nấm. Ở liều thấp, thành phần này có khả năng kiềm chế sự phát triển của vi nấm.

Ngoài ra, Ketoconazole còn nhạy cảm với một số vi khuẩn gram dương.

2. Chỉ định

Comozol được chỉ định trong các trường hợp sau:

thuốc bôi comozolComozol được chỉ định trong điều trị hắc lào, lác, nấm bàn chân, bàn tay,…
  • Nhiễm nấm thân (lác, hắc lào,…)
  • Nấm bàn tay, bàn chân
  • Nấm da do nhiễm vi khuẩn Candida
  • Lang ben
  • Nấm bẹn
  • Viêm da tiết bã (do vi nấm Malassezia furfur)

Một số tác dụng khác của thuốc không được đề cập trong bài viết. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có ý định dùng thuốc với mục đích khác.

3. Chống chỉ định

Comozol chống chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Tổn thương da ở mắt
  • Dị ứng và quá mẫn với những thành phần trong thuốc
  • Tiền sử dị ứng với thành phần kháng nấm nhóm azole

Trước khi dùng thuốc, bạn cần báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng bệnh lý để được cân nhắc việc sử dụng thuốc. Nếu nhận thấy bạn không thích hợp với Comozol, bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc khác để thay thế.

4. Cách dùng – liều lượng

Tham khảo ý kiến của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì thuốc trước khi dùng. Không tự ý thay đổi cách dùng hay tăng giảm liều.

Cách dùng:

  • Làm sạch tay và vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc
  • Sử dụng một lượng thuốc tương ứng với phạm vi da bị bệnh
  • Thoa thuốc nhẹ nhàng và đợi thuốc thẩm thấu hoàn toàn
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi sử dụng – trừ khi bạn cần điều trị ở vị trí này

Bạn chỉ được băng kín vùng da bị bệnh khi có yêu cầu từ bác sĩ. Tự ý thực hiện có thể làm tăng mức độ hấp thu thuốc và gây ra tác dụng toàn thân.

Tránh để vùng da bôi thuốc tiếp xúc với khu vực da khỏe mạnh hoặc da của người khác. Thuốc có thể truyền qua tiếp xúc vật lý và gây tổn thương lên các tế bào khỏe mạnh.

Trong trường hợp vùng da sử dụng thuốc được che phủ bởi quần áo, bạn nên mặc đồ thoải mái và rộng rãi để tránh ma sát và gây tổn thương da.

Liều dùng:

Liều dùng thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để được cung cấp thông tin về liều lượng và tần suất cụ thể, bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa.

comozol giá bao nhiêuSử dụng thuốc theo đúng liều lượng và tần suất được chỉ định

Thông tin được chúng tôi đề cập trong bài viết chỉ đáp ứng cho các trường hợp phổ biến nhất. Đồng thời không có giá trị thay thế cho chỉ dẫn từ nhân viên y tế!

Liều dùng thông thường:

  • Thoa thuốc 1 lần/ ngày
  • Sử dụng lượng thuốc tương ứng với phạm vi da cần điều trị

Thời gian điều trị:

  • Nhiễm nấm bàn chân: từ 4 – 6 tuần
  • Nhiễm nấm bàn tay, nhiễm nấm Candida ngoài da và lang ben: từ 2 – 3 tuần
  • Nhiễm nấm ở thân: từ 3 – 4 tuần
  • Nhiễm nấm ở bẹn: từ 2 – 4 tuần
  • Viêm da tiết bã: từ 2 – 4 tuần. Thời gian điều trị duy trì: 1 – 2 lần/ năm

Khi nhận thấy liều dùng thông thường không đáp ứng được tình trạng bệnh, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng và tần suất.

5. Bảo quản

Vặn chặt nắp sau khi sử dụng. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp và ánh nắng trực tiếp. Không đặt thuốc trong tầm với của trẻ nhỏ và thú nuôi.

Khi thuốc có dấu hiệu bị côn trùng cắn, biến chất hoặc ẩm mốc, bạn không nên tiếp tục sử dụng. Tham khảo thông tin trên bao bì để xử lý thuốc đúng cách.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng Comozol

1. Thận trọng

Bệnh nhân suy gan, suy thận nên được điều chỉnh liều để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Không thoa thuốc lên vùng da mỏng, dễ tổn thương như niêm mạc và vùng da gần mắt. Nếu bệnh lý xuất hiện ở những khu vực này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được thay thế bằng một loại thuốc khác.

comozol giá bao nhiêuThận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai và cho con bú

Chưa có nghiên cứu cụ thể về tác dụng không mong muốn của thuốc đối với phụ nữ mang thai, cho con bú. Tuy nhiên để để phòng những tình huống rủi ro, bạn nên trình bày tình trạng của mình để được cân nhắc về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng Comozol.

2. Tác dụng phụ

Comozol có thể gây ra một số tác dụng phụ khi dùng. Thông thường, các triệu chứng này sẽ biến mất sau khi bạn ngưng sử dụng.

Nếu triệu chứng tiếp tục kéo dài hoặc có xu hướng trầm trọng hơn, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Tác dụng phụ thông thường:

  • Kích ứng da
  • Nóng rát
  • Ngứa

Danh sách này chưa bao gồm toàn bộ các tác dụng phụ của thuốc Comozol. Bạn có thể gặp phải các triệu chứng không được đề cập trong bài viết.

3. Tương tác thuốc

Chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc của Comozol. Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng, bạn nên trình bày với bác sĩ những loại thuốc bạn đang dùng để được cân nhắc về tương tác có thể xảy ra.

Nếu tương tác nhẹ, bạn sẽ được điều chỉnh liều lượng và tần suất sử dụng. Trong trường hợp tương tác nặng nề, bác sĩ có thể chỉ định một loại thuốc khác để thay thế hoặc yêu cầu bạn ngưng dùng thuốc.

4. Xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều

Sử dụng thuốc thiếu liều không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tình trạng lặp lại thường xuyên, khả năng kháng nấm của thuốc sẽ bị suy giảm. Triệu chứng có thể không được điều trị dứt điểm và có khả năng tái phát cao.

Ngược lại, dùng thuốc quá liều lượng khuyến cáo có thể gây ra những triệu chứng nặng nề. Nên chủ động báo với bác sĩ nếu bạn nhận thấy mình sử dụng quá liều.

Xem thêm

Đọc toàn bộ bài viết