Đau tức ngực dữ dội do phình mạch máu

7 tháng trước 49

Ông Huy, 65 tuổi, đau ngực một tuần không dứt, đi khám phát hiện phình động mạch chủ ngực sau thời gian dài uống thuốc corticoid điều trị gout.

Đau tức ngực dữ dội do phình mạch máu

Ông Huy (ngụ Q. Bình Tân TP HCM) mắc nhiều bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, gout), uống thuốc corticoid chữa gout hơn 3 tháng nay. Đầu tháng 3/2024, mặt và thân trên ông sưng phù, hai tay và chân teo nhỏ. Một tuần trước nhập viện, ông đau tức ngực nhiều, cảm giác đau như xé rách liên tục, mệt mỏi, kèm ho, sốt nhiều. Ông được người nhà đưa đến bệnh viện Tâm Anh cấp cứu.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết biểu hiện lâm sàng cho thấy ông Huy mắc hội chứng Cushing. Đây là bệnh lý nội tiết, gây ra do tăng cortisol trong máu kéo dài hoặc tiếp xúc với các chất glucocorticoid có tác dụng tương tự cortisol trong thời gian dài. Khả năng ông Huy bị hội chứng này là do uống thuốc corticoid nhiều ngày.

Ngoài ra, loại thuốc này còn gây suy yếu hệ thống miễn dịch nên ông Huy có những dấu hiệu nhiễm trùng rõ rệt. Quan trọng nhất, triệu chứng đau ngực của ông Huy rất nguy hiểm, có thể là biểu hiện bệnh lý cấp tính của động mạch chủ (bóc tách động mạch chủ ngực), cũng có khả năng là biểu hiện của nhồi máu cơ tim.

Kết quả chụp CT mạch máu xác định bệnh nhân bị xơ vữa, vôi hóa mạch máu nặng khiến động mạch chủ ngực phình to, có vị trí có tổn thương phình dạng túi (khối phình có đường kính 40 mm), lớp nội mạc trong cùng bị rách gây ra tình trạng giả phình tại chỗ.

“Đây là một trường hợp bệnh lý động mạch chủ cấp tính, may mắn là máu đông lại ở vị trí rách chứ không chảy ồ ạt, nhờ đó không gây vỡ mạch máu dẫn đến tử vong”, bác sĩ Dũng cho hay, thêm rằng nếu không nhanh chóng can thiệp, khối phình có thể vỡ bất cứ lúc nào đe dọa tính mạng.

Hình ảnh khối phình giả động mạch chủ trên phim chụp CTHình ảnh khối phình giả động mạch chủ trên phim chụp CT

Các bác sĩ hội chẩn ngay trong đêm để tìm phương án điều trị khả thi cho người bệnh. Trước đây, các trường hợp tương tự cần tiến hành phẫu thuật mở. Bác sĩ chẻ đường dài ngay xương ức và rạch thêm đường dưới ngực, sau đó cắt bỏ đoạn mạch phình và thay bằng ống ghép nhân tạo. Rủi ro khi thực hiện ca mổ này rất lớn (chảy máu, nhiễm trùng, sử dụng tim phổi tuần hoàn trong suốt thủ thuật) và tỷ lệ thành công chỉ 50%.

Hiện nay, kỹ thuật đặt stent graft động mạch chủ được ưu tiên lựa chọn nhờ ưu điểm ít xâm lấn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, tỷ lệ thành công cao, nhanh hồi phục. Khó khăn lớn nhất ở trường hợp ông Huy là đoạn động mạch chủ ngực bị phình nằm chắn 2 nhánh (trong số 3 nhánh) động mạch lớn nuôi não.

Nếu đưa stent vào thì dòng máu này sẽ bị chặt đứt gây nhồi máu não cấp tính. Vì thế, giải pháp là mổ “2 trong 1”, vừa phẫu thuật bắc cầu tạo đường lưu thông máu lên não vừa đặt stent graft.

