Hệ tiết niệu
- Đường tiết niệu, hoặc hệ tiết niệu bao gồm hai thận, hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
- Thận là hai cơ quan hình hạt đậu nằm dưới xương sườn ở giữa lưng, hai bên cột sống. Thận loại bỏ lượng nước dư thừa và các chất thải từ máu qua nước tiểu.
- Thận còn duy trì sự cân bằng ổn định của các muối và những thành phần khác trong máu. Thận sản xuất các nội tiết tố giúp xương chắc khỏe (calcitriol) và tạo ra hồng cầu (erythropoietin).
- Các ống hẹp có tên gọi niệu quản dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, là một túi hình oval ở bụng dưới. Giống như một quả bóng, thành bàng quang có tính đàn hồi, căng và mở rộng ra để trữ nước tiểu. Bàng quang xẹp xuống khi nước tiểu thoát ra ngoài cơ thể qua niệu đạo.
Sỏi thận là gì?
- Sỏi thận là một khối cứng hình thành trong đường tiết niệu từ những tinh thể tách ra từ nước tiểu. Bình thường, nước tiểu chứa những hóa chất có tác dụng ngăn ngừa hoặc ngăn cản các tinh thể hình thành.
- Tuy nhiên, các chất ức chế này không hiệu quả cho tất cả mọi người, do đó một số người sẽ có sỏi. Nếu các tinh thể vẫn còn đủ nhỏ, chúng sẽ di chuyển qua đường tiết niệu và thoát ra khỏi cơ thể theo nước tiểu mà không được nhận biết.
- Sỏi thận có thể chứa những kết hợp khác nhau của nhiều hóa chất. Loại sỏi phổ biến nhất chứa canxi kết hợp với oxalat hoặc phosphat. Các hóa chất này là một phần của chế độ ăn bình thường ở người và là thành phần quan trọng của xương và cơ bắp. Một loại sỏi ít phổ biến hơn hình thành do nhiễm trùng ở đường tiết niệu. Loại sỏi này được gọi là sỏi struvite hoặc sỏi nhiễm trùng. Sỏi axit uric, ít gặp hơn nữa, trong khi sỏi cystine là rất hiếm.
- Sỏi tiết niệu (urolithiasis) là một thuật ngữ y khoa được sử dụng để mô tả sỏi hình thành trong đường tiết niệu. Những thuật ngữ khác mô tả các vị trí của sỏi trong đường tiết niệu, như sỏi thận (nephrolithiasis), sỏi niệu quản (ureterolithiasis).
- Sỏi mật và sỏi thận không liên quan với nhau. Chúng được hình thành từ các vị trí khác nhau trong cơ thể. Người bị sỏi mật không nhất thiết phải có nguy cơ hình thành sỏi thận.
Ai thường bị sỏi tiết niệu?
- Vì những lý do chưa được biết rõ, số bệnh nhân sỏi thận đã tăng trong 30 năm qua. Cuối thập niên 1970, <4% dân số có bệnh sỏi tiết niệu. Đầu những năm 1990, tỉ lệ dân số mắc căn bệnh này đã tăng lên hơn 5%.
- Người da trắng (Caucasians) có nguy cơ hình thành sỏi thận cao hơn người gốc Châu Phi.
- Sỏi tiết niệu gặp thường xuyên hơn ở nam giới. Tỷ lệ mắc sỏi thận tăng lên đáng kể ở nam giới khi bước vào tuổi 40 và tiếp tục tăng lên ở tuổi 70. Đối với phụ nữ, sỏi xảy ra nhiều nhất ở tuổi 50.
- Khi đã có trên một viên sỏi, sẽ có nguy cơ hình thành nhiều viên sỏi khác.
Nguyên nhân gây sỏi thận?
- Không phải lúc nào cũng biết rõ tất cả những nguyên nhân tạo thành sỏi.
- Trong khi một số loại thực phẩm có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi ở những người nhạy cảm, các nhà khoa học không tin rằng việc ăn bất kỳ thực phẩm cụ thể nào lại có thể gây ra sỏi ở những người không nhạy cảm.
- Người có tiền sử sỏi thận trong gia đình sẽ có khả năng bị sỏi.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bất thường ở thận như bệnh nang thận (cystic kidney diseases), và một số rối loạn chuyển hóa như cường tuyến cận giáp (hyperparathyroidism) cũng có liên quan đến việc hình thành sỏi.
- Ngoài ra, hơn 70% những người bị một bệnh di truyền hiếm gặp là bệnh toan hóa ống thận (renal tubular acidosis) sẽ hình thành sỏi thận.
- Chứng tiểu ra cystin (cystinuria) và tăng oxalat niệu (hyperoxaluria) là hai rối loạn chuyển hoá di truyền hiếm gặp khác thường gây ra sỏi thận. Trong chứng tiểu ra cystin, quá nhiều acid amin cystine không hòa tan được bài tiết ra nước tiểu, dẫn đến sự hình thành sỏi cystine.
- Tăng calci niệu có tính di truyền và có thể là nguyên nhân gây ra sỏi ở hơn một nửa số lượng bệnh nhân. Canxi được hấp thu quá nhiều từ thức ăn và bị đào thải theo nước tiểu.
- Các nguyên nhân khác gây sỏi thận là tăng uric niệu (hyperuricosuria), một rối loạn chuyển hóa của axit uric; bệnh gout; dùng dư thừa vitamin D; nhiễm trùng đường tiết niệu; và tắc nghẽn đường tiết niệu.
- Một số thuốc lợi tiểu, và các thuốc kháng acid dạ dày chứa canxi có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận bằng cách tăng lượng canxi trong nước tiểu.
- Sỏi canxi oxalat cũng có thể hình thành ở những bệnh nhân viêm ruột mạn tính hay đã được mổ nối tắt ruột (intestinal bypass operation), hoặc phẫu thuật mở ruột ra da (ostomy).
- Sỏi struvite hình thành ở những bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu. Các bệnh nhân dùng thuốc ức chế protease indinavir để điều trị nhiễm HIV cũng có nguy cơ hình thành sỏi thận.
Các triệu chứng của sỏi thận?
- Sỏi thận thường không gây ra triệu chứng. Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của sỏi thận là đau cực kỳ, khởi phát đột ngột khi một viên sỏi di chuyển trong đường tiết niệu và chặn dòng chảy của nước tiểu.
- Bệnh nhân cảm thấy đau dữ dội, đau quặn ở phía sau và vùng hông lưng trong khu vực của thận hoặc đau vùng bụng dưới.
- Đôi khi có kèm buồn nôn và ói mửa. Sau đó, đau có thể lan đến vùng bẹn.
- Nếu sỏi quá lớn để có thể thoát ra một cách dễ dàng, đau vẫn còn do các cơ ở thành niệu quản cố gắng co bóp để đẩy sỏi vào bàng quang.
- Khi sỏi di chuyển và do cơ thể cố gắng tống xuất sỏi ra, máu có thể xuất hiện trong nước tiểu, khiến nước tiểu có màu hồng.
- Khi sỏi xuống đến niệu quản đoạn gần bàng quang, bệnh nhân cảm thấy mót tiểu và đau rát khi đi tiểu.
- Khi có sốt và lạnh rung đi kèm với các triệu chứng kể trên, có thể đã có nhiễm trùng. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần phải đi khám bệnh ngay.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn