Đau tai là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ em. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, có thể gây đau nhói hoặc đau âm ỉ. Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây đau tai ở trẻ em nhưng phổ biến nhất là bệnh viêm tai giữa cấp tính.
I. Đau tai ở trẻ em là gì?
Đau tai ở trẻ em có thể được gây ra bởi chất lỏng phía sau màng nhĩ, nhiễm trùng ở phần giữa của tai hoặc nhiễm trùng trong ống tai. Trẻ em dưới 5 tuổi thường là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm trùng tai cao, đặc biệt là sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như:
- Bệnh cảm lạnh thông thường
- Cảm cúm
- Hoặc viêm họng
- Viêm amidan
- Viêm mũi dị ứng
- Hay viêm xoang
II. Các dấu hiệu và triệu chứng của đau tai ở trẻ là gì?
Thông thường, trẻ em từ 3 đến 4 tuổi và trẻ sơ sinh chưa biết nói thường gây khó khăn trong việc nhận biết bệnh. Hơn nữa, khi nhận thấy các triệu chứng xuất hiện ở trẻ, đa số phụ huynh đều nghĩ con mệt mỏi hay khó chịu. Tuy nhiên, nếu thấy con có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ nên đưa con đến ngay bệnh viện để thăm khám, tránh những ảnh hưởng không mong muốn có thể xảy ra trong tương lai.
- Đau tai, đau âm ỉ hay đau đột ngột, đặc biệt là khi nằm, bú sữa hoặc nhai thức ăn
- Tai bị đỏ hoặc sưng tai ngoài
- Trẻ thường xuyên kéo hoặc xoa tai
- Con chán ăn, không muốn ăn
- Quấy khóc, khó ngủ, nhất là vào ban đêm
- Cáu gắt
- Đau đầu
- Nôn
- Sốt
- Mủ hoặc dịch tiết ra từ ống tai
III. Nguyên nhân gây đau tai ở trẻ là do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau tai ở trẻ em như đau tai do tổn thương ống tai, ráy tai hoặc do nhiễm trùng tai. Cụ thể:
#1. Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai là một trong những nguyên nhân gây đau tai phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu ống Eustachian kết nối giữa mũi và tai bị nhiễm trùng sẽ dẫn đến tình trạng không gian phía sau màng nhĩ cũng bị nhiễm trùng và gây viêm tai giữa. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do trẻ bị cảm lạnh khiến dịch nhầy bị tắc nghẽn ở ống Eustachian và tạo dịch bên trong.
Triệu chứng nổi bật của viêm tai giữa là đau ở tai. Chính biểu hiện này làm trẻ khó ngủ và quấy khóc. Do đó, cha mẹ cần nhận biết sớm để có hướng điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển nặng.
#2. Tổn thương ống tai
Ống tai bị tổn thương có thể là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đau tai ở trẻ. Tổn thương ống tai có thể là do cha mẹ ngoáy tai cho trẻ không cẩn thận. Hoặc cũng có thể là do móng tay của trẻ vô tình gây trầy xước.
#3. Nhiễm trùng tai do bơi lội
Ở những trẻ thường xuyên bơi lội, nhất là bơi ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, đau tai có thể xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nước hồ bơi chảy vô tai mang theo lượng lớn vi khuẩn, nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài nhưng đôi khi chúng đọng lại trong hốc tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây viêm. Đặc biệt, ở những trẻ có tiền sử bệnh thủng màng nhĩ hoặc viêm tay hay có bất thường về giải phẫu ống tai, bơi lội thường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở tai.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, đau tai ở trẻ em có thể là do trẻ đưa dị vật vào lỗ tai. Do đó, nếu thấy con có dấu hiệu bất thường cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ. Bằng các biện pháp kiểm tra, họ sẽ giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, đồng thời đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.
IV. Điều trị đau tai ở trẻ như thế nào?
Thường thì các triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em đều có thể tự khỏi sau đó ba đến bốn ngày, ngay cả khi cha mẹ không áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị y khoa nào cho con. Tuy nhiên, để bệnh mau hồi phục và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra, tốt nhất cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện thăm khám.
Trong trường hợp trẻ bị sốt, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc ibuprofen hoặc paracetamol theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau và hạ sốt cho con. Đồng thời, để hạn chế tình trạng sốt gây mất nước, các bậc phụ huynh nên cho con uống nhiều nước.
V. Biện pháp phòng ngừa đau tai ở trẻ
Cha mẹ có thể áp dụng những gợi ý sau để phòng ngừa chứng đau tai ở con trẻ:
- Tiêm phòng vắc xin liên hợp phế cầu khuẩn hoặc vắc xin cúm định kỳ cho trẻ để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng tai.
- Không nên làm sạch tai cho trẻ bằng tăm bông hoặc vật sắc nhọn.
- Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ. Tốt nhất, cha mẹ nên hướng dẫn và tạo cho trẻ thói quen rửa tay mỗi khi tiếp xúc với đồ vật.
- Không nên cho con bú khi nằm, tránh dịch sữa chảy ngược vào tai gây viêm.
Đau tai ở trẻ em tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị đúng lúc và đúng thời điểm bệnh sẽ để lại nhiều di chứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đề nghị các biện pháp điều trị khác nhau. Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, cha mẹ không nên lơ là mà hãy đưa con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
ThuocDanToc.VN không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị y khoa.