Tuy nhiên, ông Huy bị viêm phổi do suy giảm miễn dịch (hệ quả của hội chứng Cushing), nếu mổ 2 trong 1 sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng huyết, tử vong. Do đó, ê kip quyết định phẫu thuật bắc cầu trước, đợi tình trạng viêm phổi ổn định mới can thiệp đặt stent graft cho bệnh nhân. “Chúng tôi đặt an toàn bệnh nhân lên trên hết, nếu tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn sẽ lên kế hoạch đặt stent graft ngay lập tức để bảo đảm tính mạng cho người bệnh”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Bác sĩ Dũng cùng ê kíp tạo hai cầu nối bắc qua hai động mạch bị khối phình chặn. Điều này giúp đảm bảo con đường đưa máu lên não không bị cản trở, tránh nguy cơ đột quỵ. Tiếp theo, ông Huy được điều trị viêm phổi bằng kháng sinh.

Hai tuần sau, tình trạng viêm phổi của bệnh nhân ổn định, ca thủ thuật diễn ra. Sau 2 giờ, đoạn stent graft được đưa vào đúng vị trí tổn thương, áp sát thành động mạch, điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch về trạng thái bình thường. Ông Huy hết đau ngực, giảm mệt, hồi phục hoàn toàn sau 3 ngày.

Bác sĩ Dũng, bác sĩ Hiếu (từ trái qua) cùng ê kip can thiệp đặt stent graft cho bệnh nhânBác sĩ Dũng, bác sĩ Hiếu (từ trái qua) cùng ê kip can thiệp đặt stent graft cho bệnh nhân

BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM thông tin, phình động mạch chủ ngực là tình trạng một đoạn của động mạch chủ chạy qua ngực bị tổn thương, dần suy yếu và phình to ra. Tỷ lệ mắc bệnh lý này là 10/100.000 người. Khoảng 1/4 các ca phình động mạch chủ xảy ra ở ngực, số còn lại hình thành ở bụng (phình động mạch chủ bụng).

Nguyên nhân phổ biến nhất gây phình động mạch chủ ngực là xơ vữa mạch máu do tăng huyết áp và đái tháo đường, ngoài ra bệnh còn xảy ra do yếu tố di truyền, viêm mạch máu. Bất thường van động mạch chủ, nhiễm trùng không được điều trị, chấn thương.

“Trường hợp ông Huy có thể do tác dụng phụ của việc uống thuốc corticoid lâu ngày, gây xơ vữa mạch máu nặng hơn, là 1 yếu tố thúc đẩy đợt bệnh này”, bác sĩ Hiếu nhận định, thêm rằng corticoid (tên đầy đủ là glucocorticoid) là một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý, có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng nhưng nếu lạm dụng sẽ gây tác dụng phụ như tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hội chứng Cushing…

Nếu khối phình mạch nhỏ và không biểu hiện triệu chứng, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh thăm khám định kỳ 6-12 tháng/lần và chưa cần phẫu thuật. Việc làm này giúp theo dõi sự phát triển của khối phình để sớm có biện pháp can thiệp nếu phát hiện bất thường.

Khi khối phình động mạch chủ ngực > 5cm hoặc gây ra các triệu chứng, bệnh nhân cần phẫu thuật ngay để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như vỡ khối phình, bóc tách động mạch chủ, chảy máu, cục máu đông.

Để giảm xơ vữa động mạch – nguyên nhân hàng đầu gây phình động mạch chủ mỗi người nên duy trì chỉ số huyết áp và mức cholesterol trong giới hạn bình thường, xây dựng thực đơn ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch, không tiếp xúc với thuốc lá dưới mọi hình thức, tập luyện tối thiểu 150 phút mỗi tuần, kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ phình động mạch chủ ngực.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Cập nhật lần cuối: 13:07 05/04/2024

Đọc toàn bộ bài viết