Đau nhức khớp gối về đêm là một vấn đề phổ biến khiến nhiều người bị mất ngủ. Tình trạng này gặp phổ biến ở người già, những người bị béo phì hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nguy hiểm ở khớp gối cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây đau nhức khớp gối về đêm
Cơn đau khớp gối có thể xuất hiện vào ban đêm vì những lý do sau:
– Thay đổi thời tiết: Thời tiết trở lạnh vào ban đêm hoặc có gió lạnh khiến nhiều người lên cơn đau khớp gối, đặc biệt là người già hoặc những đối tượng có tiền sử bị viêm khớp gối.
– Vận động khớp gối nhiều vào ban ngày: Nếu trong ngày bạn đi lại nhiều, đứng trong thời gian dài hoặc thường xuyên cúi xuống để nâng vác vật nặng thì khớp gối rất dễ bị tổn thương. Từ đó dẫn đến cơn đau nhức khớp gối về đêm.
– Béo phì: Đầu gối là một khớp lớn chịu trách nhiệm nâng đỡ gần như toàn bộ trọng lượng cơ thể. Việc dư thừa cân nặng sẽ khiến khớp này luôn phải chịu một áp lực đè nén rất lớn. Nó có thể bị đau bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm lẫn ban ngày.
– Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc, như Statin thường được chỉ định cho người có cholesterol máu cao có thể dẫn đến đau đầu gối vào ban đêm.
– Do bệnh lý: Một số trường hợp bị đau nhức đầu gối khi ngủ do mắc các bệnh lý như viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, chấn thương dây chằng đầu gối, hoại tử xương khớp gối hoặc u xương…
- Viêm khớp gối: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của đau đầu gối vào ban đêm. Khi bạn nằm xuống các cơ xung quanh đầu gối bắt đầu thư giãn khiến bạn cảm thấy cơn đau rõ rệt hơn vào ban đêm. Bạn còn có thể bị sốt nếu viêm khớp do nhiễm khuẩn.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Nó có thể góp phần gây đau đầu gối vào ban đêm vì hệ thống miễn dịch tấn công sai khớp.
- Bệnh gút: Bệnh gút khởi phát do axit uric dư thừa và lắng đọng thành tinh thể trong khớp, gây đau và sưng. Cơn đau khớp gối do bệnh gút gây ra thường bắt đầu bùng phát vào ban đêm.
- Viêm gân: Bệnh có thể gây đỏ, sưng và đau đầu gối vào ban đêm. Những người sử dụng đầu gối quá mức hoặc các vận động viên bộ môn nhảy có nguy cơ mắc căn bệnh này nhiều nhất.
Tình trạng đau nhức khớp gồi về đêm có thể khiến người bệnh khó ngủ, mất ngủ. Nghiêm trọng hơn nếu cơn đau do bệnh lý gây ra nhưng không được phát hiện và điều trị sớm sẽ khiến cho bệnh tình ngày càng trở nặng. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống và khiến bạn có nguy cơ bị tàn phế suốt đời.
Cách điều trị đau nhức khớp gồi về đêm
Bác sĩ có thể yêu cầu cho bạn chụp MRI, X-quang hay các xét cận lâm sàng khác để tìm ra nguyên nhân gây đau khớp gối về đêm và xác định tổn thương ở khớp gối. Dựa trên kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất cho bạn.
Một số cách dưới đây có thể được lựa chọn:
1. Áp dụng mẹo giảm đau nhức khớp gối về đêm tại nhà
Nhiều người cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn khi thực hiện những mẹo đơn giản như:
– Tắm nước ấm trước khi đi ngủ:
Tắm nước ấm 20 phút trước khi ngủ không chỉ giúp thư giãn thần kinh mà còn có thể làm dịu các cơn đau nhức và khiến bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
– Chườm nóng:
Thay vì tắm nước ấm, bạn có thể sử dụng một túi hay chai thủy tinh đựng nước nóng và áp vào đầu gối. Khi thực hiện tốt nhất nên quấn một chiếc khăn mỏng xung quanh đầu gối để tránh bị bỏng.
Liệu pháp nhiệt giúp giảm đau, thúc đẩy lưu thông máu đến cung cấp dưỡng chất sửa chữa những tổn thương ở khớp gối. Mỗi lần bạn có thể chườm nóng khoảng 15-20 phút và lặp lại nhiều lần nếu cơn đau vẫn tiếp tục xuất hiện vào ngày hôm sau.
– Giữ đầu gối được nâng cao khi ngủ:
Nếu bạn nằm ngủ ở tư thế ngửa, hãy thử kê một chiếc gối ngay bên dưới 2 đầu gối. Việc nâng cao khớp gối suốt cả đêm sẽ giúp trách được hiện tượng tích tụ dịch ở đầu gối và giảm sưng đau.
Tuy nhiên, nếu tư thế nằm nghiêng khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn, hãy kẹp một chiếc gối ở giữa để nâng phần đầu gối bị tổn thương lên cao.
