Dầu dừa trị mụn hay gây mụn trứng cá?

2 năm trước 26

Mụn trứng cá là một vấn đề về da phổ biến, thường xảy ra ở độ tuổi thanh thiếu niên nhưng cũng có thể xảy ra ở cả người trưởng thành. Có rất nhiều cách trị mụn khác nhau, trong đó có những cách sử dụng các thành phần tự nhiên, chẳng hạn như dầu dừa.

Vì dầu dừa có nhiều đặc tính tốt cho da nên không ít người đã sử dụng dầu dừa, hoặc bôi trực tiếp lên da hoặc thêm vào chế độ ăn uống, để trị mụn trứng cá.

Mặc dù dầu dừa đã được nghiên cứu về nhiều lợi ích khác nhau đối với sức khỏe nhưng mới chỉ có rất ít nghiên cứu kiểm chứng tác dụng trị mụn của loại dầu này.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Mụn trứng cá hình thành khi bã nhờn và tế bào da chết tích tụ trong nang lông, khiến cho lỗ chân lông bị bít tắc.

Mỗi nang lông đều kết nối với tuyến bã nhờn – tuyến có chức năng tạo ra dầu giữ ẩm và bảo vệ da.

Khi tuyến bã nhờn tiết ra quá nhiều dầu, dầu thừa sẽ tích tụ, lấp đầy nang lông và bít kín lỗ chân lông. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) phát triển.

Sau đó, vi khuẩn bị mắc kẹt lại bên trong các nang lông đã bị bít kín, dẫn đến phản ứng viêm trong da và hình thành mụn trứng cá.

Các dạng mụn trứng cá thường gặp là mụn đầu trắng, mụn đầu đen và mụn mủ. Dạng mụn trứng cá nghiêm trọng nhất là mụn trứng cá dạng nang.

Nhiều yếu tố góp phần vào sự hình thành mụn trứng cá gồm có:

  • Thay đổi nội tiết tố
  • Gen di truyền
  • Chế độ ăn uống
  • Căng thẳng
  • Nhiễm trùng

Tóm tắt: Mụn trứng cá hình thành khi dầu thừa và tế bào da chết bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm trong da. Có nhiều yếu tố góp phần gây mụn trứng cá.

Axit béo trong dầu dừa giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn

Dầu dừa chủ yếu được tạo nên từ các axit béo chuỗi trung bình (medium-chain fatty acids - MCFA).

Các axit béo này có đặc tính kháng khuẩn mạnh, có nghĩa là có thể tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh.

Hơn 50% axit béo trong dầu dừa là các axit béo chuỗi trung bình, chẳng hạn như axit lauric.

Axit lauric có thể tiêu diệt vi khuẩn, nấm và virus gây hại trong cơ thể. Loại axit béo này đã được chứng minh là có thể tiêu diệt vi khuẩn P. acnes gây mụn trứng cá. (1)

Trong một nghiên cứu, axit lauric có khả năng tiêu diệt những vi khuẩn này hiệu quả hơn so với benzoyl peroxide - một thành phần trị mụn phổ biến. Axit lauric còn có thể làm giảm phản ứng viêm do vi khuẩn gây ra.

Một nghiên cứu khác đã sử dụng kết hợp axit lauric và axit retinoic. Sự kết hợp này giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn trên da.

Dầu dừa còn chứa các axit béo chuỗi trung bình khác là axit capric, axit caproic và axit caprylic. Mặc dù không mạnh bằng axit lauric nhưng một vài axit béo trong số này cũng có hiệu quả chống lại vi khuẩn gây mụn trứng cá.

Những axit béo này chỉ phát huy tác dụng kháng khuẩn khi thoa dầu dừa trực tiếp lên da vì vi khuẩn nằm trong lỗ chân lông trên da.

Tóm tắt: Các axit béo chuỗi trung bình trong dầu dừa đã được chứng minh là có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn P. acnes.

Dầu dừa có tác dụng dưỡng ẩm và chữa lành da

Mụn trứng cá gây tổn thương da và có thể dẫn đến hình thành sẹo.

Dưỡng ẩm cho da là một bước quan trọng để giữ cho da luôn khỏe mạnh vì da cần đủ độ ẩm để chống lại nhiễm trùng và phục hồi khi bị tổn thương.

Nghiên cứu cho thấy rằng thoa dầu dừa lên da có thể giúp làm giảm khô da và đồng thời chống lại vi khuẩn. (2)

Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng dầu dừa như một loại kem dưỡng ẩm có hiệu quả tương đương hoặc thậm chí hiệu quả cao hơn so với dầu khoáng (mineral oil).

Ngoài ra, dầu dừa còn có thể giúp làm lành da và ngăn ngừa sẹo.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã bôi dầu dừa lên vết thương trên da chuột và nhận thấy rằng da ít bị viêm hơn và tăng sản xuất collagen - thành phần cấu trúc chính của da, nhờ đó thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Kết quả là vết thương lành nhanh hơn rất nhiều.

Dưỡng ẩm cho da còn giúp hạn chế sự hình thành sẹo mụn.

Tóm tắt: Dầu dừa giúp dưỡng ẩm da hiệu quả, ngoài ra còn có tác dụng chữa lành tổn thương da và ngăn ngừa sẹo.

Dầu dừa có đặc tính kháng viêm

Các axit béo trong dầu dừa có đặc tính kháng viêm, nhờ đó có thể làm giảm mụn trứng cá.

Nhiều nghiên cứu trong ống nghiệm và nghiên cứu trên động vật đã chứng minh đặc tính chống oxy hóa và viêm của dầu dừa. (3)

Những phát hiện này cho thấy rằng ăn dầu dừa có thể giúp làm giảm sưng đỏ do mụn viêm. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu trên người để kiểm chứng tác dụng này.

Tóm tắt: Mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm nhưng dầu dừa có thể giúp giảm viêm do mụn trứng cá.

Không nên thoa dầu dừa nếu có da dầu

Dầu dừa là một loại thực phẩm an toàn đối với hầu hết mọi người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thoa dầu dừa lên da.

Mặc dù dầu dừa có một số đặc tính có lợi cho việc trị mụn trứng cá nhưng những người có da dầu không nên thoa loại dầu này lên da.

Dầu dừa có thể gây bít tắc lỗ chân lông. Vì vậy nên ở một số người, dầu dừa không những không giúp trị mụn mà còn có thể khiến cho tình trạng mụn càng thêm nặng hơn.

Tóm tắt: Khi thoa lên da, dầu dừa có thể gây bít tắc lỗ chân lông và khiến tình trạng mụn trở nên nặng thêm. Những người có da dầu không nên sử dụng dầu dừa để dưỡng da.

Tóm tắt bài viết

Dầu dừa chứa nhiều axit lauric – một loại axit béo trung tính chuỗi trung bình có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá.

Bôi dầu dừa lên da có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, tăng cường độ ẩm và giảm sẹo mụn.

Tuy nhiên, dầu dừa không phù hợp với những người có da dầu vì loại dầu này có thể gây bít tắc lỗ chân lông.

Nếu bị mụn trứng cá nghiêm trọng thì nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn phương pháp trị mụn hiệu quả.

Có thể ăn dầu dừa để tăng cường khả năng chống viêm và chống oxy hóa nhưng do dầu dừa chứa nhiều chất béo bão hòa và calo nên chỉ ăn tối đa 2 muỗng canh (khoảng 30 ml) dầu dừa mỗi ngày.

Đọc toàn bộ bài viết