BVK – Ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Theo Ghi nhận ung thư năm 2018 nước ta có hơn 17 ngàn ca mắc mới và hơn 15 ngàn trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Việc tiến hành sàng lọc và phát hiện sớm ung thư mang lại hiệu quả tích cực bởi ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng điều trị thành công rất cao.
Tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn khá cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém về kinh phí và hiệu quả điều trị. Vậy cần làm gì để có thể phát hiện sớm căn bệnh ung thư dạ dày, đây là câu hỏi và là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu quá trình khám tầm soát căn bệnh này cũng như vai trò của nội soi trong việc phát hiện sớm ung thư dạ dày với TS.BS Bùi Thị Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng Bệnh viện K.
PV: Thưa bác sỹ, bác sỹ có thể cho biết ở Việt Nam nói chung, Bệnh viện K nói riêng việc đến khám tầm soát ung thư dạ dày có sự thay đổi như thế nào?
TS.BS Bùi Thị Ánh Tuyết - Theo con số thống kê Globocan năm 2018 thì ước tính trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca. Đây là con số rất đáng báo động. Ở Việt Nam thì cũng ước tính năm 2018 có 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, và tỉ lệ tử vong là hơn 15.000 ca, căn bệnh này hiện ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện K nói riêng, trong thời gian qua số lượng người dân đến khám, chủ động quan tâm tầm soát ung thư đường tiêu hóa nói chung, ung thư dạ dày nói riêng có sự gia tăng. Ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư tiêu hóa được rất nhiều người quan tâm.
PV: Vậy có phương pháp nào để phát hiện bệnh sớm hơn và quá trình này được thực hiện như thế nào?
TS.BS Bùi Thị Ánh Tuyết - Việc phát hiện sàng lọc sớm ung thư dạ dày hiện nay thì phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp nội soi dạ dày bằng ống mềm. Vai trò của nội soi ống mềm trong phát hiện tầm soát ung thư dạ dày và đường tiêu hóa trên hiện nay đã được biết đến rộng rãi và đặc biệt là vì bệnh nhân khi đến bệnh viện khám về tiêu hóa thường không có các triệu chứng rõ ràng, ví dụ như là đau vùng thượng vị hay sút cân. Những bệnh nhân trên 40 tuổi khi đến khám có những triệu chứng mơ hồ như nuốt nghẹn, nuốt khó cũng có chỉ định nội soi để kiểm tra, phát hiện bệnh.
Tại Bệnh viện K, sau khi được khám về tiêu hóa bởi các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh được tư vấn và chỉ định nội soi để kiểm tra xem có tổn thương ở vùng thực quản, dạ dày không. Khi bệnh nhân đến nội soi chúng tôi sẽ khám, kiểm tra bệnh nhân trước khi nội soi, khám toàn trạng xem bệnh nhân có chống chỉ định nội soi không. Tiếp theo là kiểm tra mạch, huyết áp của bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân cần phải soi không đau ví dụ như soi gây mê, chúng tôi sẽ kiểm tra những chức năng cơ bản như X-quang phổi, xét nghiệm máu và hội chẩn với các bác sĩ gây mê, các bác sĩ sẽ gây mê trước khi đưa vào nội soi.
Nội soi dưới ánh sáng trắng, có thể phát hiện được tổn thương về mặt cơ bản, tuy nhiên, đánh giá xem tổn thương đó có phải là ung thư hay không để quyết định được giai đoạn của bệnh nhân để tiến tới can thiệp hay là xét phẫu thuật, thì thời gian qua bệnh viện có trang bị thêm hệ thống máy soi hiện đại NBI băng tần hẹp và máy nội soi khuếch đại.
Ngay khi nội soi với hệ thống này, chúng tôi có thể đánh giá ngay về kích thước, về hình thái, cấu trúc bề mặt, mạch máu của tổn thương, và có thể đưa tới những quyết định sớm cho bệnh nhân.
Trong trường hợp tầm soát ung thư sớm, nội soi rất quan trọng vì đối với bệnh nhân, nhiều khi chưa có triệu chứng đau nhưng đã có tổn thương, nếu phát hiện sớm có thể can thiệp qua nội soi mà không cần can thiệp về phẫu thuật. Ngày nay Bệnh viện K đã ứng dụng rộng rãi các tiến bộ mới trong nội soi, khi có tổn thương có thể hội chẩn trực tiếp qua hình ảnh nội soi.
PV- Vậy bác sĩ có thể cho biết một số dấu hiệu sớm cảnh báo căn bệnh này?
TS.BS Bùi Thị Ánh Tuyết - Một số dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày bạn cần lưu ý:
- Đầy tức bụng: Lúc đầu, triệu chứng đau rất giống với trong loét dạ dày chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan, xem nhẹ bệnh và chỉ đi khám khi đã quá muộn. Cảm giác nhanh no này có thể do khối u gây ra, nhưng cũng có thể do tình trạng không phải ung thư mà là đầy bụng - xảy ra khi một người có cảm giác rằng có thứ gì đó đang cản trở dạ dày của mình.
- Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn chắc chắn là một điều cần hết sức chú ý.
- Sút cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi: Sút nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
- Nôn ra máu, ợ chua, đầy bụng sau khi ăn, đi ngoài phân màu bất thường thì rất có thể cảnh báo bạn đã mắc ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu trên bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
PV - Phương pháp điều trị ung thư dạ dày hiện nay là gì thưa bác sĩ?
TS.BS Bùi Thị Ánh Tuyết - Ung thư là một bệnh cần phải điều trị đa mô thức nói chung và đặc biệt là ung thư dạ dày cũng không nằm ngoài đặc điểm chung đó, điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức, phẫu thuật, hóa chất, xạ trị. Trong đó phẫu thuật đã, đang và vẫn đóng vai trò quan trọng nhất mang tính chất triệt căn.
Tùy từng trường hợp các bác sỹ sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên cho bạn về phác đồ điều trị phù hợp nhất.
PV – Bác sỹ có thể đưa ra lời khuyên nào với người bệnh để chủ động phòng ngừa căn bệnh này?
TS.BS Bùi Thị Ánh Tuyết - Để phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả, mọi người nên hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích; tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
Và quan trọng nhất là đừng quên khám tầm soát ung thư dạ dày hàng năm. Với người bệnh không có biểu hiện gì bất thường cũng nên thực hiện nội soi kiểm tra 1 năm từ 1-2 lần.
Xin trân trọng cảm ơn TS.BS Bùi Thị Ánh Tuyết.
Nguồn tham khảo: Bệnh viện K