– Chườm lạnh:
Giải pháp chườm lạnh thích hợp cho những đối tượng bị đau nhức khớp gối về đêm do chấn thương. Bạn lấy một túi đá lạnh chườm vào chỗ đau 20 phút, tình trạng sưng đau đầu gối sẽ được cải thiện.
– Tập các bài tập tăng cường cơ bắp cho khớp gối:
Điều này sẽ giúp khớp gối có khả năng chịu lực tốt hơn và đỡ bị chấn thương. Bạn có thể thực hiện một số bài tập chữa đau khớp gối dễ thực hiện như:
- Nằm ngửa trên giường, tay chân duỗi thẳng và nâng không lên cao. Sau đó từ tự hạ hông xuống.
- Bạn ngồi hoặc nằm, nâng chân lên xuống. Cố gắng giữ cho chân luôn thẳng.
Với các bài tập trên, mỗi lần bạn thực hiện khoảng 8 – 12 lần. Lặp lại 3 lần mỗi tuần để sớm thấy được kết quả.
– Lựa chọn trang phục phù hợp:
Khi bị đau khớp gối, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển ra khỏi giường hoặc thay đổi tư thế trong lúc ngủ. Hãy thử một bộ đồ ngủ rộng rãi được làm bằng chất liệu satin. Chúng trơn nên không gây ma sát ở đầu gối và giúp bạn dễ dàng điều chỉnh tư thế khi ngủ.
– Cải thiện tình trạng đau nhức khớp gối về đêm bằng chế độ ăn hợp lý:
Thêm rau xanh, các chất béo lành mạnh và chất đạm từ thịt nạc sẽ giúp bạn giảm viêm và kiểm soát tốt cân nặng. Điều này thật sự có lợi khi bạn đang bị viêm khớp gối. Trong bữa ăn hàng ngày, bạn nên hạn chế ăn đồ mặn, thịt mỡ. Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm sau:
- Các loại cá giàu omega 3 như cá hồi, cá ngừ
- Rau cải xoăn, bina, súp lơ xanh giúp bổ sung hàm lượng chất xơ dồi dào cho cơ thể
- Các loại trái cây giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là quả việt quất, mâm xôi hay dâu tây.
- Thay thế mỡ động vật bằng dầu oliu khi chế biến thức ăn.
- Ăn các loại đậu giúp bổ sung chất xơ và chất đạm lành mạnh cho cơ thể.
– Giảm cân nếu đang bị béo phì:
Giữ trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp sẽ giúp tránh được căng thẳng lên khớp gối. Nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn một chế độ ăn kiêng lành mạnh nếu cơn đau của bạn có liên quan đến béo phì.
2. Chữa đau nhức khớp gối về đêm bằng thuốc
Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Diclofenac, Ibuprofen hay Aproxen có tác dụng hai trong một. Chúng vừa giúp kháng viêm, vừa giúp giảm đau khớp gối. Nếu bạn không dùng được các thuốc NSAID, bác sĩ có thể đề nghị thay thế bằng Paracetemol.
Những thuốc này chỉ được sử dụng trong ngắn hạn vì nó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận khi dùng kéo dài.
Việc quan trọng bạn cần làm là nói chuyện với bác sĩ, dược sĩ về liều dùng cũng như thời gian sử dụng thuốc thích hợp.
3. Vật lý trị liệu giảm đau nhức khớp gối về đêm
Cùng với thuốc, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn tập vật lý trị liệu. Các phương pháp như chiếu đèn hồng ngoại, siêu âm, điện trị liệu, hoặc châm cứu bấm huyệt trị đau khớp gối. Chúng cũng có tác dụng kích thích lưu thông máu trong cơ thể, giảm viêm và cải thiện chức năng vận động của khớp gối.
Các chuyên gia được đào tạo bài bản sẽ giúp bạn làm vật lý trị liệu. Thời gian thực hiện có thể kéo dài trong một vài tuần cho đến khi tình trạng bệnh có tiến triển tốt.
4. Phẫu thuật điều trị đau nhức khớp gối về đêm
Phẫu thuật có thể được chỉ định khi tình trạng của bạn có liên quan đến bệnh viêm khớp gối tiến triển. Phương pháp này được thực hiện nhằm mục đích:
- Sửa chữa khớp gối bị hư hỏng: Bác sĩ sẽ thêm sụn vào khớp gối bằng phần sụn được lấy từ các bộ phận khác trên chính cơ thể bệnh nhân hoặc chỉnh sửa lại bề mặt xương.
- Thay khớp gối nhân tạo: Trường hợp khớp gối bị hư hỏng hoàn toàn không có khả năng phục hồi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Khớp mới thường được làm bằng chất liệu nhựa hoặc kim loại.
Như vậy, tình trạng đau nhức khớp gối về đêm không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Nó có thể cảnh báo một vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe mà nếu không được điều trị sớm, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn hơn, thậm chí là tàn phế suốt đời. Hãy tới gặp bác sĩ thăm khám và chữa trị ngay trước khi quá muộn.
Thông tin ThuocDanToc.vn cung cấp chỉ có giá trị tham khảo, không nhằm mục đích chẩn đoán hay điều trị y khoa.